Khoảng 200 đại biểu từ các bộ ngành Trung ương và địa phương; Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp quốc tế và trong nước, hiệp hội, các chuyên gia nông nghiệp đầu ngành tham dự hội nghị để chia sẻ các định hướng, chính sách ưu tiên của ngành và kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tác động của biến đổi khí hậu và thách thức từ hội nhập kinh tế thế giới.
Để giải quyết 3 thách thức này, không có cách nào khác là Việt Nam tập trung công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, phát triển những ngành hàng có lợi thế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới và tổ chức lại sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: K. Lực
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 186 nước trên thế giới với giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường chúng ta đã mở chưa bền vững về mặt thời gian, chưa đảm bảo về quy mô hàng hóa và đặc biệt nguy cơ rủi ro rất cao khi chịu tác động cạnh tranh từ hội nhập kinh tế. Mặc dù năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam lớn, nhưng chủ yếu là sự tập hợp từ những mô hình quy mô nhỏ, tạo ra một lượng lớn sản phẩm “thô”.
Trong khi đó, ngoài một số ngành hàng như tôm, cá tra, bò sữa… đầu tư chế biến sâu, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm dài hơn thì hầu hết chuỗi giá trị của các ngành hàng còn rất ngắn.
“Sản xuất như vậy không thể cho hiệu quả cao, nguy cơ rủi ro về thị trường, lãng phí tài nguyên, sản phẩm đang là một thực tế” - Bộ trưởng nhận định.
Vì thế, Bộ trưởng mong muốn diễn đàn năm nay sẽ giúp Việt Nam có được nhiều kinh nghiệm hay cũng như khuyến nghị, ý kiến đề xuất để phát huy tốt hơn tiềm năng, cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao con số kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng bày tỏ sự lo ngại về xu thế bất ổn định trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với xu hướng sụt giảm giá của hàng loạt nông sản chính, tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam đang phải đánh đổi rất lớn về môi trường, phá rừng, mất đa dạng sinh học. Cùng với đó là nhiều thất bại về thị trường, khiếm khuyết về hệ thống tổ chức sản xuất, thương mại.
“Bức tranh này cho thấy khả năng cạnh tranh về giá trị, khối lượng không đoán được. Việt Nam phải nỗ lực để cải thiện khả năng cạnh tranh của mình dựa vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất các mặt hàng giá trị cao” – ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Ông Stein Hansen, Giám đốc vùng, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc . Ảnh K. Lực
Tại hội nghị, ông Stein Hansen, Giám đốc vùng, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) chia sẻ, tại các nước đang phát triển chỉ có khoảng 30% mặt hàng nông sản xuất khẩu được chế biến trong khi tỷ lệ này đạt 96% tại các quốc gia phát triển.
“Các quốc gia có thu nhập cao đã tạo ra 200 USD giá trị gia tăng đối với 1 tấn hàng hóa nông sản đã qua chế biến trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng 50USD” - ông Stein Hansen.
Chính vì thế, UNIDO mong muốn giúp Việt Nam thúc đẩy cơ hội kinh doanh bền vững và bao trùm cho người nghèo ở nông thôn thông qua việc phát triển chuỗi giá trị nông sản, tăng cường liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường.
Chế biến sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành nông nghiệp.
Năm 2019, Việt Nam bước vào thời kỳ mới với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bên cạnh những cơ hội khi các FTA có hiệu lực, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại để tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng mới.
Trong khi đó, nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn cùng cọ xát thương mại và công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, kéo theo sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ và gia tăng rào cản thương mại từ các nước xuất nhập khẩu ngày càng cao.
Việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất, phát triển chế biến nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường và khắc phục các hàng rào kỹ thuật trở thành vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu trên, hàng loạt vấn đề từ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nâng cấp công nghệ chế biến, hỗ trợ quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối nông sản… không chỉ đòi hỏi nỗ lực cao của ngành nông nghiệp mà cần sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, của doanh nghiệp, của các tác nhân trong cả chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Bộ NNPTNT và Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã ký kết thỏa thuận thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng và năng lực tuân thủ chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.