Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NNPTNT khẩn trương tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Thay Nghị định 66 đã “lỗi thời”
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bàysản phẩm OCOP của Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện nay cả nước có hơn 56.000 doanh nghiệp, 797 HTX, 119 tổ hợp tác và gần 330.000 hộ gia đình tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn. Tổng doanh thu năm 2015 từ các hoạt động ngành nghề nông thôn của các tỉnh, thành phố đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Về làng nghề, đến nay, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận.
|
Theo Bộ NNPTNT, sau 10 năm triển khai Nghị định 66 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, bên cạnh những thành quả nổi bật, vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế như chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã bao bì còn lạc hậu, thủ công. Hầu hết các làng nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên chưa thể sản xuất hàng hóa lớn. Cơ sở hạ tầng nhiều làng nghề còn thiếu thốn, đáng chú ý là việc phát triển nóng làng nghề ở một số nơi đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Thời gian gần đây, lao động của làng nghề có xu hướng chuyển ra các thành phố lớn tìm việc làm, do thu nhập từ làng nghề đã không còn hấp dẫn. Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn mặc dù đã được ban hành khá nhiều, song vẫn thiếu thống nhất, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Do vậy, Bộ NNPTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Bộ xây dựng dự thảo nghị định về phát triển làng nghề, trình Chính phủ xem xét, ban hành thay thế Nghị định 66 hiện bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Trên thực tế, từ năm 2008 Bộ NNPTNT đã triển khai thí điểm ở một số địa phương mô hình “mỗi làng một sản phẩm” và được nhiều địa phương hưởng ứng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, đối với những làng đã có nghề, có sản phẩm được tạo ra, thì ưu tiên hỗ trợ cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm, thì lựa chọn ra ít nhất một nghề có sản phẩm mang nét đặc trưng nhất về địa lý, phong tục, văn hóa địa phương để hỗ trợ. Những làng chưa có nghề, chưa có sản phẩm đặc trưng nổi bật, thì khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm”, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách có bài bản, có hệ thống, từ việc hình thành bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện, ban hành cơ chế chính sách đến hướng dẫn quy trình triển khai.
Từ thực tiễn 3 năm triển khai của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, đây là chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như: Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương... Sự xuất hiện các sản phẩm của làng, xã trên thị trường sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến các địa phương ngày càng đông đảo hơn.
3 kinh nghiệm quý của Quảng Ninh
Với những kết quả trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong việc triển khai Chương trình “Mỗi xã- phường một sản phẩm”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, quá trình triển khai chương trình thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu. Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống. Việc phát triển làng nghề còn tản mạn, thiếu sự quản lý tập trung, chưa thu hút được nguồn lực xã hội...
Chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Ninh trong quá trình thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh nêu ra 3 mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện. Thứ nhất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng NTM. Thứ hai, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Thứ ba, thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng, để phát triển kinh tế, xây dựng NTM, nâng cao đời sống người nông dân, một mặt các tỉnh cần phải tái cấu trúc nông nghiệp để tạo ra một nền sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
“Việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế phi nông nghiệp có quan hệ hữu cơ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, do đó các địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, từ đó có điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
* Thực tế trong xây dựng NTM cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng NTM cần gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò chủ động lựa chọn sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh của người dân nông thôn. Nhà nước có nhiệm vụ hỗ trợ, nhằm phát triển sản xuất và thương mại ngành nghề theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT
* Những kết quả bước đầu của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại Quảng Ninh đã tạo ra hiệu ứng tốt và lan tỏa ra khắp cả nước. Do đó, chúng tôi tin tưởng chương trình sẽ có các bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ không chỉ ở khu vực nông thôn mà còn ở cả khu vực đô thị. Tại hội nghị này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương nghiên cứu triển khai một cách có hệ thống và bài bản chương trình trong toàn quốc.
Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
* Là doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà mình đã trải qua. Ổn định sản xuất khó một, phát triển thị trường còn khó gấp 10 lần. Nếu như trước đây, thời gian tìm kiếm thị trường chúng tôi có thể mất 1 - 2 năm, thậm chí là nhiều hơn, nhưng qua các kênh hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, khâu này đã được rút ngắn còn 1/3. Điều này giúp những đơn vị khởi nghiệp như chúng tôi nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh.
Một thành công nữa, đó là nhờ chương trình các doanh nghiệp chúng tôi đã có nhiều lần tham gia hội chợ, được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ nhau về kinh nghiệm tổ chức sản xuất, bán hàng...
Bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh
Nguyễn Quý (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.