Chương trình tàu chiến cận bờ gần 100 tỉ USD của Mỹ

Thứ ba, ngày 19/03/2013 15:46 PM (GMT+7)
Chương trình tàu chiến cận bờ (Littoral Combat Ship - LCS) với lớp Freedom và Independence đã, đang và sẽ tiêu tốn của Lầu Năm Góc một khoản tài chính không hề nhỏ. Nhưng "đắt có xắt ra miếng"?
Bình luận 0

Theo thông báo từ lực lượng hải quân Mỹ, tàu chiến cận bờ (Littoral Combat Ship - LCS) USS Freedom của nước này đang trên đường đến đồn trú luân phiên tại Singapore.

Sơ lược về LCS. Độ choán nước: 3.000 tấn. Tầm hoạt động: 4.000 hải lý (gần 7.500 km). Thủy thủ đoàn: 75 - 90 người. Vũ khí cơ bản: tên lửa đối đất Griffin, hệ thống tên lửa đối không. RIM-116, pháo 57 mm, 2 pháo 30 mm… cùng các cụm hỏa lực khác. Mang theo: 2 trực thăng Sikorsky SH-60 Seahawk (trang bị ngư lôi Mk 46, tên lửa Hellfire đối đất, pháo 30 mm…), trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.

Ngày 11.3, chiếc USS Freedom cập cảng Hawaii và dự kiến có mặt ở đảo quốc sư tử vào tháng sau. Khi đó, chính sách chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố đầu năm 2012, sẽ trở nên cụ thể hơn.

Thực ra, LCS không chỉ đáp ứng cho chính sách chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương mà còn là một trong những chương trình quan trọng đối với nhãn quan quân sự mới của Lầu Năm Góc.

Ngày 14.3, Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) đã công bố báo cáo mới nhất về chương trình LCS. Theo đó, Washington chính thức giới thiệu chương trình này vào năm 2001 với mục tiêu thiết kế nên những chiến hạm có tính cơ động cao, thay đổi linh hoạt các cụm vũ khí tùy thuộc từng nhiệm vụ cụ thể.

Chiếc USS Freedom thuộc dòng LCS là lá bài chiến lược của hải quân Mỹ
Chiếc USS Freedom thuộc dòng LCS là lá bài chiến lược của hải quân Mỹ - Ảnh: US Navy

Chương trình gần 100 tỉ USD

Sau một gian dài thử nghiệm, hải quân Mỹ tiến hành trang bị LCS với lớp Freedom và Independence. Trong đó, USS Freedom, được bàn giao hồi tháng 11.2008 và do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, là chiếc đầu tiên của lớp Freedom.

Còn USS Independence, được bàn giao vào tháng 1.2010 và do Tập đoàn General Dynamics chế tạo, là chiếc đầu tiên thuộc lớp Independence. Theo báo cáo của CRS, tính riêng chi phí nghiên cứu phát triển thì LCS cũng đã ngốn hết hơn 3,7 tỉ USD.

Theo kế hoạch, hải quân Mỹ sẽ trang bị 55 chiếc loại này với tổng ngân sách lên đến 37 tỉ USD. Ngoài ra, Lầu Năm Góc dự kiến mỗi chiếc LCS sẽ phục vụ trong 25 năm và tổng chi phí hoạt động của 55 chiếc ngốn thêm khoảng 50 tỉ USD. Đó là chưa kể nhiều khoản phát sinh về sau. Như vậy, tổng giá trị của chương trình trang bị chiến hạm cận bờ cho hải quân Mỹ có thể tiêu tốn gần 100 tỉ USD.

img
Chiếc USS Independence. Ảnh: US Navy.

Đổi lại, LCS cũng rất đáng "đồng tiền bát gạo". Bằng chứng là dù có độ choán nước khoảng 3.000 tấn, tương đương với tàu hộ tống, nhưng cả Freedom lẫn Independence đều đạt tốc độ lên đến 40 hải lý mỗi giờ (gần 75 km/giờ), nhanh hơn nhiều so với con số 25 - 28 hải lý mỗi giờ của các tàu hộ tống.

Ngoài ra, trong khi hầu hết các hộ tống hạm chỉ mang theo 1 trực thăng thì LCS của Mỹ lại đủ sức chở đến 2 chiếc Sikorsky SH-60 Seahawk tác chiến đa năng. Đặc biệt, chiến hạm lớp Freedom và Independence còn vượt trội về khả năng lẩn tránh radar, hoạt động cực êm để hạn chế bị phát hiện bởi những hệ thống dò tìm định vị sóng âm sonar.

Các cụm vũ khí "tháo lắp linh hoạt" còn cho phép LCS đủ sức đối phó hiệu quả trước các chiến hạm nổi, tàu ngầm và phòng chống ngư lôi. Bên cạnh đó, cả lớp Freedom lẫn Independence còn được hỗ trợ tích cực bởi dòng máy bay trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout. Loại trực thăng này có bán kính tác chiến đến 200 km và sắp được trang bị tên lửa Griffin.

Phục vụ tấn công tức thời

Với những trang thiết bị trên, mặc dù LCS thừa sức đối phó trong các cuộc hải chiến phi đối xứng, mang tính cầm chân đối phương, nhưng sẽ khó phát huy hiệu quả nếu triển khai tấn công. Thế nhưng, Mỹ vẫn đầu tư khá đậm vào chương trình này bởi Washington dường như đang dần thay đổi nhãn quan quân sự, không còn quá tập trung vào các loại chiến hạm tấn công cỡ lớn như trước đây.

img
LCS Freedom và LCS Independence song hành. Ảnh: US Navy.

Thực sự, việc quá tập trung vào các chương trình tàu chiến tấn công sẽ không còn cần thiết như xưa khi Lầu Năm Góc đang ra sức phát triển Chương trình tấn công toàn cầu tức thời (PGS). Thuộc PGS, Lầu Năm Góc vào năm 2010 đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình cho phép bắn đến bất cứ điểm nào trên thế giới trong vòng 60 phút.

Đến nay, Washington đã thử nghiệm thành công đến vài loại tên lửa như thế, có vận tốc nhanh từ gấp 6 - 7 lần âm thanh. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc còn đẩy mạnh tốc độ triển khai của lực lượng không quân để có thể tham chiến bất cứ địa điểm nào trên thế giới trong vòng 48 giờ.

Sau đó, thêm 48 giờ nữa thì lực lượng hỗn hợp gồm hàng không mẫu hạm, tàu chiến cỡ lớn và lục quân sẽ phối hợp triển khai tấn công toàn diện. Với PGS, Mỹ tận dụng tốc độ và tính linh hoạt nên không còn cần nhiều chiến hạm cỡ lớn như trước.

Vì vậy, đầu tư vào chương trình LCS sẽ giúp Lầu Năm Góc vẫn đảm bảo các lợi ích cần thiết của Mỹ trên biển để kết hợp cùng khả năng tấn công răn đe của PGS. Sách lược này giúp Lầu Năm Góc duy trì sức mạnh mà vẫn tiết giảm được ngân sách quân sự. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh Washington cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng như hiện nay.

Theo Thanh Niên
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem