Người dân chụp ảnh vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Q.Đồng Đa, TP.Hà Nội), đêm 8.11. (Ảnh: Gia đình & Xã hội)
Sự vô tâm thể hiện qua chiếc smartphone
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước - Chủ biên của nhiều tạp chí công nghệ ngay những ngày đầu Việt Nam hội nhập với nền CNTT thế giới, hiện điện thoại thông minh (smartphone) đã phủ rộng khắp toàn cầu với chủng loại ngày càng nhiều và giá cả mỗi ngày một rẻ hơn. Giờ đây, smartphone cũng không phân biệt người giàu người nghèo, già trẻ hay lớn bé. Chính sự bùng nổ của smartphone đã phần nào tác động tới đời sống và lối sống của con người trong xã hội.
Trước vụ việc nhiều người có thói quen dùng smartphone chụp ảnh tai nạn thay vì giúp đỡ các nạn nhân, như vụ tai nạn mới đây xảy ra ở cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Q.Đồng Đa, TP.Hà Nội), ông Phước nhận định: “Theo tôi, đó là tình huống người ta thấy tò mò, lạ nên dừng lại chụp hình. Hành động như vậy phát sinh từ nền tảng giáo dục chưa được chỉn chu, đúng mức. Cũng dễ hiểu, bởi có smartphone thì họ thường có nhu cầu chụp ảnh tự sướng. Trên thế giới, người ta đã nhiều lần lên án những hình ảnh chụp ở nơi đổ nát, tang thương, đó chính là sự vô cảm của người chụp ảnh”.
“Quan điểm của tôi, các sản phẩm công nghệ chỉ là công cụ phục vụ con người. Do đó, mấu chốt chính là sự vô cảm của con người, thể hiện bằng bất cứ cách nào mà họ có thể thực hiện. Smartphone trở nên phổ biến và luôn bên cạnh họ thì họ sẽ tận dụng nó thôi”, ông Phước nói về mối liên quan giữa smartphone và sự vô cảm.
Nhà tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng, sự vô cảm xuất phát từ những lý do khác nhau: Cuộc sống xung quanh đã tạo cho người ta thói quen như vậy; sự lo sợ và mong muốn an toàn trong cuộc sống, sợ bị vạ lây; sự trơ lì về cảm xúc và thiếu hẳn sự rung cảm do người ta ích kỷ; sự vô tư quá đáng đẩy người ta đến chỗ vô tâm; người ta quan tâm nhiều đến những việc của bản thân mình hơn; hoặc cũng có thể người ta quá thích thú với những trò chơi, hành vi cụ thể, như nói chuyện, nhắn tin, chụp ảnh bằng smartphone,...
“Lẽ đương nhiên, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính cách con người được giáo dục và trải qua cuộc sống như thế nào... Nó không xuất phát từ một yếu tố cụ thể mà nó bắt nguồn và xuất phát từ cách con người hành động để lớn lên”, ông Sơn nói
Cái tôi, trào lưu câu “view” trên mạng xã hội
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước, nếu trường hợp bình thường không có mạng xã hội, không có trào lưu chia sẻ hình ảnh, câu “view” thì sẽ hiếm thấy cảnh đông người tập trung xem, chụp ảnh tai nạn như thời gian vừa qua.
“Không có ai chụp chỉ để đó không, mà họ chụp để về đưa lên mạng tranh đua nhau - một hành động lạm dụng mạng xã hội. Có những người có ý nghĩ tốt là truyền tải thông tin mới, như nhà báo công dân chẳng hạn, nhưng không phải ai cũng nghĩ được như vậy”, ông Phước chia sẻ.
Trong đêm 8.11, nhiều hình ảnh của vụ tai nạn cũng đã xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội Facebook, được đăng tải bởi người dân trực tiếp tại hiện trường. (Ảnh: Xuân Lực)
Ông Phước cho biết thêm, cũng giống trong lĩnh vực báo chí, khi phóng viên ảnh chụp ảnh đưa lên báo thì người ta thường thắc mắc là “Tại sao phóng viên không lao vào giúp người bị nạn mà lại đứng chụp hình?”.
“Thật ra phóng viên có hai nhiệm vụ, vừa phải làm tin thời sự vừa có trách nhiệm hỗ trợ người bị nạn. Sau khi chụp được bức ảnh cho tin bài, họ phải tìm cách cứu chữa người bị nạn. Chẳng hạn tình huống của Huỳnh Công “Nick” Út, ông chỉ tốn 1 giây để có bức ảnh thời sự chính trị xuất sắc về cô bé Kim Phúc bị bỏng, sau đó chạy tới đưa cô bé vào bệnh viện ”, ông Phước nói.
“Chỉ đơn thuần chụp để sướng, để thỏa mãn cái tôi trên Facebook là rất nguy hiểm và đáng trách. Còn họ ghi lại hình ảnh như một nhà báo công dân, phục vụ cộng đồng là điều rất tốt. Có hai mặt của vấn đề, vậy nên phải tùy tình huống mà phê phán. Đặc biệt tình huống chụp ảnh tự sướng ở những nơi đổ nát, tang thương là không nên”, ông Phước nói thêm.
“Cái tôi có nhiều dạng. Tôi là người đầu tiên biết chuyện đó cũng mang tính tôi là người trên hết, tôi là người ngon lành nhất; hay cái tôi trong việc cạnh tranh nhau câu “view”, làm sao để mọi người có thể nhớ tới mình, nhắc tới mình. Chính mong muốn khoe cái tôi cá nhân nên có gì độc, lạ thì người ta thường hay bày trò, thiết kế, sắp đặt, thậm chí đưa cả bản thân mình, bạn bè của mình ra để thu hút mọi người. Đây không phải là cái tôi tốt đẹp”, ông Phước đánh giá.
Cuối cùng, chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Theo tôi, cầm xem xét lại sự giáo dục ở gia đình và tại nhà trường. Cụ thể là cần xem lại cách dạy trẻ lớn lên, cần đem đến những xúc cảm đích thực từ cuộc sống, nên dạy trẻ biết khóc, biết đương đầu và vượt qua nỗi sợ hãi, nên dạy trẻ biết đồng cảm và cảm thông. Qua đó, sẽ tạo nên những con người hoàn thiện về nhân cách ở mọi lứa tuổi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.