Chúng tôi gặp anh Nguyễn Giang Sơn (SN 1980, quê Hải Dương) tại Công ty chuyên sửa chữa, bảo trì các thiết bị điện gia dụng (Hà Nội) vào một buổi trưa đầu hè.
Ở đây, Sơn là 1 trong 4 kỹ thuật viên chính của Công ty chuyên sửa chữa, bảo trì các thiết bị điện gia dụng như điều hòa, máy giặt, bình nóng lạnh, lò vi sóng và các loại quạt...
Anh Nguyễn Giang Sơn (SN 1980, quê Hải Dương) hiện là kỹ thuật viên sửa chữa, bảo trì thiết bị điện gia dụng.
Nhận xét về Sơn, anh Quách Văn Giang (Giám đốc Công ty - nơi anh Sơn làm việc) từng nói, Sơn là người cẩn thận, tỉ mỉ và làm việc khá hiệu quả.
Tuy nhiên đây cũng là nhân viên khiến công ty nhiều lần phải giải thích với khách hàng bởi nhiều người “không ưa” gương mặt lúc nào cũng khó đăm đăm của anh.
“Sơn là kỹ thuật viên câm điếc, không có khả năng giao tiếp như người bình thường. Nhiều khách hàng không biết điều đó. Họ nghĩ Sơn thiếu kỹ năng chăm sóc khách hàng nên phản ánh lại phía công ty… Thực ra, Sơn là người tình cảm và trong lòng có nhiều nỗi niềm”, vị Giám đốc nói.
Sơn sinh ra vốn không phải người câm điếc, anh có thể nghe nói như những người bình thường cho đến khi anh lên 6 tuổi.
“Nghe bố mẹ kể lại, khi đó tôi bị một khối u ở cổ, phải tiêm rất nhiều thuốc. Dần dần, khối u biến mất nhưng tôi lại mất đi tiếng nói và thính giác của mình”, Sơn kể chuyện thông qua một người phiên dịch câm điếc.
Anh Quách Văn Giang (Giám đốc Công ty - nơi anh Sơn làm việc) cho biết, Sơn là người cẩn thận, tỉ mỉ và làm việc khá hiệu quả.
Theo lời kể của anh Sơn, kể từ sau khi mất đi giọng nói và thính giác, phải mất khá nhiều thời gian, anh mới lấy lại được thăng bằng và chấp nhận số phận. Đến tuổi trưởng thành, anh may mắn quen một cô gái ở cùng TP Hải Dương. Cô gái này cũng có hoàn cảnh giống anh, bị câm điếc và không thể giao tiếp thông thường.
“Chúng tôi đã tìm thấy nhau rồi yêu nhau suốt 3 năm trước khi làm đám cưới”, anh Sơn nói. Sau khi cưới, cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng khá vất vả vì chuyện cơm áo gạo tiền. Anh Sơn phải làm rất nhiều công việc như công nhân dán sàn gỗ, thợ hàn...
Cuộc sống khó khăn nhưng họ luôn cảm thông, yêu thương nhau. Hai vợ chồng anh không bao giờ quên tặng quà nhau vào những dịp kỷ niệm. Anh Sơn thường mua hoa và áo thun, áo sơ mi để tặng vợ. Vợ anh cũng hay may quần áo cho anh (chị là thợ may). Cả hai còn liên tục bảo nhau chi tiêu tiết kiệm để có thể trang trải cuộc sống. Nhưng sau đó số phận trớ trêu lại ập đến với Sơn. Đó là khi vợ chồng anh mâu thuẫn và không thể giải quyết.
Ít ai biết, phía sau gương mặt lúc nào cũng khó đăm đăm của người thợ sửa chữa này là một câu chuyện buồn.
Anh Sơn cho biết, khoảng thời gian sau khi vợ anh sinh con, giữa hai người đã xảy ra nhiều cãi vã, bất đồng. Cuối cùng, anh và vợ quyết định ly thân, sau đó khoảng 1 năm họ chính thức ly hôn. Đứa con trai 3 tuổi của anh và vợ được gửi về cho ông bà ngoại nuôi còn anh lên Hà Nội tìm việc. Cũng từ đây, anh được giới thiệu đến công ty của anh Giang để làm kỹ thuật viên sửa chữa và bảo trì các thiết bị điện gia dụng.
“2 năm sau khi ly thân, tôi gặp lại vợ. Vết thương cũ đã không còn khiến tôi đau nữa. Chúng tôi đã coi nhau là bạn”, anh Sơn nói.
Đến với công việc bảo trì, anh Sơn có cơ hội được làm việc với những người cùng hoàn cảnh với mình.
Người đàn ông khiếm thính sinh năm 1980 này cho biết, hiện tại cuộc sống anh dần trở nên ổn định vì anh tìm được một công việc ở công ty của Giám đốc Giang.
Cũng tại đây, anh có thêm những người bạn mới, những người có cùng hoàn cảnh câm, điếc như anh. Quan trọng hơn, thông qua mạng xã hội anh đã tìm được một người phụ nữ (cùng hoàn cảnh câm, điếc) rất tâm đầu ý hợp.
“Tôi và bạn gái mới đang trong quá trình tìm hiểu, hẹn hò. Tuy nhiên vì là người sống tình cảm nên mỗi khi xa người yêu, tôi đều thấy buồn. Có thể, đó là lý do người ta thấy tôi ít cười …”, anh Sơn trải lòng.
“Rất nhiều người đã phản đối khi tôi hợp tác với những người khiếm thính, giúp họ việc làm. Tuy nhiên kể từ khi bắt tay vào làm việc, càng ngày những người bị coi là “không bình thường” ấy lại càng giúp tôi lấy lại lòng tin của mọi người trong công ty hơn. Riêng với tôi, phải khẳng định rằng, càng làm việc chung những người khiếm thính càng khiến tôi thêm yêu quý, nể phục họ… ”, anh Quách Văn Giang - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và chăm sóc nhà chia sẻ. |
(Còn nữa)
* Tít bài do Dân Việt đặt lại.
Minh Anh - Đặng Hương (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.