Chuyện bầu cử ở Quảng Ninh: Khi tiếng nói của người nông dân ngày càng được lắng nghe

Nguyễn Quý Thứ bảy, ngày 22/05/2021 11:01 AM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên mà Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ nắm bắt thông tin, giám sát về bầu cử ở 33 xã, phường của TP.Hạ Long. Đó là trọng trách, vai trò đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng và là điểm tựa vững chắc cho nông dân trên hành trình phát triển, hội nhập.
Bình luận 0

Khi Hội Nông dân tỉnh về xã

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ nắm bắt thông tin, giám sát về bầu cử tại 33/33 xã, phường trên địa bàn TP.Hạ Long. 

 33 cán bộ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh và cơ quan khối MTTQ và các tổ chức công tác xã hội TP.Hạ Long đã trực tiếp đi đến 247 thôn, khu; 88.803 hộ dân; 317.979 nhân khẩu. 

 Trong đó có 226.708 cử tri với cơ cấu kinh tế đa dạng: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp.

Thành phần dân tộc cũng đa dạng, tại 1 số xã, trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số (Đồng Sơn, Tân Tân, Bằng Cả, Kì Thượng, Hòa Bình, Đồng Lâm...)..

Chuyện bầu cử ở Quảng Ninh: Khi tiếng nói của người nông dân ngày càng mạnh mẽ - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Việt Dũng (áo trắng) kiểm tra công tác tuyên truyền bầu cử.

Không chỉ là những buổi tuyên truyền cứng nhắc về bầu cử, cán bộ Hội Nông dân còn tận dụng từng giờ, từng phút đến thăm vườn nhà, trang trại, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của người dân, hay ghi nhận những sáng tạo về sản xuất nông nghiệp.

Tại các phường, xã, các hội đoàn thể đều tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt, kiểm tra, giám sát... tình hình bầu cử tại địa phương thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề của tổ chức, lồng ghép trong các hội nghị, đại hội của tổ chức mình.

Đồng thời, vận động đông đảo hội viên tham gia các hoạt động khác phục vụ công tác bầu cử: Dọn vệ sinh quanh các điểm bầu cử, tuyên truyền cho hàng xóm, các thành viên khác trong gia đình...

Chuyện bầu cử ở Quảng Ninh: Khi tiếng nói của người nông dân ngày càng mạnh mẽ - Ảnh 2.

Hội Nông dân Quảng Ninh kết hợp tuyên truyền bầu cử và thăm các mô hình, trang trại của hội viên nông dân huyện Ba Chẽ.

Tại một số xã thuộc TP.Hạ Long, đặc thù có đông đồng bào dân tộc sinh sống, do vậy, công tác tuyên truyền về bầu cử được Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và có cách làm riêng.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, Hội đã lồng ghép công tác tuyên truyền với các hoạt động, phong trào thi đua nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong hội viên nông dân hướng về ngày bầu cử. Tiêu biểu là tổ chức ra mắt các tổ hội nghề nghiệp nông dân; trao hàng tỷ đồng vốn vay cho hội viên từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh…

Vững tin vào tương lai

Năm 2020, Quảng Ninh có gần 47.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 78,1% tổng số hộ đăng ký, vượt chỉ tiêu của năm 2020.

Đáng chú ý, trong đó có 303 hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng, 3.038 hộ có mức thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 43.600 hộ có mức thu nhập từ 50 đến 500 triệu đồng.

Chuyện bầu cử ở Quảng Ninh: Khi tiếng nói của người nông dân ngày càng mạnh mẽ - Ảnh 3.

Nhiều hộ nông dân ở vùng núi Bình Liêu, Ba Chẽ thoát nghèo nhờ nghề trồng, sản xuất quế.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều năm qua đã có hàng nghìn nông hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú, tỷ phú từ chính mảnh đất, cánh rừng của mình. Hiệu quả của phong trào đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trong các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào, năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cấp hội chủ động tham mưu với cấp ủy đảng cùng cấp nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại các địa phương.

Theo đó, Hội Nông dân cấp huyện, xã phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức phát động thi đua, giao chỉ tiêu đăng ký, chỉ tiêu đạt danh hiệu; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bình xét công khai, đúng tiêu chuẩn và công nhận hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi theo quy định.

Việc này nhằm kịp thời động viên, khích lệ tạo ra sức lan tỏa lớn từ nội bộ nông dân; vận động trên 75% số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ký cam kết sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, các cấp Hội sẽ duy trì các hoạt động tư vấn, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh; nhân rộng, phát triển các câu lạc bộ ngành nghề, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp có hiệu quả, để đoàn kết, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất...

Hội xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; tập trung các hoạt động cụ thể, thiết thực giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhất là trợ vốn, kỹ thuật.

Chuyện bầu cử ở Quảng Ninh: Khi tiếng nói của người nông dân ngày càng mạnh mẽ - Ảnh 4.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ gà giống cho hộ nghèo xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ.

Năm nay, ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh là người đại diện cho gần 100.000 cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh Quảng Ninh ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tin tưởng rằng, Quảng Ninh sẽ sớm có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.

"Từng bước chúng tôi đi là vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tiếp đến phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm. Và sau đó là hình thành các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản có sự liên kết, hợp tác với sự tham gia của 6 nhà: "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà ngân hàng - Nhà phân phối", ông Nguyễn Việt Dũng nói.

Chuyện bầu cử ở Quảng Ninh: Khi tiếng nói của người nông dân ngày càng mạnh mẽ - Ảnh 5.

Dưới sự vận động, hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhiều tổ hội sản xuất nghề nghiệp được thành lập, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ là cầu nối trong ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả như các mô hình vườn rừng, chăn nuôi các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có lợi thế và phù hợp với điều kiện của địa phương; phát triển kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác nghề nghiệp. Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề cho lao động ở khu vực nông thôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem