Chuyện bốc thăm cho con được học trường mầm non ở Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý

Quang Trung Thứ hai, ngày 29/08/2022 06:05 AM (GMT+7)
Sự việc UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) tổ chức bốc thăm cho phụ huynh muốn con em học tại trường mầm non Hoàng Liệt đang gây xôn xao dư luận. PV Dân Việt đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện học trường tư

Nhiều người đồng tình với cách làm trên và cho rằng không học trường công, có thể học trường tư, có sao đâu!?

Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối, bởi việc đi học của học sinh là bình đẳng, không thể phụ thuộc vào lá phiếu may rủi và đặc biệt là không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học tư thục.

Chuyện bốc thăm cho con được học trường mầm non ở Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý - Ảnh 1.

Hàng trăm phụ huynh có con 4 tuổi tham gia bốc thăm cho con vào Trường mầm non Hoàng Liệt sáng ngày 28/8. Ảnh: Gia Khiêm

Bình luận về vấn đề này với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay, từ Hiến pháp cho đến các văn bản chuyên ngành, đều quy định quyền và nghĩa vụ học tập của mọi công dân.

Đặc biệt công dân là trẻ em, việc học tập là quyền cơ bản và trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải thực hiện mọi biện pháp, khả năng có thể để đảm bảo tốt nhất quyền học tập của các em, trẻ em được đối xử bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, trong những năm qua xuất hiện hiện tượng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên ở một số địa phương, một số khu vực, một số thời điểm, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học.

Theo ông Cường, tình trạng phụ huynh phải bốc phiếu theo kiểu may rủi để tìm kiếm cơ hội con vào trường mầm non công lập hay phụ huynh phải đi xếp hàng từ 5h sáng, xô đổ cổng trường để nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con là chuyện rất đáng suy nghĩ về thực trạng giáo dục.

Nhiều người cho rằng hiện nay có cả trường công lập và trường tư thục, nếu không có cơ hội học trường công lập, có thể cho con học trường tư thục?

Đây là suy nghĩ của người có tiền và xem nhẹ quyền được học tập của trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về yếu tố công bằng, bình đẳng trong giáo dục.

Đành rằng, trong xã hội nếu học sinh không học trường này, có thể học trường khác, không học hệ này có thể học hệ khác...

Tuy nhiên, chỉ có những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới có khả năng và điều kiện cho con theo học các trường tư thục, trường quốc tế.

Với mức học phí bằng cả một tháng lương của người lao động, của cán bộ làm công ăn lương, việc cho con học trường mầm non, tiểu học ở các trường ngoài công lập quả là một gánh nặng đối với phụ huynh.

Nếu con không được học trường công lập mà phải nộp học phí cao để học trường ngoài công lập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, tâm lý và có thể là còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

"Chính vì vậy khát khao cho con vào trường công là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh mà các cấp chính quyền cần phải lưu tâm, tạo điều kiện để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu này" – ông Cường nhấn mạnh.

Quy hoạch về giáo dục phải có tính dự báo

Theo vị chuyên gia, khi pháp luật đã quy định mọi trẻ em đều được quyền đến trường, quyền học tập, được giáo dục, nhà nước mọi tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường thì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập là còn có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Chuyện bốc thăm cho con được học trường mầm non ở Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ảnh: NVCC

Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, sự phát triển giáo dục, quy hoạch giáo dục phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, mật độ dân cư và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.

Theo quy luật chung, đa số người trẻ tuổi mới lập nghiệp thường có điều kiện kinh tế khó khăn hơn những người trung niên, người lớn tuổi và chọn ở khu vực ngoại thành vì mức sống thấp hơn khu vực nội thành.

Bởi vậy những người trẻ mới lập nghiệp, có con nhỏ, người nhập cư ở các thành phố lớn thường sinh sống tập trung ở khu vực ngoại thành, các khu chung cư giá rẻ.

Khi đó, quy hoạch về đô thị thay đổi, nhà ở của người thu nhập thấp tăng lên, áp lực về mọi mặt đời sống xã hội từ giao thông, y tế, giáo dục là điều tất yếu...

Bởi vậy, quy hoạch về giáo dục sẽ phải có tính dự báo trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở phát triển nhà ở, đô thị hóa ở mỗi khu vực, mỗi địa phương.

Do đó, ở địa phương nào còn thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc thăm để tìm kiếm cơ hội cho con học tập, cần phải xem xét trách nhiệm về công tác quy hoạch, phát triển giáo dục ở địa phương.

 "Qua vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non ở hoàng mai cho thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau.

Cần có những thống kê chính xác về phát triển nhà ở, về mật độ dân cư, về dân số để phát triển giáo dục một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong giai đoạn hiện nay" – ông Cường nêu quan điểm.

Bạn đọc Tú Vân bình luận: Theo luật, cứ đến tuổi đi học là được học, nhưng thực tế là thủ tục nhập học thật...kinh hoàng. Không biết mỗi năm có bao nhiêu bé không thể đi học vì không đủ "giấy tờ" theo "quy định". Buồn thật.

"Quy mô dân số quá đông mà trường công xây không kịp. Ngày xưa thấy đông quá nên cũng cố gắng cho con học trường tư. Nhiều người cũng dè bĩu nhưng có lẽ nếu cố được thì cố. Người khác cũng có cơ hội hơn" – một bạn đọc nêu ý kiến.

Bạn đọc Nhật Tân bình luận: Chuyện trẻ đến tuổi đi học, được học là chuyện bình thường, là chuyện tất nhiên. Nhưng bây giờ lại là một chuyện nan giải, các cơ quan nhà nước liên quan có suy nghĩ và biện pháp gì để không còn thấy cảnh này. Thật sự đau lòng.

"Nhà chung cư thì nhiều, cư dân đông mà trường công lập gần như không được mở rộng thì làm sao có thể đáp ứng được. Đã đến lúc nhà nước khi phê duyệt dự án nhà chung cư, cần yêu cầu bắt buộc phải có trường học" – bạn đọc Phạm Hào nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem