Chuyện bức tường đổ

Thứ năm, ngày 27/03/2014 10:31 AM (GMT+7)
Một án kỷ luật đã được đưa ra đối với Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội do trách nhiệm của ông trong việc xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới mà UBND xã làm chủ đầu tư.
Bình luận 0
Ở Tây Tựu, tổng khối lượng nạo vét một cái kè là 2.593m3, nhưng trong thực tế, chỉ có 825m3 được nạo vét. Chân kè thiếu sỏi đá. Bê tông bớt độ dày, thiếu chiều ngang. Cọc tre 2,5m biến thành cọc tre 1,7m. Và thép phi 16 biến mất hoàn toàn.

Liệu có công trình nào mà một cái kè đã bị làm sai ngay từ việc múc đi xô bùn đầu tiên như vậy? Những người làm sai gọi là “tự thay đổi thiết kế”. Còn những người dân, giản dị và thực tế hơn nhiều, gọi đó là “ăn bớt”. Nếu có một hình ảnh mang tính chất biểu tượng thì đó là hình ảnh bức tường dài cả trăm mét, vào một ngày không gió không mưa, bất thần đổ sụp, tan tành.

3,8 tỷ đồng đã đổ xuống để nhận lại một bức tường đổ, rất nhiều ngao ngán, và sự mất mát trong niềm tin của người dân, những người trong vai thụ hưởng đáng lẽ sẽ vỗ tay trong những lễ khánh thành.

Nhưng không chỉ có một bức tường đổ ở Tây Tựu, và cũng không đơn giản chỉ là chuyện bức tường đổ. Nhìn sang Quảng Ninh, hôm qua, 4 chủ tịch xã bị khởi tố, 2 bị bắt giam về cùng một tội danh tham ô, với cùng một địa chỉ “xây dựng nông thôn mới”.

Hành vi của họ, là nhận tiền giải ngân trên để phát cho dân và ký hợp đồng với một số doanh nghiệp cung cấp con giống, vật nuôi cho các hộ dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân để được phát tiền phải “nộp lại” một phần cho các chủ tịch, trong khi nhiều hộ khác dù có tên trên sổ nhưng 3 năm qua chưa từng nhận bất cứ con giống, vật nuôi nào.

3 năm trước, khi chủ trương trao quyền và phân cấp mạnh cho xã làm chủ đầu tư những công trình thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới có dự toán dưới 5 tỷ, đã không phải không có ý kiến được đặt ra ở cả hai khía cạnh: Giao quyền quá lớn cho một bộ máy không được đào tạo một chữ về quản lý dự án; nguy cơ tham ô khi thiếu sự kiểm soát cần thiết; và quyền giám sát trong thực tế của người dân.

Trong câu chuyện Tây Tựu người dân đang “tham gia” giám sát bằng cách “hay ra xem” và “cách làm rất chán” khi “một cái cống cũng phải moi lên vì thiếu đế”.

Sự giám sát của người dân thực chất chỉ là hư quyền.

Và vì thế, với một “nông thôn mới” được xây dựng trên một cơ chế cũ về giám sát, đặc biệt là thiếu vắng sự tham gia của người dân, thì có lẽ bức tường đổ ở Tây Tựu rõ ràng chưa phải là bức tường cuối cùng.
Anh Đào (Anh Đào)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem