Xóm Đầu giờ đã đổi khác. Đường làng, ngõ xóm khang trang. Nhiều nhà cao tầng ngói đỏ dạng biệt thự mọc lên. Thế nhưng, ký ức về những tháng ngày kinh hoàng khi vật nuôi lần lượt lăn ra chết thì vẫn còn nguyên vẹn.
Bà Nguyễn Thị L. cứ nhất định yêu cầu giấu tên, mới cung cấp vài thông tin nhỏ giọt. Bà sợ rằng, lỡ mồm nói chuyện gì, lại “phạm”, thì rách việc.
Bà mở cửa ngôi miếu đầu làng, bảo chúng tôi thắp hương cho thành hoàng, rồi mới nên bước chân vào ngôi làng này. Bà bảo: “Giờ vật nuôi không chết chóc nữa, nhưng người dân vẫn sợ lắm, chăm chút vấn đề tâm linh kỹ lưỡng lắm”.
Xóm Đầu từng có 10 năm vắng bóng vật nuôi.
Hóa ra, người dân ở đây vẫn tin vào thế lực tâm linh khiến 10 năm trời người dân đói khổ, vì chẳng nuôi được con gì. Họ vẫn tin rằng, do phá miếu, do đặt miếu sai hướng, nên dân làng mang vạ, mặc dù các nhà khoa học đã giải thích rõ ràng, hiện tượng vật nuôi chết hàng loạt là do virus gây nên.
Để tìm hiểu câu chuyện kỳ lạ năm xưa, bà Nguyễn Thị L. chỉ tôi đến nhà phó thôn Lưu Văn Lần.
Phó thôn Lưu Văn Lần hồ hởi bảo: “Ngày xưa các anh vào làng tôi không dám tiếp đâu, trừ khi công an hoặc tỉnh giới thiệu xuống. Ngày đó, làng quê ầm ĩ lắm, chỉ sợ thế lực xấu về đây tuyên truyền, hoặc dựng chuyện về làng. Biết đâu, có đối tượng xấu rải chất độc, virus gây hoang mang dư luận thì sao. Nhưng giờ thì khác rồi, cả làng vui vẻ lại rồi”.
Phó thôn Lưu Văn Lần vẫn nhớ chi tiết số liệu vật nuôi ở xóm đầu chết chóc một cách kỳ bí: "Hồi ấy, xóm Đầu có 34 hộ, có 37 con trâu, bò thì cả 37 con đều lăn ra chết. Lợn, chó thì đếm không xuể, nhà có 1 con cũng chết, nhà có 10 con, 15 con, 40 con cũng chết sạch, chết không biết nguyên nhân".
Ngay cả nhà phó thôn Lưu Văn Lần cũng phải nuốt nước mắt đào hố chôn một con 1 trâu và mười mấy lợn, chó.
Câu chuyện kỳ lạ này bắt đầu từ năm 1997, trong đại gia đình nhà anh Bùi Văn Thanh...
Ngôi nhà anh Thanh chìm sau bụi tre rậm rì. Giờ chuồng nhà anh đã đầy lợn, gà chạy đầy sân. Nhắc lại ký ức, ánh mắt anh vẫn lộ vẻ sợ hãi.
Anh Bùi Văn Thanh bên chuồng lợn từng bỏ hoang vì lợn nuôi chết hàng loạt.
Đó là ngày 21.4.1997, khi vợ chồng đi gặt lúa về, vẫn băm bèo, nấu cám cho đôi lợn 80 kg ăn. Hai con lợn đều béo tốt, khỏe mạnh và sắp đến ngày xuất chuồng.
Tuy nhiên, nửa đêm, nghe thấy tiếng lợn kêu éc éc, rồi nó lao vào thành chuồng rầm rầm. Soi đèn pin thấy hai con lợn hiền lành mọi ngày bỗng đổi tính đổi nết lồng lộn như hoang thú, anh chị sợ dựng tóc gáy.
Sau khi hộc lên mấy tiếng, cả hai con đều lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Từ mép chúng rỉ ra vài giọt máu tươi.
Nghĩ có kẻ nào thù ghét gia đình đã đánh bả, nên ngay lập tức, vợ chồng gọi anh em đến xẻ thịt, vứt bỏ bộ lòng. Cả xóm Đầu hôm đó được chén thỏa thê các món ăn chế biến từ thịt lợn.
Nhưng rồi ngẫm lên, nghĩ xuống, thấy khắp làng trên xóm dưới chẳng có ai thù hằn, mâu thuẫn với vợ chồng anh, nên rồi người ta cũng quên cái sự kiện đó nhanh chóng. Anh Thanh tiếp tục bắt lợn về nuôi...
Lần này, anh Thanh tẩy chuồng sạch sẽ, đem vôi bột về rắc rồi mới dám thả đàn lợn mới.
Tuy nhiên, đàn lợn 10 con của anh vừa nuôi được đúng một tháng, đang lớn nhanh như thổi thì bỗng lại như điên như loạn, rồi lăn đùng ra chết y hệt như hai con lợn thịt trước.
Anh Thanh gọi bác sĩ thú y đến xem xét. Bác sĩ thú y khẳng định không phải chết do bỏ độc, chỉ có thể do chúng mắc một loại bệnh dịch nào đó.
Lần này, cẩn thận hơn nữa, anh Thanh châm lửa... đốt chuồng. Anh phá tường cũ, xây lại tường mới hoàn toàn, quét vôi trắng xóa, phun các loại thuốc phòng dịch khắp chuồng, khắp vườn. Nhưng rồi, những đàn lợn mới bắt về cũng chỉ được một tuần là lăn ra chết.
Suốt 10 năm trời, chuồng lợn, bò nhà dân xóm Đầu bỏ không.
Những cái chết của đàn lợn trong chuồng nhà anh cứ mỗi lần lại đến nhanh hơn. Thoạt đầu là một tháng thì chết, sau đó một tuần là chết, rồi vài ngày, một ngày, sáng bắt về thì đến trưa là chết. Đỉnh điểm của sự chết nhanh chóng với đàn lợn là đúng một tiếng sau khi đem về nhà anh nó đã lăn ra chết.
Chuyện tất thảy gia súc nhà anh Thanh chết sạch bách, và những kiểu chết rất đáng sợ khiến "đại gia đình" hoảng loạn, nghĩ gia đình anh bị... "ma ám", nên đã bỏ tiền mời một ông thầy cúng về giải hạn.
Sau khi khấn vái suốt buổi sáng ở bụi tre trước nhà, ông thầy cúng khẳng định đã đuổi được tà ma đi rồi và bảo anh Thanh bắt lợn về nuôi.
Chọn một con lợn to, khỏe, béo tròn của gia đình thôn cạnh, anh Thanh khiêng về để ông thầy cúng "làm phép" tạo "vòng kim cô" không cho "ma nhập" vào con lợn.
Thế nhưng, khi thầy cúng còn chưa làm hết phép thì con lợn 30 kg nhảy dựng lên, rồi lăn ra chết trước sự chứng kiến của đại gia đình.
Sự kiện này khiến cả làng khiếp vía rồi mọi người thi nhau thêu dệt.
Đỉnh điểm của những lời đồn đại đổ lên đầu đại gia đình anh Thanh là vào năm 1998, khi gia súc trong nhà 5 anh em của anh đều đồng loạt "lên cơn" và lăn ra chết bất đắc kỳ tử.
Thảm hại nhất là gia đình người anh trai Bùi Văn Hùng. Trận đầu tiên cả 7 con lợn thịt, mỗi con nặng 70 đến 80 kg và một con lợn nái nặng hơn tạ cùng "nổi loạn" nhảy múa trong chuồng rồi lần lượt chết hộc máu mũi, sùi bọt mép.
Sau khi dọn sạch chuồng trại, tẩy uế trong vườn, ngoài ngõ, anh Hùng tiếp tục bắt 11 con lợn giống về nuôi, nhưng rồi đúng 12 giờ đêm, cả 11 lợn con đều đồng loạt lăn ra cùng một lúc với cùng một kiểu chết.
Cứ lần lượt như vậy, từ năm 1998 đến 2001, tổng số lợn mà gia đình anh Hùng bị chết một cách bí ẩn là 30 con.
Đàn chó nhà anh Hùng cũng lần lượt nối đuôi đàn lợn về... chầu trời. Tổng số đàn chó, kể cả mua lẫn người khác cho là 7 con, đều lần lượt chết hết với một nguyên nhân giống hệt nhau: Đột nhiên nổi điên, sủa ầm ĩ, lao đầu vào tường, đâm xuống ao, có lúc nhảy dựng lên vọt qua cả đầu người rồi lăn đùng ra giãy chết. Xót của nhất vẫn là con bò mộng, béo vuông đít mà anh chị phải vay tiền khắp nơi mới mua được, rồi chăn dắt cả ngày để làm sức kéo.
Giờ đây, trâu, bò, lợn, chó đã xuất hiện đông đúc ở xóm Đầu.
Anh Hùng nhớ rõ, lúc đó khoảng 5 giờ sáng, sau khi đàn lợn 11 con chết sạch, chưa kịp gọi lái lợn đến mua thì con bò rống lên đúng ba tiếng kinh hồn, bốn chân nó bủn rủn rồi lăn uỵch ra đất chết thẳng cẳng.
Để tìm hiểu xem có phải do trúng độc không, mấy người xúm vào chọc tiết, rồi đem nửa chậu tiết cho đàn lợn trong xóm Đầu và nửa chậu cho đàn lợn xóm ngay cạnh ăn.
Một chuyện động trời xảy ra: Đàn lợn xóm Đầu sau khi ăn liền nổi điên rồi chết hết, còn đàn lợn của xóm cạnh vẫn sống nhởn nhơ. Tuy nhiên, dân làng quen với chuyện kỳ dị này rồi nên cũng không sợ, cứ xẻ thịt nấu nướng, đánh chén ê hề.
Nghĩ rằng gia đình bị “ma ám” nên chỉ giống vật nhà mình mới bị chết, anh Hùng liền mượn trâu nhà bố vợ ở làng khác về cày cho kịp thời vụ.
Tuy nhiên, con trâu mộng cày khỏe như vâm vừa được chị Lan, vợ anh Hùng dắt về đến nhà, khi anh Hùng còn chưa kịp lấy lưỡi cày trên gác chuồng trâu xuống, đã rống lên đúng 3 tiếng rồi lăn ra chết.
Trong thời gian ấy, ông Duyên cũng đi mượn trâu của họ hàng ở xóm khác về kéo cày. Con trâu kéo phăm phăm cả buổi không thấy mệt, nhưng khi buộc trong chuồng nhà ông, đang ăn cỏ thì cũng đột nhiên lăn ra chết đứ đừ.
Từ bấy, không ai trong làng dám mượn trâu, mượn bò về cày nữa, và cũng chẳng ai dại cho dân xóm Đầu mượn. Người dân phải chắt bóp sắm máy cày về dùng, hoặc vất vả cuốc xới bằng tay để trồng cấy.
(Theo VTC News)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.