Chuyện chưa kể về trùm giang hồ Lâm "chín ngón"

Chủ nhật, ngày 17/04/2011 13:53 PM (GMT+7)
Dân Việt - Thấy Mười đen phò Năm Cam, và không muốn mang tiếng nhờ vả núp bóng đàn em, Lâm tách ra toan trở lại nghề bảo kê cho một số quầy bar quanh khu vực Tân Sơn Nhất.
Bình luận 0

Tôi quen Lâm Chín ngón đã lâu, viết về nhân vật này đã khá nhiều, nhưng chưa bao giờ viết về những ngày cuối đời của Lâm, cũng như cái chết của anh ta. Nay, trước hương hồn người đã mất, xin viết lại chuyện chưa bao giờ viết này. Và, để bạn đọc nắm được toàn bộ nội dung, xin lược qua những gì tôi biết về tay giang hồ cộm cán nổi tiếng từ thập niên 1960 này.

img
Lâm Chín Ngón những ngày còn phong độ

Tôi biết Lâm Chín ngón khi ở tù tại khu C, trại 7, Côn Đảo - thường gọi chuồng cọp.

Thời gian ở tù ngoài Côn Đảo (tôi bị án tù chung thân năm 1972, ra đảo đầu năm 1973), tuy tôi là tù chính trị nhưng lại bị nhốt chung một khu với tù hình sự.

Khu C toàn nhốt số tù hình sự nổi tiếng, chỉ có 4 tù nhân chính trị (tôi và Lê Văn Châu, cùng vụ án với tôi; sau thêm ông Trịnh Văn Cẩn, là Bí thư tù chính trị Côn Đảo bị địch phát hiện; anh Võ Văn Giáo, thoạt đầu làm y tá giữ nhiệm vụ liên lạc giữa các tù chính trị, vào chuồng cọp do bị lộ).

Do điều kiện sinh sống tại chuồng cọp, tôi chơi khá thân với tất cả những anh em giang hồ thứ dữ bị nhốt chung trong khu.

Tôi quen biết Lâm Chín ngón

Riêng Lâm ra đảo đâu khoảng đầu tháng 4.1975, được đưa ngay vào khu C. Mỗi phòng khu C thường chỉ nhốt một hoặc hai người. Thời gian này tôi mới ở bệnh xá về, ở chung phòng với anh Giáo, nên chỉ loáng thoáng biết có Lâm, tiếp đó là giải phóng 30.4, nên hầu như mới biết, chớ chưa quen Lâm.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi khi đó đang bị liệt chân phải nên được lên chuyến tàu đầu tiên về đất liền. Mãi về sau nghe anh em kể lại số dân chơi trong chuồng cọp khu C bắt Sang lai là tên cầm đầu bọn trật tự trong khu hoặc phải quỳ gối uống hết một chén nước tiểu trộn phân hoặc "xử" hắn.

Tiếp đó nhiều tù thường phạm bị nhốt trong khu C lợi dụng những ngày đầu giải phóng, công tác canh gác tù nhân còn sơ hở, trốn ra khỏi trại, phá kho tang vật, lấy cắp nhiều món đồ có giá trị trong kho như đồng hồ, nữ trang, tiền mặt… và bị trừng trị hết sức nghiêm khắc.

Lâm Chín ngón không nằm trong số này, nhưng do án quá nặng (hai án chung thân về tội giết Vũ Đình Cương, em Sơn đảo; và Hoàng đầu lâu - đều nổi tiếng giang hồ trước 1975, bị Lâm đâm chết khi ở tù Chí Hòa) nên không được tha về hoặc lưu lại Côn đảo như tất cả các tù thường phạm khác (số này sau cũng được thả về hết), mà tiếp tục chuyển về trại giam tại đất liền, mãi đến năm 1988 mới được tha.

Tha về chưa được bao lâu Lâm Chín ngón đã hỏi thăm, tìm tới tôi, kể cho tôi nghe suốt hơn mười năm qua anh ta đã sống ra sao.

Ông tướng thứ 13

Trong câu chuyện kể, tôi nhớ nhất chi tiết Lâm Chín ngón bị đưa vô trại học tập cải tạo ở tận miền Bắc chung với số sĩ quan và cán bộ cao cấp của chế độ cũ. Lần lượt họ được tha về gần hết, rốt lại chỉ còn 13 ông tướng bị nhốt trong trại, đó là 12 người đeo quân hàm tướng thật sự (tướng ngụy) và ông tướng thứ 13 là tướng cướp, tức Lâm Chín ngón!

Nhắc lại thời gian ở chuồng cọp Côn Đảo, Lâm bùi ngùi kể số phận không may của những "dân chơi" cũ.

Biết tôi quen Đại Cathay hồi ở tù năm 1966 tại khu ED, Chí Hòa; hỏi tuổi, Lâm thua tôi một tuổi nên gọi tôi là anh, xưng em - và kể từ đó, Lâm luôn giới thiệu với mọi người (từ dân chơi đến gia đình, người quen) tôi là "anh kết nghĩa" của Lâm.

Thế là tôi tự nhiên trở thành "đại ca" của Lâm Chín ngón. Nói ngay, chưa khi nào Lâm "qua mặt" tôi. Kể cả đối với bà xã tôi, Lâm cũng luôn cung kính chị, em trước sau như một.

Nghe Lâm kể quãng thời gian ngồi tù, tôi chỉ biết an ủi Lâm, khuyên anh ta từ nay nên cố sống đàng hoàng.

Rồi Lâm Chín ngón buôn bán thuốc tây ở khu đường 3 tháng 2, quận 10; cuộc sống chỉ tạm đủ vá víu qua ngày.

Sau Lâm hùn với một tay đàn em cũ là Mười đen, ra chợ Huỳnh Thúc Kháng buôn bán hàng điện tử (nghe đâu do Năm Cam giúp đỡ). Thấy Mười đen phò Năm Cam, và không muốn mang tiếng nhờ vả núp bóng đàn em, Lâm tách ra toan trở lại nghề bảo kê cho một số quầy bar quanh khu vực Tân Sơn Nhất. Có lẽ đây là quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng lại có nhiều kỷ niệm nhất đối với Lâm Chín ngón.

Nào mấy ai ngờ một "ông tướng" nay lại phải làm mặt rô kiếm sống qua ngày. Nhưng thôi, cuộc đời ai chẳng có lúc lên voi đó, xuống chó đó.

Và Lâm kể cho tôi nghe một kỷ niệm "nhớ đời" của anh ta trong quãng thời gian ngắn ngủi này…

Một đổi bốn!

Một tối nọ, có bốn thanh niên lực lưỡng, mặt mày bậm trợn, chỉ cần liếc qua tướng tá, quần áo, cử chỉ cũng biết ngay là dân giang hồ không phải loại tầm thường, vô quán đòi ngồi ở phòng riêng, kêu bốn em gái bia ôm hầu bàn.

Ăn uống đã đời từ hơn bảy giờ tới gần 11 giờ đêm, uống hết hơn một thùng bia bọn họ mới gọi tính tiền. Nhưng khi giấy tính tiền đưa tới bàn, họ thậm chí không thèm liếc nhìn qua tờ giấy, mà một vị khách thọc tay vô bụng rút luôn ra… khẩu súng ngắn, dằn mạnh lên mặt bàn, buông thõng một câu xanh dờn:

- Không có tiền, trả bằng thứ này được không?

Cả bốn em gái hoảng hồn la oai oái, tranh nhau chạy ra khỏi phòng. Chủ quán nghe mấy em cấp báo, lính quýnh vừa run vừa kêu Lâm Chín ngón đến giải quyết.

Lâm bước vô phòng, việc đầu tiên là nhào đến chụp ngay khẩu súng, tất nhiên khôn ngoan cầm phía bá súng. Gã thanh niên hớt tóc ngắn to con nhất trong bọn, có vẻ là tay cầm đầu, cũng nhanh như chớp vung tay chộp súng, kéo lại, miệng quát:

- Ê, mày làm gì vậy?

Lâm bình tĩnh:

- Các anh nói trả thứ này thay cho tiền nên tôi lấy!

Nghe đối thủ trả lời cứng cựa, gã không thèm đáp mà ra sức giành lại vũ khí. Hai bên cùng nín thở thi triển công lực, gồng hết cơ bắp, thử sức một phen cho rõ tài cao thấp. Kéo qua kéo lại, một lát sau Lâm Chín ngón dần dần thắng thế thấy rõ, có thể một phần do anh ta nắm ngay bá súng nên chiếm lợi thế nhờ có điểm tựa chắc chắn hơn. Dù sao, với dân chơi thứ thiệt, hễ thua thì nhận thua. Gã tóc ngắn đành buông súng ra, kêu:

- Khá lắm, khá lắm. Mày làm gì ở đây mà dám can thiệp vào chuyện của bọn tao?

- Đây là quán của người quen tôi, nhờ tôi coi giúp. Nuôi quân ba năm nhờ đến một giờ. Đây là nồi cơm của tôi nên tôi phải giữ. Nếu tôi tới quán mấy anh quậy, chắc chắn mấy anh cũng phải làm như tôi thôi.

Vừa nói Lâm vừa đưa lại khẩu súng cho đối thủ, thêm:

- "Chó lửa" của các anh đây. Thử sức cho vui vậy thôi, chớ tôi biết các anh nói giỡn, vì đây là đồ làm ăn, vật bất ly thân của các anh đời nào các anh trả cho quán; vả lại nếu tính trị giá, nó hơn hẳn tiền ăn nhậu từ tối đến giờ.

Tên tóc ngắn dịu giọng:

- Nói nghe có lý lắm. Nếu vậy cũng là anh em trong nhà cả, không lẽ chơi quỵt nhau. Được rồi. Không nhận súng thì lấy thứ này vậy!

Nhanh hơn cả làm trò ảo thuật, hắn rút trong túi ra một trái lựu đạn đặt cái "cộp" lên mặt bàn.

Nhiều tiếng la oai oái nổi lên phía ngoài cửa phòng và tiếng chân chạy rầm rập. Thì ra nãy giờ chủ quán và mấy "em gái" thập thò ngoài cửa theo dõi diễn biến tình hình, nay hoảng quá tranh nhau co giò mạnh ai nấy chuồn cho lẹ.

Lâm vội quay người một vòng, đưa chân đá cánh cửa. "Sầm" một tiếng, cánh cửa khóa tự động đã đóng lại. Lâm Chín ngón cố giữ giọng thản nhiên:

-Lỡ chơi thì chơi luôn! Một đổi bốn còn lời chán! Vả lại đời tôi sống cũng đủ lắm rồi. Cứ cho nổ!

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Tại sao Lâm mất một ngón tay? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem