Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả ở TP.HCM: Củ Chi đổi lúa sang trồng bắp lai, nông dân thu lợi gấp đôi

An Hải Chủ nhật, ngày 19/11/2023 08:40 AM (GMT+7)
Mô hình chuyển đổi trồng lúa sang cây bắp lai trên địa bàn các xã Thái Mỹ, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM) đạt lợi nhuận bình quân khoảng 45 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng hơn gấp 2 lần so với đất trồng lúa.
Bình luận 0

Trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM) hiện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 30.395ha. Trong đó, đất trồng lúa là 6.718 ha; đất trồng cây hàng năm khác là 7.486ha; đất trồng cây lâu năm là 15.102ha; đất rừng phòng hộ là 180ha; đất rừng sản xuất 197ha; đất nuôi trồng thủy sản là 322ha; đất nông nghiệp khác là 388ha.

Năm 2022, UBND huyện Củ Chi đã tập trung chỉ đạo các xã và các ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ đất lúa có năng suất thấp sang cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Huyện Củ Chi chuyển đổi trồng lúa sang cây bắp lai, cho lợi nhuận gấp đôi - Ảnh 1.

Huyện Củ Chi chuyển đổi trồng lúa sang cây bắp lai, nông dân thu lợi gấp đôi. Ảnh: D.Q

Trong đó, điển hình như hoạt động phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam và Công ty TNHH hạt giống C.P Thái Lan ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm bắp lai cho các hộ nông dân, tập trung tại các xã Thái Mỹ, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ; với diện tích 265ha. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu nhập bình quân khoảng 45 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng hơn gấp 2 lần so với đất trồng lúa. 

Bên cạnh đó, huyện Củ Chi còn khuyến khích người dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây lâu năm như: bưởi, mít, xoài…

Ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết huyện đang định hướng phát triển chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị; đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung của thành phố.

Được biết, Kế hoạch triển khai giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 của huyện Củ Chi thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy định. Trong đó, gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với bố trí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực (rau, hoa, cây kiểng, heo, bò sữa, cá cảnh). Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn dịch bệnh và kết hợp vành đai sinh thái.

Đồng thời, xác định vùng đệm giữa các khu đô thị, địa giới hành chính của huyện với địa phương lân cận; nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng để có chiến lược, kế hoạch sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Quy định về mật độ chăn nuôi, khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.

Xây dựng vùng sản xuất giống phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và tiếp cận thử nghiệm giống, trình diễn công nghệ canh tác tiên tiến, sử dụng có hiệu quả đất đai và nguồn lao động.

Huyện Củ Chi chuyển đổi trồng lúa sang cây bắp lai, cho lợi nhuận gấp đôi - Ảnh 3.

Cây ăn trái cũng là hướng đi giúp tăng giá trị nông nghiệp tại huyện Củ Chi. Ảnh: Quang Sung

Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, ông Lê Đình Đức, nhận định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và thân thiện với môi trường.

Để việc chuyển đổi trong nông nghiệp được thực hiện hiệu quả, trong năm 2022, huyện Củ Chi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền. Đã tổ chức 5 buổi tập huấn kỹ thuật trồng rau theo mô hình VietGAP và tập huấn giới thiệu về công nghệ cao và chuyển đổi số trong trồng trọt.

Huyện còn phối hợp với Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức Hội thảo "Phát triển sản xuất và cung ứng hoa, cây kiểng theo định hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM" có hàng trăm nông dân tham gia. Hội thảo nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Củ Chi còn phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam tổ chức Hội thảo "Mô hình sản xuất lúa màu áp dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ". Qua đó, tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là sản phẩm hữu cơ sinh học giúp bảo vệ sức khỏe có người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2022, UBND huyện Củ Chi phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố tổ chức tập huấn Chương trình OCOP năm 2022, và triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 của UBND TP.HCM cho cán bộ, công chức UBND các xã, thị trấn, đại diện các đơn vị đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem