Chuyện đời như phim của nữ thanh niên xung phong là vợ liệt sỹ "Tàu không số"

Hoàng Thành - Nam Phương Thứ bảy, ngày 23/10/2021 14:46 PM (GMT+7)
Trong tiếng nấc và những giọt nước mắt, bà Nguyễn Thị Loan đọc bài thơ do bà và một người bạn sáng tác để tặng chính chồng mình - liệt sỹ Lý Khánh Hồng có đoạn: "Tàu không số / Không phải vì không có số / Giấu số đi che mắt kẻ thù / Ra đi khi sóng ngầm bão tố / Ra đi khi sóng gió mịt mù...
Bình luận 0

Trong 14 năm vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam, đoàn tàu không số đã trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ.

Nhiều chuyến tàu đã không đến được đích, nhiều chiến sĩ đã hy sinh nằm lại nơi biển sâu để đảm bảo bí mật của con đường huyền thoại.

Và có lẽ, sự hy sinh của Tàu 165 tại biển Vàm Lũng (Cà Mau) là đau đớn, thương tâm và nặng nề nhất.

Đó là sự hy sinh tập thể của 18 cán bộ, thủy thủ. Họ đã cùng nhau tan vào biển cùng 60 tấn vũ khí đạn dược khi được lệnh bấm nút tự hủy con tàu. Họ hy sinh cảm tử để đảm bảo bí mật con đường vận chuyển, không để người và hàng hóa lọt vào tay quân thù.

Bà Nguyễn Thị Loan đọc bài thơ do bà và một người bạn sáng tác để tặng chính chồng mình - liệt sỹ Lý Khánh Hồng. Clip: Nam Phương.

Chuyện tình đẹp như thước phim thời chiến

Trong tiếng nấc và những giọt nước mắt, bà Nguyễn Thị Loan đọc bài thơ do bà và một người bạn sáng tác để tặng chính chồng mình - liệt sỹ Lý Khánh Hồng có đoạn: "Tàu không số / Không phải vì không có số / Giấu số đi che mắt kẻ thù / Ra đi khi sóng ngầm bão tố / Ra đi khi sóng gió mịt mù... Tàu không số / Những chiến binh cảm tử / Truy điệu mình trước lúc ra khơi / Cả con tàu như trái tim rực lửa / Vì miền Nam hiến cả cuộc đời...".

Kết thúc bài thơ, bà Loan kể: Năm 1954, Lý Khánh Hồng tập kết ra Bắc, còn bà là thanh niên xung phong, cả hai đều đóng quân ở Hòa Bình.

Ngày hai người gặp nhau, bà Loan vẫn còn nhớ như in rằng: Hôm đó bà ra suối tắm, giặt, gội đầu.

Cô thanh niên xung phong phố Hàng Thùng (Hà Nội), với làn da trắng ngần, dùng cà men múc nước suối dội lên mái tóc dài đen nhánh đã làm bao chàng lính phải trầm trồ.

Trong khi múc nước, cô vô tình làm rơi chiếc cà men. Đang loay hoay không biết làm thế nào thì từ bên kia suối, một anh bộ đội nhảy xuống, lấy lên giúp.

Chuyện nữ thanh niên xung phong là vợ liệt sỹ "Tàu không số" - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Loan cùng chồng - Liệt sỹ Lý Khánh Hồng. Ảnh Nam Phương chụp lại tư liệu gia đình bà Loan.

Nghe giọng, cô mới biết anh bộ đội là người miền Nam. Kể từ đó, hai người quen, hò hẹn rồi thương nhau tự khi nào không hay. Khi cô thanh niên xung phong đưa anh về giới thiệu với bố mẹ, các cụ không đồng ý vì không rõ bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc có vợ hay chưa?

Nhưng tình yêu đã giúp hai người vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau. Một đám cưới diễn ra sau đó ngay tại đơn vị, tuy giản dị nhưng cũng thật là vui, hạnh phúc.

Những chuyến đi tuyệt mật và sự hy sinh quả cảm

Ngưng một lúc, giọng bà Loan trầm xuống, kể tiếp: Sau đó ít lâu, chồng bà được điều động về đoàn 759, tiền thân của Đoàn 125 đoàn "tàu không số" sau này.

Đây là đơn vị đặc biệt bí mật, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men chi viện cho mặt trận Nam bộ. Mỗi lần ra khơi các chiến sỹ sẽ được xe chở từ căn cứ bí mật ở Hà Nội như: 83 Lý Nam Đế, 103 Quán Thánh, 19 Bà Triệu, 18 Nguyễn Thượng Hiền... về Đồ Sơn (Hải Phòng) nhận tàu, xếp hàng. Công việc cụ thể của Lý Khánh Hồng khi đó là gì bà cũng không rõ, chỉ biết rằng trước lúc lên đường, chồng bà thường thắp hương để tự truy điệu mình.

Chuyện nữ thanh niên xung phong là vợ liệt sỹ "Tàu không số" - Ảnh 3.

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu.

Công việc khiến chồng bà Loan cứ phải xa nhà biền biệt, năm bữa nửa tháng mới về nhà thăm vợ con, thậm chí có lần hơn 1 năm mới về. Mỗi lần về, bà lại thấy chồng người gầy đen, nhưng vẫn luôn dành thời gian, tình cảm để chăm chút cho vợ con.

Một lần tự nhiên anh bảo vợ: "Mình lấy nhau đã lâu mà chưa có cái ảnh chung. Hôm nay mình đi chụp ảnh nhé!". Vậy là hai vợ chồng đi bộ từ nhà bố vợ ở Hàng Thùng xuống hiệu ảnh Quốc Tế để chụp ảnh.

Xui xẻo hôm đó mất điện, hai vợ chồng đành đi dạo một vòng quanh Bờ Hồ rồi về. Trước khi đi về đơn vị, anh bần thần nói với vợ: "Đợt này anh đi công tác lâu, anh không được viết thư về, em cũng đừng lo gì nhé!" - bà Loan nhớ lại lần cuối cùng chồng dặn.

Đến năm 1969, sau một năm vợ chồng chia tay nhau, đơn vị đến báo tin chồng bà đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam.

Chuyện nữ thanh niên xung phong là vợ liệt sỹ "Tàu không số" - Ảnh 4.

Hai người con của bà Nguyễn Thị Loan và liệt sỹ Lý Khánh Hồng. Ảnh Nam Phương chụp lại tư liệu gia đình bà Loan.

Nhận tin, bà khóc ngất bên hai đứa con. Tụi nhỏ thấy mẹ khóc, sợ quá cũng khóc theo. Cũng may được bố mẹ và họ hàng bên ngoại cùng cơ quan, hàng xóm giúp đỡ, nỗi đau của gia đình nguôi dần. Bà cắn răng ở vậy nuôi dạy các con nên người, không đi "bước nữa".

Thời chiến tranh bao cấp, cuộc sống của những người dân thành thị vô cùng vất vả, thiếu thốn. Cuộc sống của người vợ liệt sỹ một nách nuôi hai đứa con thơ như bà Loan còn vất vả bội phần.

Từ một nữ thanh niên xung phong bà xin chuyển về Xí nghiệp Kiến trúc xây dựng khu Nam Hà Nội. Lương thấp cùng với chế độ vợ liệt sỹ ít ỏi không đủ nuôi con, bà phải đi làm thêm, lúc thì bán thuốc lá cuộn, lúc thì bán đồ ăn cho công nhân trong đêm.

Cái kết có hậu...

Sau giải phóng miền Nam, năm 1976, bà Loan xin cơ quan cho nghỉ phép, vay mượn ít tiền rồi dắt hai đứa con lên tàu Thống Nhất vào Sài Gòn rồi về Cần Thơ tìm gia đình chồng.

Ba mẹ con đi xe về Ô Môn hỏi thăm, tìm gia đình chồng nhưng mọi người đều không biết. Thất vọng, bà dẫn hai con ra khu chợ Ô Môn tìm nhà ở nhờ để hôm sau đi tìm tiếp.

Chuyện nữ thanh niên xung phong là vợ liệt sỹ "Tàu không số" - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Loan vợ liệt sỹ Lý Khánh Hồng trò chuyện với cựu chiến binh tàu không số Tống Hồng Quân. Ảnh Nam Phương.

Trong lúc ba mẹ con lang thang tìm kiếm, bà thấy một người phụ nữ đang giặt ở bến sông sát chợ. Bà hỏi và xin vào nghỉ nhờ một đêm. Vào nhà, bà ngước nhìn xung quanh rồi đập vào mắt là bức tường treo mấy tấm ảnh. Nhìn ảnh, đất dưới chân bà như sụp xuống. Bà hỏi: "Có phải đây là gia đình anh Lý Khánh Hồng - bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc không?"

Người phụ nữ Nam bộ nhìn bà, nhìn hai đứa nhỏ, rồi hỏi lại: "Chị biết anh hai tôi ư?"

Bà mừng rỡ kêu lên: "Tôi là vợ anh Hồng, mẹ con tôi về tìm quê chồng đây"!

Người phụ nữ Cần Thơ rối rít gọi cha, gọi mẹ. Mọi người ôm nhau khóc vì xúc động. Bà con hàng xóm thấy vậy cũng chạy sang, cùng khóc, cùng cười, cùng sung sướng vì gia đình đã gặp được nhau.

Sau hồi chuyện trò, hỏi han, bố chồng bà bảo, ông cũng đã biết con trai lấy vợ Hà Nội, có hai cháu, rồi biết tin con trai hy sinh do tổ chức thông báo. Dù con đã mất nhưng ông bà rất vui khi có con dâu và hai đứa cháu khỏe mạnh, khôi ngô, xinh xắn.

Ông còn nói, khi nào thu xếp được sẽ ra Hà Nội thăm con cháu, chào sui gia. Tuy mong muốn là vậy nhưng đến đầu những năm 90, bố mẹ chồng bà lần lượt qua đời vì bệnh tật và tuổi già.

Đến nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ban liên lạc Hội Tàu không số, mẹ con bà được hưởng chế độ gia đình liệt sỹ. Hai người con cũng đã có cuộc sống riêng, ổn định. Thi thoảng bà lại đón những người đồng đội của chồng đến thăm. Nhiều người nhận xét rằng gia đình bà là một gia đình liệt sỹ hiếm hoi có cái kết rất có hậu. Mỗi lúc như vậy, bà lại cười hạnh phúc, hướng mắt lên di ảnh chồng.

Liệt sĩ Lý Khánh Hồng là báo vụ của Tàu 165, một trong số 4 tàu được chỉ huy Đoàn 125 lựa chọn tiếp tế vũ khí cho quân và dân miền Nam trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968.

Cùng với 17 đồng đội của mình, đêm 25/2/1968, chàng trai Lý Khánh Hồng lên tàu, xuất phát tại một địa điểm bí mật tại Hải Phòng và thẳng hướng bến Vàm Lũng (Cà Mau). Đây là một trong những chuyến đi đặc biệt quan trọng của kế hoạch tuyệt mật, cán bộ, thuỷ thủ trên tàu đều quyết tâm cao với phương châm thận trọng và táo bạo.

Chập tối ngày 29/2/1968, Sở Chỉ huy Đoàn 125 nhận được bức điện thứ nhất của Tàu 165 với nội dung "Chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi qua tàu - Lương" (chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương).

Và Bức điện thứ hai đề lúc 1 giờ ngày 1/3/1968 ghi rõ nội dung: "Chúng tôi gặp tám tàu địch bao vây. Quyết cảm tử!". Đó cũng là bức điện cuối cùng của Tàu 165 gửi về Sở Chỉ huy.

Theo lời kể của những người đồng đội còn sống, chính báo vụ Lý Khánh Hồng là người đánh bức điện cuối cùng đó. Và hai mươi phút sau, từ giữa biển, một cột lửa hình nấm vọt lên cùng với tiếng nổ lớn. Trong phút chốc, tàu 165 chìm vào biển cả, mang theo trong mình 18 cán bộ, thuỷ thủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem