Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đường Hồ Chí Minh trên biển - nét độc đáo của chiến tranh nhân dân
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích
Thành An
Thứ bảy, ngày 23/10/2021 06:06 AM (GMT+7)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, đã có những kỳ tích như là biểu tượng của sức mạnh phi thường và khí phách anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Con đường chi viện chiến lược trên biển mang tên Hồ Chí Minh là một trong những kỳ tích đó.
Trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo – nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam nhấn mạnh: "Có thể nói, tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm cho các chiến trường mà còn là nét độc đáo, sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh".
Việc mở "Đường Hồ Chí Minh trên biển" là vô cùng cần thiết
Cách đây gần 60 năm (23/10/1961-23/10/2021), trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam và nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng lớn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (ngày 24/1/1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân). Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông với tên gọi "Đường Hồ Chí Minh trên biển".
Trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo – nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam nhấn mạnh: "Việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển là hết sức cần thiết". Tuy nhiên, có những người còn cho rằng, việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển là một sự hy sinh mạo hiểm, tốn kém và không cần thiết.
"Nhưng đặt chúng ta vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX mới thấy rằng điều này hết sức quan trọng", Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nói và phân tích: Lật ngược lại lịch sử cho thấy, sau Nghị quyết Trung ương 15 của Ban Chấp hành Trung ương khoá II (tháng 1/1959), phong trào "đồng khởi" mở đầu ở Bến Tre, sau đó đến Tua Hai (Tây Ninh) rồi lan rộng ra thành phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam.
Thành quả của phong trào Đồng khởi không những đẩy Mỹ - Ngụy vào thế bị động đối phó với phong trào cách mạng mà về phía lực lượng cách mạng còn đưa phong trào cách mạng của ta từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công. Trong thế tiến công ấy, ta sử dụng đồng thời và kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.
Tuy nhiên, đấu tranh vũ trang phải có vũ khí, nhưng vũ khí chúng ta lấy từ phía địch không đủ để cung cấp cho lực lượng vũ trang phát triển một cách nhanh chóng. Chính vì thế, nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường là hết sức cần thiết.
Cũng trong thời điểm này, đường vận chuyển vũ khí ở trên rừng bắt đầu hoạt động nhưng Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn mặc dù số lượng vận tải ngày càng lớn và phát triển rất mạnh, song phải trải qua một khâu trung gian mới xuống được các địa phương và địa bàn ở miền Tây Nam Bộ hiện nay và khu vực Nam Trung Bộ…
Đây chính là một trong những lý do mà chúng ta thấy rằng cần phải có một cách nào đó để vận chuyển tăng cường vũ khí, tăng cường đội ngũ cán bộ cho cánh phía Đông để tạo ra sự cân bằng về cung cấp của hậu phương đối với tiền tuyến trong cả hai cánh…
"Việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển là hết sức cần thiết. Chúng ta có thể làm được bởi đã có kinh nghiệm thực tế, có sự khảo sát, chuẩn bị kỹ lưỡng và rất nhiều khả năng dẫn tới thành công. Do đó, quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Đoàn 759 và tổ chức tuyến vận tải chiến lược sau này trở thành tuyến vận tải chiến lược là Đường Hồ Chí Minh trên biển", Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nói.
Nét độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh
Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam cho hay, ngay sau khi ra đời, Đoàn 759 đã xác định phương châm vận chuyển: Kết hợp hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp; lấy hoạt động hợp pháp làm phương thức chủ yếu.
Trong quá trình vận chuyển, đơn vị phải chủ động, táo bạo, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng đến bến; đồng thời phải có các phương án linh hoạt để đối phó khi bị phát hiện. Trong trường hợp bị địch phát hiện, phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng; nếu cần thì nổ tàu để giữ bí mật...
Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn.
"Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển có ý nghĩa hết sức to lớn, không phải vì vận chuyển được rất nhiều vũ khí mà đã cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã đưa hàng hóa vào phía Nam, nhất là phía Đông - mang đến liều thuốc vật chất, tinh thần hết sức cần thiết cho phía Đông Nam Bộ.
Dù số lượng vận chuyển không nhiều nhưng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển lại có hiệu quả về mặt kinh tế và thời gian, nhất là việc đưa hàng vào đúng những lúc hết sức cần thiết góp phần quan trọng đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ (1961-1965) và chế độ Ngô Đình Diệm lúc đó tạo nên yếu tố đột phá của lực lượng vũ trang. Những chiến thắng ở Ấp Bắc, Bình Dã, Bàu Bàng… đều có sự góp sức vận tải của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển", Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo cho hay.
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến - nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược trên chiến trường Nam Bộ là cánh Đông và cánh Tây.
"Mỗi tuyến vận tải chiến lược có vị trí, vai trò khá độc lập, nhưng đặt trong tổng thể đã tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch chủ đạo và hoàn chỉnh để chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng quân thù. Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vì độc lập, tự do của Tổ quốc", Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo nhấn mạnh.
Nhấn mạnh thêm về ý nghĩa của Đường Hồ Chí Minh trên biển, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, sau này, một trong ý nghĩa rút ra là: "Đường Hồ Chí Minh trên biển là kết quả của tư duy năng động, sáng tạo, anh hùng, kiên quyết của lực lượng vũ trang và lực lượng hải quân cũng như lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp vận tải trên biển. Nhưng đồng thời cũng là kết quả của hoạt động tác chiến và ủng hộ rất lớn của nhân dân. Tự nó đã để lại những bài học hết sức sâu sắc đối với việc phát huy và đấu tranh nhân dân trong thời kỳ mới".
"Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, nhưng đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, với một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển, đó là dám đánh, biết đánh và biết thắng Mỹ.
Có được điều đó là nhờ Đảng ta đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật giành thắng lợi từng bước trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược trên biển.
Các lực lượng trong quá trình làm nhiệm vụ, đặc biệt là Quân chủng Hải quân đã nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, huấn luyện chu đáo, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để công tác vận tải đạt kết quả cao nhất.
Các cấp lãnh đạo, chỉ huy quân chủng đã tham mưu đúng, trúng, chỉ huy thống nhất, quyết đoán, linh hoạt, liên tục và bí mật; triệt để tận dụng thời cơ, đa dạng hóa phương pháp vận tải để chuyển hóa thế trận, làm chủ các tình huống", Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo kết lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.