Trung tá Lê Duy Mai: Sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại

Phạm Hiệp Thứ bảy, ngày 23/10/2021 08:00 AM (GMT+7)
Nhắc về thời điểm cách đây 60 năm khi đường Hồ Chí Minh trên biển được mở, trung tá Lê Duy Mai – nguyên thợ máy tàu 235 nhớ như in từng khoảnh khắc. Theo vị trung tá, sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên con đường huyền thoại trên biển.
Bình luận 0

Nhân chứng lịch sử

Nói đường Hồ Chí Minh trên biển là huyền thoại thì tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy là một phần trong huyền thoại lịch sử đó. 

Các cán bộ, chiến sỹ trên tàu đã anh dũng chiến đấu, chiếc tàu 235 đã "hóa thân" vào đại dương nhưng sự "hóa thân" đó đã làm nên lịch sử.

Con tàu được quân ta chủ động kích nổ phá hủy, giữ bí mật tuyệt đối cho con đường huyền thoại và trung tá Lê Duy Mai (Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) – nguyên thợ máy tàu 235 là một trong những người góp sức mình vào những huyền thoại đó.

Trung tá Lê Duy Mai: Sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại - Ảnh 1.

Trung tá Lê Duy Mai (bên trái) cùng đồng đội ôn lại những ký ức năm xưa. Ảnh: Dương Hiệp

Trung tá Lê Duy Mai sinh ra và lớn lên tại xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Năm nay vị trung tá 78 tuổi, ông khỏe và mẫn tiệp. 

Mặc dù đã 60 năm trôi qua, nhưng ký ức trong ông về những ngày tháng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ, chiến đấu ở con đường Hồ Chí Minh trên biển lịch sử vẫn vẹn nguyên. 

Chia sẻ với Dân Việt, ông rưng rưng khi nhắc đến đồng đội. Tàu 235 có 20 đồng chí, đã có 14 đồng chí hy sinh anh dũng vào năm 1968, còn 6 người may mắn sống sót thì sau này 1 người cũng mới từ trần. Hàng năm cứ đến thời điểm này, ông không khỏi có những cảm xúc bồi hồi, ngậm ngùi khi nghĩ đến "anh em".

Trung tá Lê Duy Mai: Sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại - Ảnh 2.

Thuyền trưởng tàu 235 - Trung úy Nguyễn Phan Vinh. Ảnh do đồng chí Tống Hồng Quân, cựu chiến binh Lữ đoàn 125 cung cấp/Hoàng Ngọc/BTH.

Nói về con đường huyền thoại trên biển, vị trung tá nguyên là thợ máy tàu 235 cho biết, ông nhập ngũ và được biên chế vào đoàn tàu không số khi còn rất trẻ, mới chỉ hơn 20 tuổi. 

Ở cái tuổi hừng hực sức trẻ, khi Tổ quốc cần, ông và nhiều đồng đội đã sẵn sàng lên đường, sẵn sàng hy sinh. Chàng thanh niên "xứ Thanh" mang theo những quyết tâm cho một ngày đại thắng, đất nước hòa bình.

Làm thợ máy trên tàu 235, đây là một con tàu vận tải tốc độ cao, có nhiều thiết bị hiện đại, tuy nhiên theo những gì trung tá Mai chia sẻ, ông không quá lạ lẫm bởi trước đó ông đã được đào tạo cơ bản từ trường học. Trước khi nhập ngũ, Lê Duy Mai là sinh viên của trường Trung cấp Hàng Hải (đóng tại Hải Phòng).

Trung tá Lê Duy Mai: Sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại - Ảnh 3.

Trung tá Lê Duy Mai (thứ 2 từ trái sang) nhập ngũ khi còn khá trẻ. Ảnh: QĐND

"Tôi đã được đào tạo cơ bản nên cũng nắm bắt được. Khi biên chế lên tàu chiến đấu có cái khác là lắp đặt thêm súng đạn, các vũ khí chiến đấu nhưng mình cũng thấy bình thường, nhanh chóng thích nghi và nắm bắt kỹ thuật với các thiết bị trên tàu. 

Tàu 235 lúc bấy giờ là loại tàu vận tải hiện đại nhất, vừa có tốc độ cao, lắp được 4 máy chính trong khi các tàu khác chỉ lắp 1 máy; có khả năng tự vệ tốt vì có súng pháo cao hơn, tốt hơn. Chỉ có điều ngày ấy còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi bị say sóng" – trung tá Lê Duy Mai nói.

Lằn ranh sinh tử

Nhớ lại dấu mốc lịch sử ngày 1/3/1968, thời điểm ông cùng 19 đồng đội trên tàu 235 nhận nhiệm vụ vận tải hàng hóa là vũ khí đến bến Hòn Hèo (Khánh Hòa), vị trung tá sinh năm 1943 bồi hồi, theo ông đó là những ký ức "mãi không thể quên".

Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, nhằm cung cấp hàng hóa vào những nơi cần nhất để chia lửa với đồng bào miền Nam, tàu 235 được chọn lựa là 1 trong 4 chiếc tàu sẽ thực hiện nhiệm vụ. Theo lời ông Lê Duy Mai, trong chuyến đi có nhiều phương án được vạch ra để xử lý khi gặp các tình huống thực tế, và khi thực hiện nhiệm vụ, tàu 235 đã phải lựa chọn một phương án không như ban đầu.

Trung tá Lê Duy Mai: Sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại - Ảnh 4.

Bến K-15 tại Đồ Sơn (TP.Hải Phòng), nơi xuất phát chuyến tàu đầu tiên ngày 11/10/1962 và nhiều chuyến khác của Đoàn tàu không số, bí mật vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

"Phương án tốt nhất là không có địch theo dõi, tàu cứ cập bến thả hàng rồi quay ra, phương án này ai cũng mong muốn. Với 235, phương án này đã không thực hiện được vì thực tế đã bị địch phát hiện, cơ hội để quay trở ra là không còn nữa. Phương án 1 chỉ thực hiện được thả hàng, quay ra thì không được.

Phương án 2, tàu ta phải cơ động ra để chiến đấu với tàu địch, buộc phải chiến đấu, tiêu hao lực lượng của địch. Tàu ta không hỏng máy thì có thể lao vào cảng Cam Ranh, có thể dùng sức nổ thuốc nổ để phá hủy nhiều chiến hạm nhưng việc này cũng không thực hiện được vì tàu ta "bị thương", không cơ động được.

Trung tá Lê Duy Mai: Sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại - Ảnh 5.

Tàu của Đoàn 125 Hải quân nhận hàng từ Bến Đá Bạc (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1973. Ảnh: Tư liệu

Buộc lòng tàu phải chuyển hướng phương án 3, phá hủy tàu. Thời cơ chỉ cho phép được thực hiện như vậy. Quyết định nhanh lắm, thuyền trưởng cho lệnh chuẩn bị nổ bộc phá, không chần chừ, và theo tôi đó là quyết định rất sáng suốt" – trung tá Hải quân thuật lại.

Khi bị quân địch bắn phá làm tàu bị hư hại, trước khi phá hủy tàu, thuyền trưởng đã ra lệnh đưa các chiến sỹ bị thương lên xuồng cao su vào bờ. Trên tàu còn lại thuyền trưởng, trung tá Lê Duy Mai cùng 2 đồng chí khác.

"Tôi trên boong tàu, khi được lệnh đánh bộc phá thì tôi đi xuống. Đồng chí Ngô Văn Thứ đảm nhiệm vị trí đánh bộc phá ở khoang máy sau, nhưng khi nhìn thấy anh ấy bị thương vào đầu tôi đề nghị anh rời tàu, để tôi đảm nhiệm thay nhiệm vụ" – ông Mai nhớ lại.

Trung tá Lê Duy Mai: Sự bí mật tuyệt đối đã góp phần làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại - Ảnh 6.

Tàu vận tải của Đoàn 125 Hải quân - Đoàn tàu không số cải dạng tàu nước ngoài, bí mật vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu do địch chụp

Mọi thứ đã chuẩn bị kỹ càng, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh điểm hỏa và cho "anh em" rời tàu. Khi các chiến sỹ đã an toàn bơi vào bờ, tàu 235 nổ, đem theo những bí mật về con đường huyền thoại vào lòng đại dương.

"Ở đây có cái hay, cái nhân văn, sáng suốt mà đến mãi sau này chúng tôi đều không quên đó là nghĩa tình của vị thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. 

Đến giây phút cuối cùng, đồng chí ấy vẫn nghĩ đến đồng đội, nghĩ đến sự tồn tại của anh em. Nghĩa cử ấy khiến chúng tôi vô cùng xúc động" – thủy thủ Lê Duy Mai ngậm ngùi.

Để làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển lịch sử, theo trung tá Lê Duy Mai, đầu tiên phải nhắc tới sự sáng suốt, chỉ huy tài tình của những người thuyền trưởng như thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. 

Ở những thời khắc quyết định, họ đã có những phương án chính xác, đúng đắn giúp cho chúng ta có được những thuận lợi tối đa nhất.

Điều thứ 2, theo vị thủy thủ tàu 235 là sự quyết tâm, lòng tự tôn dân tộc của mỗi cán bộ, mỗi chiến sỹ tham gia nhiệm vụ. "Đất nước có chiến tranh, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta lên đường với bản lĩnh của con người Việt Nam, quyết chiến đấu đến cùng với kẻ thù để bảo vệ non sông, đất nước. 

Điều đó như tiếp thêm động lực cho các cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ" – trung tá Lê Duy Mai nhìn nhận.

Điều thứ 3 góp phần làm nên thành công của con đường lịch sử này chính là mỗi nhiệm vụ, mỗi lần hành động đều được lên kế hoạch kỹ càng, bí mật tuyệt đối. Chẳng những thế mới có chuyện khi hòa bình lập lại, đến tận những năm sau này khi truyền thông, báo chí nhắc đến, gia đình, bạn bè mới biết đến chuyện trung tá Lê Duy Mai từng là thủy thủ của đoàn tàu không số.

"Đến năm 2011, khi dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển được nhiều cơ quan báo chí truyền thông nhắc đến, cả gia đình với dân làng mới biết tôi ở đoàn tàu không số.

Lúc đó cầu truyền hình đưa tin về đoàn tàu không số, người nhà, bà con lối xóm ngỡ ngàng và chia sẻ với mình. Đó là bí mật công tác, trước hết là giữ bí mật cho con đường lịch sử. Kể cả trong hồ sơ, giấy tờ, nhiều năm sau khi thực hiện nhiệm vụ cũng không có một thông tin, chi tiết nào tiết lộ về con đường đó" – trung tá chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem