Đại tướng Lương Cường: Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân

Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Thứ sáu, ngày 22/10/2021 21:06 PM (GMT+7)
Dân Việt trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng Lương Cường nhân dịp kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).
Bình luận 0
Đại tướng Lương Cường: Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân - Ảnh 1.

Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. (Ảnh: QĐND)

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - có bài viết: "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng".

Báo Dân Việt trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:

Cách đây 60 năm, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định mở tuyến vận tải trên biển để tổ chức đưa, đón cán bộ, chiến sĩ quân đội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại; đồng thời, vận chuyển phương tiện, hàng hóa, vũ khí, trang bị kỹ thuật từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Chủ trương mở Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện quyết tâm chính trị, trí tuệ, bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo trong chiến tranh giải phóng dân tộc; kết nối chặt chẽ hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, kịp thời cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường, tạo sức mạnh tổng hợp chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tư duy và tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, Đường Hồ Chí Minh trên biển kết nối chặt chẽ hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, kịp thời cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam.

Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đảng, Nhà nước ta chủ trương đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn để cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Chính phủ Mỹ đã từng trợ giúp thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và là một trong bốn bên tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, nhưng lại trắng trợn tuyên bố: Mỹ không bị ràng buộc bởi nội dung của Hiệp định này. Để thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, trực tiếp can thiệp vào miền Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, hòng ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa ở khu vực châu Á và trên thế giới. Tháng 6 năm 1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn, lập chính phủ tay sai, đồng thời thành lập phái đoàn quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), "khẩn cấp" tăng viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Được hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", dồn dân lập ấp chiến lược, ra sức đàn áp, khủng bố, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn, thử thách.

Tháng 01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 khóa II, quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Xác định con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa vũ trang. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15, nhân dân miền Nam đã nhất tề đứng lên chiến đấu, đẩy mạnh xây dựng lực lượng cách mạng và đấu tranh vũ trang, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế chủ động tiến công địch cả về chính trị và quân sự.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, nhu cầu về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự của quân và dân miền Nam trở nên cấp bách. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (đơn vị tiền thân của Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. 

Tuy nhiên, tuyến đường trên bộ của Đoàn 559 mới chỉ vận chuyển, cung cấp được vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho Mặt trận Trị Thiên và Khu 5, chưa vươn tới các tỉnh Nam Bộ. Xuất phát từ tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, tháng 6/1961, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam bộ đưa thuyền ra miền Bắc nhận vũ khí, trang bị quân sự để chuyển vào Nam Bộ; đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu, thử nghiệm tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Sau 5 chuyến đi biển ra miền Bắc nhận và chuyển vũ khí vào miền Nam thành công của các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bà Rịa... 

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thuỷ, mở tuyến đường chiến lược quan trọng - Đường Hồ Chí Minh trên biển, có nhiệm vụ vận chuyển cán bộ, chiến sĩ và vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời điểm quan trọng này đánh dấu sự kiện mở Đường Hồ Chí Minh trên biển và những chiến công vang dội của Hải quân nhân dân Việt Nam…

Đại tướng Lương Cường: Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 nhận hàng lên tàu không số để vận chuyển cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thuỷ, mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã khai thông tuyến chi viện chiến lược trên biển cho chiến trường miền Nam, kết nối chặt chẽ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến miền Nam, kịp thời cung cấp sức người, sức của cho các lực lượng tiến hành đấu tranh vũ trang trên khắp các chiến trường. Sự kiện này phản ánh tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến trong chiến tranh giải phóng dân tộc, đồng thời có ý nghĩa tạo nên sức mạnh, củng cố vững chắc niềm tin cho nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam nâng cao ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai là, Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo và nghệ thuật chiến tranh nhân dân tài tình, sáng suốt của Đảng trong huy động sức mạnh của toàn dân tộc, từng bước chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam.

Bị thất bại nặng nề trước Cao trào Đồng khởi của quân và dân miền Nam (1959 - 1960), đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961 -1965), ráo riết thực hiện các cuộc hành quân càn quét, tiến hành bình định dồn dân lập ấp chiến lược để nắm đất, nắm dân theo kiểu "tát nước, bắt cá". Đồng thời, chúng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc cả trên không, trên bộ và trên biển hòng ngăn chặn miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam. 

Hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ làm cho ý chí quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta ngày càng mãnh liệt, hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển lớn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật vào miền Nam, giao cho Quân chủng Hải quân, trực tiếp Đoàn 759 làm lực lượng nòng cốt. 

Với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở ra và xác lập một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, kịp thời đưa vũ khí, trang bị quân sự chi viện từ miền Bắc đến với các chiến trường xa, khắc phục những hạn chế của tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ. Từ năm 1962 đến năm 1968, thông qua Đường Hồ Chí Minh trên biển, miền Bắc đã chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược và các trang bị kỹ thuật quân sự. Thành công của những đợt vận chuyển vũ khí, trang bị đã tiếp thêm động lực đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối bộ đội chủ lực (Quân Giải phóng miền Nam), làm nên những chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm Không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển được một khối lượng lớn vũ khí, trang bị quân sự tới các địa điểm vùng giới tuyến sông Gianh - Quảng Bình, sau đó Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, Đoàn 125 còn tiếp nhận, vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc-vin (Cam-pu-chia). 

Ngày 18/3/1970, được Mỹ hậu thuẫn, Lonon đảo chính lật đổ Chính phủ Xi-ha-núc, tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-núc-vin bị cắt đứt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã chủ động tìm đường vận chuyển mới men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển Đông Bắc Ma-lai-xi-a, qua Vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du để đưa tàu cập các bến bãi miền Tây Nam Bộ. Trong điều kiện địch tăng cường tuần tra gắt gao, ngăn chặn và đánh phá hết sức ác liệt, Đoàn 125 vẫn vận chuyển và giao hàng đến các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ theo kế hoạch.

Vận chuyển vũ khí, trang bị bằng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã kịp thời bổ sung sức người, sức của cho quân và dân trên các chiến trường, tạo niềm tin vững chắc về sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân miền Nam. Đặc biệt, sự có mặt kịp thời của các loại vũ khí hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh, từ đánh nhỏ, lẻ, tiến tới những trận đánh lớn, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng tiêu diệt lực lượng chủ yếu của địch, từng bước làm thay đổi so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên các chiến trường miền Nam. 

Thắng lợi trên cả hai miền Nam - Bắc, nhất là chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972", buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris (27/01/1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt sự dính líu về chính trị, quân sự, rút hết quân đội Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam nước ta. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã kịp thời vận chuyển vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật quân sự và cơ động lực lượng giải phóng các tỉnh, các đảo ven biển miền Nam, nhất là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đại tướng Lương Cường: Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân - Ảnh 3.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tàu C41 trong chuyến thăm Đoàn 125 Hải quân, năm 1970. (Ảnh tư liệu)

Ba là, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã khơi dậy ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Việc mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ cổ vũ, động viên hậu phương lớn miền Bắc sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chi viện sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam, củng cố niềm tin của nhân dân, các lực lượng vũ trang quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, mà còn khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của cả dân tộc, với quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để chặn nguồn chi viện cho các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, phá hủy các tuyến đường chi viện cho miền Nam. Trên biển, chúng đã sử dụng Hạm đội 7, các biên đội tàu sân bay và hàng trăm tàu chiến các loại, thành lập lực lượng đặc nhiệm phối hợp với lực lượng hải quân ngụy Sài Gòn, tăng cường máy bay trinh sát, sục sạo ngày đêm trên toàn tuyến ven biển; xây dựng nhiều trạm ra-đa và mạng lưới thông tin hiện đại quan sát ven bờ, trên các đảo để phát hiện, ngăn chặn. 

Trong mọi tình huống, hoàn cảnh cán bộ, chiến sĩ của Đoàn luôn bình tĩnh, giữ nghiêm kỷ luật, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ven biển, xử lý phù hợp, hiệu quả các tình huống; kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai, khéo cải dạng, nguỵ trang, nghi binh đánh lừa địch; trà trộn vào những tàu thuyền đánh cá của ngư dân, quay vòng tăng chuyến… để các chuyến "hàng quân sự" cập bến, bãi an toàn. Vì thế, Đường Hồ Chí Minh trên biển là sự thử thách ý chí, quyết tâm, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự mưu trí, sáng tạo, lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật trong điều kiện sóng to, gió lớn của biển cả và sự ngăn chặn, đánh phá gắt gao của địch, với quyết tâm "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Bốn là, Đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần xây dựng mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt của ba nước Đông Dương và tranh thủ sự tương trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đóng góp to lớn vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Để từng bước hình thành, phát triển tuyến đường chiến lược trên biển, chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, Đảng ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn. Nhân dân các địa phương luôn sẵn sàng đóng góp của cải và công sức cho tuyến vận tải chiến lược trên biển được thông suốt. Các nước anh em, bè bạn trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần.

Với đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chúng ta đã phát huy tối đa sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế, nhất là tình đoàn kết liên minh chiến đấu, gắn bó keo sơn của quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, tạo thành sức mạnh tổng hợp để mở tuyến đường chiến lược trên biển, chi viện cho cách mạng miền Nam và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Điều này, được thể hiện rõ thông qua việc Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia đã giúp đỡ Việt Nam, tổ chức vận chuyển bằng tàu biển quốc tế trực tiếp đưa hàng viện trợ quân sự của Liên Xô quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc-vin và bằng đường hàng không qua nước bạn.

Những chiến công của tuyến đường huyền thoại trên biển đã vận chuyển chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho các chiến trường miền Nam; đảm đương sứ mệnh đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo và nhận chỉ thị của Trung ương Đảng, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Trong những năm tháng chiến tranh, Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đường Hồ Chí Minh trên bộ là hai con đường tạo thế và lực cho chiến trường miền Nam, tạo nên con đường chia cắt địch; góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn là con đường gắn kết chặt chẽ các dân tộc Việt Nam, con đường để quân và dân ta tiếp tục sự nghiệp cách mạng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước, đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nhân dân ta đi đến thắng lợi. Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tuyến đường của "thế trận lòng dân" trong thế trận chiến tranh nhân dân; biểu tượng sinh động cho giá trị, phẩm chất và hào khí bất khuất của con người Việt Nam.

Sau 60 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa của tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấy rõ hơn tầm vóc và những kỳ tích vĩ đại của Đoàn vận tải 125 và tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, cũng như sự hy sinh to lớn của quân và dân cả nước trong những năm tháng bám trụ, chiến đấu kiên cường trên tuyến chi viện chiến lược này. Ôn lại lịch sử hào hùng, chúng ta càng thấy rõ hơn khát vọng và giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và tự hào về lịch sử, truyền thống của dân tộc, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân, Quân đội anh hùng, về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, vừa cạnh tranh, đấu tranh, vừa hợp tác, thỏa hiệp vì lợi ích quốc gia - dân tộc và mua chuộc, lôi kéo các nước nhỏ; xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đảo chính quân sự, tấn công mạng gây bất ổn ở nhiều quốc gia. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo diễn biến phức tạp. Các nước lớn công khai can dự vào vấn đề Biển Đông cả về ngoại giao, pháp lý và trên thực địa. Các thế lực thù địch đẩy mạnh "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp… Điều đó đặt ra với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết.

Từ thắng lợi của tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng khi mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đòi hỏi toàn dân, toàn quân, trước hết là Quân đội phải tiếp tục mài sắc ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong bất luận điều kiện hoàn cảnh nào đều phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện "toàn diện, đồng bộ Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược An ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành"; luôn nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch cả bên trong và bên ngoài biên giới, lãnh thổ; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. 

Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng thế trận lòng dân, làm nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển, đảo Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điềm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thành tựu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem