Lý giải vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt ông Ma Quang Trung cho rằng, vì trồng đậu nành kém hiệu quả, thu nhập ngày càng thấp so với những cây trồng khác đã khiến người dân bỏ cây đậu nành và vấn đề đặt ra là phải cải tiến từ khâu giống.
Cánh đồng lớn bắt đầu từ hạt giống
Trong Hội thảo Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho phát triển đậu nành Tây Nguyên, được tổ chức cuối tuần qua ở Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, ông Trung nhìn nhận khâu giống là điểm mấu chốt để phát triển bền vững đối với hầu hết các loại cây trồng mà Bộ Nông nghiệp và PTNT rất quan tâm, nhưng ghi nhận kết quả nhiều năm qua vẫn không như mong muốn. “Chỉ bằng cách tạo ra những giống cây trồng vừa có chất lượng, vừa có năng suất..., cùng với đó là áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại làm sao để người nông dân có thể áp dụng, thích ứng thì mới có thể tồn tại” - ông Trung khẳng định hướng tổ chức lại ngành trồng trọt.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện định hướng trên vẫn vấp phải những trở lực. Theo ông Trung, các cơ quan khoa học các ngành các cấp của Nhà nước đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều giống cây trồng mới được công nhận hàng năm. Nhưng thực tế rất hiếm những cây giống đạt được những mục tiêu như trên. Trên thực tế thì nông sản Việt Nam làm ra vẫn kém cạnh tranh, cả nước vẫn phải nhập hàng triệu tấn ngô, đậu nành hàng năm làm nguyên liệu cho các ngành thực phẩm phục vụ tiêu dùng và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Người đứng đầu ngành trồng trọt chia sẻ những trăn trở về sự cấp thiết chuyển đổi sản xuất trong ngành của mình. Ở đó đang có hơn 11 triệu hộ nông dân sản xuất manh mún, sử dụng giống tùy tiện, kỹ thuật canh tác khác nhau, dẫn đến chất lượng không đồng đều, tiêu thụ bấp bênh. Cùng với nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước, rất nhiều diện tích đất trồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả ở Tây Nguyên đang cần được chuyển đổi sang trồng bắp (ngô), đậu nành..., những cây trồng mang lại thu nhập cao bền vững hơn cho người nông dân.
Doanh nghiệp bắt tay với đối tác Hoa Kỳ
Ông Trung cho rằng những mô hình doanh nghiệp như Vinasoy đầu tư làm giống, đưa kỹ thuật tiên tiến vào canh tác để kết nối các hộ nông dân tạo thành liên kết xây dựng cánh đồng lớn là hạt nhân mang tính quyết định cho câu chuyện thời sự chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Từ dự án Vinasoy đã triển khai tại huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp này đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành Quốc gia Hoa Kỳ chọn tạo thành công giống đậu nành mới. Giống đậu nành mới có tên Cư Jut hoa trắng cho chất lượng hạt tốt, năng suất tăng 10 – 15% so với các giống trước đây. Song song với việc chọn tạo giống, bộ phận nghiên cứu của Vinasoy cũng đã khảo nghiệm nhiều hệ thống canh tác theo đặc điểm của các vùng nguyên liệu khác nhau ở Tây Nguyên, bao gồm các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch trên các công cụ cơ giới hóa phù hợp cho các hộ sản xuất đậu nành nơi đây...
Doanh nghiệp đứng ra làm việc này bằng đồng tiền của mình, đầu tư của doanh nghiệp mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp nên theo sát với nhu cầu của thị trường. Cụ thể ở đây Vinasoy đầu tư, đặt hàng cơ quan nghiên cứu khoa học để chọn tạo giống phù hợp chất lượng, tiêu chuẩn phục vụ chế biến sữa đậu nành của Vinasoy. Người nông dân sản xuất đậu nành theo tiêu chuẩn này được Vinasoy cam kết bao tiêu. Điều này hoàn toàn khác với đầu tư của các cơ quan sử dụng ngân sách, kết quả nghiên cứu ít khi áp dụng được trong thực tế.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp để làm những việc như Vinasoy hiện không nhiều, chiếm chưa tới 1% trong tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam (theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam). Thực tế nhiều rào cản về thủ tục thành lập, hoạt động, thực thi ưu đãi cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... vẫn tồn tại như không thể nào công phá. Đấy là bài toán cần lời giải thấu đáo từ những nhà làm chính sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.