Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính khu vực nông thôn và 7 thách thức cần giải quyết
Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính khu vực nông thôn và 7 thách thức cần giải quyết
O.L
Thứ sáu, ngày 13/10/2023 06:30 AM (GMT+7)
Theo TS. Cấn Văn Lực, để thúc đẩy phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, một trong vấn đề cần lưu ý là phải nhanh chóng thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng cấu phần giáo dục tài chính ở khu vực nông nghiệp nông thôn.
Sáng nay (13/10) Hội Nông dân Việt Nam cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng và cơ hội của nông dân". Tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có tham luận với tựa "Chuyển đổi số ngành nghân hàng gắn với nông nghiệp, nông thôn".
TS.Cấn Văn Lực đã nêu ra loạt những khó khăn và thách thức của chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam gồm:
Một là, khung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển công nghệ. Nhiều quy định pháp luật còn chưa rõ, chưa đồng bộ gây khó khăn, bất cập cho quá trình chuyển đổi số.
Hai là, chi phí đầu tư công nghệ cao, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập.
Ba là, rủi ro công nghệ thông tin và chuyển đổi số tăng.
Bốn là, hạn chế về cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin.
Năm là, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phân tích dữ liệu thiếu và yếu.
Sáu là, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng của các tổ chức cung ứng dịch vụ tại khu vực nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của người dân, do vậy, chưa thu hút được sự quan tâm của người dân.
Bảy là, hạ tầng số nhiều nơi ở khu vực nông thôn có chất lượng kém hơn so với khu đô thị, mức độ hiểu biết và kỹ năng vận hành công nghệ số bình quân ở mức thấp.
Phát triển ngân hàng số: Cần thúc đẩy thực hiện chiến lược tài chính toàn diện
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của BIDV đã nêu ra loạt giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng số tại Việt Nam nói chung và tại khu vực nông nghiệp nông thôn nói riêng.
Ông Lực cho rằng, để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi số ngân hàng gắn với nông nghiệp nông thôn, vai trò của Chính phủ và các Bộ ngành là rất quan trọng, đặc biệt trong thiết lập khuôn khổ pháp lý và khuôn khổ thúc đẩy.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đột số đề xuất đối với cơ quan quản lý Nhà nước như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, sớm ban hành quy định về đại lý thanh toán, làm cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy ứng dụng công nghệ số tài chính trên cả nước, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, thúc đẩy thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng cấu phần giáo dục tài chính ở khu vực nông nghiệp nông thôn, thông qua: tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; tiếp tục xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng khu vực nông nghiệp nông thôn...
Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng đầy đủ và phù hợp các nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại khu vực nông nghiệp nông thôn.
Thứ ba, khuyến khích, hỗ trợ ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS, khuyến khích mở rộng mạng lưới ATM và POS ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động với các ngân hàng thương mại, hợp tác với các Fintech.
Thứ tư, quyết liệt triển khai thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Đề án cần liên tục được cập nhật tạo cơ sở thúc đẩy hành lang pháp lý liên quan đến TTKDTM theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó cách tiếp cận xây dựng các quy định pháp luật nên theo hướng khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo mới nhiều hơn, song song với xu hướng chuẩn hóa.
Thứ năm, nâng cao năng lực thanh tra giám sát, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính, đồng thời nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ứng dụng CNTT bảo đảm an toàn, bảo mật. Cùng với đó đưa vào áp dụng khung đánh giá rủi ro CNTT theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền và người dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Theo đó, Hội Nông dân các cấp cần phối hợp với các tập đoàn, công ty viễn thông xây dựng các dự án nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên nông dân; nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đời sống của nông dân.
Có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn
Đối với các tổ chức tín dụng:
Thứ nhất, cần nghiên cứu, khảo sát hành vi, thói quen tiêu dùng, từ đó xây dựng các sản phẩm dịch vụ phù hợp với đại đa số người dân; nâng cấp hạ tầng thanh toán khu vực nông thôn, đảm bảo thanh toán hiện đại và sẵn sàng kết nối liên thông với các hệ thống thanh toán khác; tăng cường truyền thông về tính ưu việt, tiện lợi khi sử dụng ứng dụng ngân hàng, tài chính số để người dân vùng nông thôn yên tâm sử dụng.
Thứ hai, tập trung triển khai các giải pháp để phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ cho người dân không chỉ trong việc giao dịch điện tử hoàn toàn qua hệ thống công nghệ hiện đại mà vẫn có các điểm tiếp xúc trực tiếp để có thể thực hiện rút tiền hoặc cung ứng các dịch vụ khác.
Thứ ba, các ngân hàng tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát triển hệ sinh thái thanh toán rộng hơn từ việc kết nối với các tổ chức trung gian thanh toán khác, hay những tổ chức thẻ, Mobile Money, các công ty Fintech… để phát triển thêm nhiều điểm thanh toán nhỏ lẻ nhất. Để khuyến khích người dân sử dụng thanh toán, có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận TTKDTM.
Thứ tư, ngoài đối tượng chính đang đề cập là người dân khu vực nông thôn, các ngân hàng cũng cần gia tăng tiếp cận với các khách hàng ở vùng thành thị, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp, bởi chính những công dân lớn lên từ nông thôn này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới gia đình, người thân của họ.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân sự số. Các TCTD cần có đột phá hơn nữa về tuyển dụng, giao việc, đánh giá, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ chất lượng cao, chuyên gia CNTT và chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái, phân tích dữ liệu…v.v. Các TCTD có thể hợp tác trên lĩnh vực đào tạo nhân lực số với các trường đại học, tạo điều kiện thực tập cho sinh viên ở vùng nông thôn nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực công nghệ cũng là tạo nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng.
Thứ sáu, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ ở khu vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời xác định quản trị rủi ro trở thành mục tiêu chiến lược, thông qua: nâng cấp, thiết lập và hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro nhằm đảm bảo phản ứng nhanh và linh hoạt trong môi trường công nghệ và quy định thay đổi nhanh chóng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.