Bình Dương: Thiếu liên kết từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân 'chết dở'

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 12/10/2023 17:16 PM (GMT+7)
Các thành phần kinh tế vẫn đang hoạt động riêng lẻ, thiếu kết nối. Các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được sức mạnh từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI nên đã khó càng thêm đuối sức.
Bình luận 0

Đây là chia sẻ của bà Trương Thị Thúy Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương tại Hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2023 tổ chức ngày 12/10.

Hiệp hội ngành hàng Bình Dương gặp khó đủ bề

Theo bà Liên, tình hình kinh tế hiện nay khiến tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn chứ không riêng ngành hàng nào. Nguyên nhân do ảnh hưởng chiến tranh Nga – Ukraine chưa dứt thì xung đột Israel – Hamas càng khiến bức tranh kinh tế phủ bóng tối tăm.

Về nguyên nhân nội tại, Việt Nam là nền kinh tế mở. Thế nhưng, bà Liên cho rằng vẫn còn tình trạng phân cực rất rõ rệt giữa 3 thành phần kinh tế: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân.

Một doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc ở Khu công nghiệp Tân Bình (TP.Tân Uyên) chuyên sản xuất ván sàn nhà xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc ở Khu công nghiệp Tân Bình (TP.Tân Uyên) chuyên sản xuất ván sàn nhà xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các thành phần này hoạt động độc lập, thiếu sự tương hổ, không bổ trợ được nhiều cho nhau để hình thành chuỗi cung ứng mà các công ty FDI là bệ đỡ cho doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Các doanh nghiệp nhà nước cũng hoạt động trong tình trạng cục bộ, thiếu sự dẫn dắt cho kinh tế tư nhân đi theo. "Ngoài ra, các chính sách chưa tạo sức tác động đủ mạnh và lan tỏa để doanh nghiệp trong nước phục hồi", bà Liên nói.

Vì thế, việc cần thiết lúc này là doanh nghiệp phải nỗ lực tái cơ cấu, thu hẹp quy mô sản xuất để giảm bớt chi phí. Nhà nước cũng cần cải thiện môi trường đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể như chủ trương di dời doanh nghiệp công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc Bình Dương cần được lùi thời hạn thay vì thực hiện ngay năm 2025.

"Đây là chủ trương lớn và đúng đắn. Việc doanh nghiệp duy trì cầm cự và tồn tại được trong tình hình hiện nay là rất khó. Đến năm 2025, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thì không biết có còn sức để di dời", bà Liên chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Thành Trọng – Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương cho biết việc liên kết doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI thông qua cầu nối nhà nước vẫn còn yến trên quy mô cả nước.

Ngay tại Bình Dương, nơi thu hút đầu tư FDI rất lớn nhưng liên kết này cũng chưa tương xứng tiềm năng, chưa phát huy hết tác dụng.

Theo ông Trọng, phải làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài khi sang Bình Dương phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam và Bình Dương. Muốn thế thì doanh nghiệp trong nước phải tiếp xúc với họ ngay từ đầu, khi họ mới tìm đến đầu tư.

"Các đơn vị trong tỉnh như Ban quản lý  KCN, Sở Kế hoạch và Đầu tư... khi xúc tiến đầu tư với nhà đầu tư nên cho các Hiệp hội, các doanh nghiệp trong tỉnh cùng tiếp xúc với họ", ông Trọng kiến nghị.

Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng đầu tư trong nước năm 2023 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tổ chức ngày 12/10. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng đầu tư trong nước năm 2023 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tổ chức ngày 12/10. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo UBND tỉnh Bình Dương, xung đột Nga – Ukraine làm giá dầu tăng, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, đơn hàng sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ.

Vốn lưu động của các doanh nghiệp thiếu nghiêm trọng do khách hàng chậm thanh toán (khách hàng cũng gặp khó khăn), hoặc đơn hàng đã hoàn thành nhưng khách hàng yêu cầu xuất sau thời điểm dự kiến ban đầu, làm cho doanh nghiệp tồn kho nhiều.

Lãi suất vay vốn tăng cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn, do doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo, hạn mức tín dụng bị cắt giảm do tài sản đảm bảo bằng bất động sản được định giá thấp hơn.

Việc vay tín chấp trên phương án kinh doanh lại càng khó khăn, do chỉ có những doanh nghiệp lớn, có quan hệ tốt mới tiếp cận được, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có được phương án kinh doanh tốt do không có đơn hàng xuất khẩu.

Đồng hành hỗ trợ hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, kinh tế từng bước khởi sắc, đang trên đà phục hồi và đạt được một số kết quả tích cực. Trong số 35 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, đến nay, Bình Dương đã có 19 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch và vượt kế hoạch năm.

Một công ty sản xuất giày xuất khẩu ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một công ty sản xuất giày xuất khẩu ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Bình Dương ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 4,2%, dịch vụ tăng 6,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Bình Dương tăng 4,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,4%.

Tính đến ngày 6/10/2023, giá trị giải ngân đầu tư công của tỉnh Bình Dương là 10.641 tỷ đồng; đạt 48,8% kế hoạch năm và đạt 87,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Bình Dương thực hiện 109.924 tỷ đồng, tăng 11,4%. Tính đến ngày 30/9/2023, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 68.811 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 64.333 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 699.000 tỷ đồng.

Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.   

Sở sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ.

Ngành Công thương tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Đặc biệt là Sở phối hợp phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh", bà Duyên nói.

Ông Võ Đình Phong - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết, ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khác để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể như: thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hoá quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương, kịp thời nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương, kịp thời nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Bình Dương nhận thấy rõ tính cấp bách, cần thiết phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thường xuyên trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc qua đó thường xuyên lắng, chủ động năm bắt thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ba tháng cuối năm thường là thời điểm tập trung cao độ để các cơ quan đơn vị doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra.

Ông Dành đề nghị các sở ngành, địa phương, đặc biệt là Tổ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển.

"Đồng thời, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cũng cần tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng, phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước của tỉnh", ông Dành đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem