Ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, điển hình trong ngành Tài chính, Ngân hàng, tuy nhiên nhìn chung, với nhiều doanh nghiệp, những thách thức rất lớn vẫn hiện hữu.
Báo Dân Việt đã có bài phỏng vấn ông Vũ Kiêm Văn về vấn đề này.
Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức khi Chuyển đổi số
Ông có thể đưa ra góc nhìn về thực trạng Chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay và nhận thức của các cá nhân, cơ quan hay doanh nghiệp về Chuyển đổi số như thế nào?
Ông Vũ Kiêm Văn: Thời gian qua, dưới chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các doanh nghiệp và người dân, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước và đông đảo người dân, coi chuyển đổi số là phương thức mới phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của từng cá nhân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, mức độ đầu tư và hiệu quả về chuyển đổi số còn có sự khác nhau trong các lĩnh vực kinh tế xã hội và từng doanh nghiệp. Đối với các ngành như Tài chính, Giáo dục, Du lịch, Giao thông,... các xu hướng chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
Điển hình như trong ngành Tài chính, Ngân hàng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số với ngân hàng số "mở" và "thông minh", kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet. Chuyển đổi số thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng học trực tuyến, nền tảng quản lý và chia sẻ tài nguyên bài giảng và tài liệu học tập, số hóa giáo trình - tài liệu...
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải nhiều khó khăn. Hiện tại, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với những thách thức như: thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp, thiếu nguồn lực tài chính…
Vậy theo ông, cần có những giải pháp gì để thúc đẩy Chuyển đổi số?
Ông Vũ Kiêm Văn: Phát triển các nền tảng số quốc gia và nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp là một hướng tiếp cận phù hợp cho chuyển đổi số tại Việt Nam. Để thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số trong thời gian tới, theo tôi, chúng ta cần có một số giải pháp quan trọng:
- Phát triển hệ thống hạ tầng số quốc gia đồng bộ, rộng khắp đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; Nâng cấp mạng di động 4G, phát triển mạng di động 5G để có thể theo kịp xu hướng thế giới; xây dựng hệ thống hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng bộ, thống nhất để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt.
- Xúc tiến nhanh hơn nữa một chính phủ số: Chính phủ cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Sự tích cực dẫn dắt chuyển đổi số của Chính phủ sẽ là tạo động lực và nhu cầu cho người dân và doanh nghiệp.
- Tăng cường đào tạo kỹ năng số, phát triển nguồn lao động chất lượng cao, chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng lao động có kỹ năng, sẵn sàng thích ứng và nắm bắt cơ hội.
- Thứ tư, củng cố lòng tin của người sử dụng thông qua bảo đảm các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và hệ thống luật pháp công khai, minh bạch đối với hệ thống doanh nghiệp.
Hội Truyền thông số đã và đang đồng hành cùng Chuyển đổi số Quốc gia ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Kiêm Văn: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về Đẩy mạnh Chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020, nhiều năm qua, Hội Truyền thông số Việt Nam cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình hội thảo, diễn đàn về chuyển đổi số, chính phủ số, đô thị thông minh; tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam thường niên 6 năm liên tiếp kể từ năm 2018 và thực hiện nhiều hoạt động đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ hợp tác quốc tế về chuyển đổi số...
Góp sức cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia được Hội Truyền thông số Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hoạt động trong thời gian vừa qua. Góp phần thúc đẩy sự triển của kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong nhiệm vụ cốt lõi của Hội Truyền thông số Việt Nam trong thời gian tới.
Tình trạng dữ liệu bị cát cứ, không được chia sẻ
Năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia. Theo ông, việc ứng dụng dữ liệu ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Ông Vũ Kiêm Văn: Dữ liệu số là nền tảng của Chuyển đổi số, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian qua, ưng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên kho dữ liệu lớn (Big Data) đã tạo đột phá mọi lĩnh vực của đời sống như ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục nông nghiệp, môi trường đến truyền thông, giải trí…
Đáp ứng nhu cầu của mọi hoạt động chuyển đổi số trong xã hội, các tập đoàn công nghệ lớn trong cả nước đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trọng tâm cho các khối chính phủ, tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và người dân để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dữ liệu lớn mới chủ yếu được ứng dụng mạnh tại một số doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng lớn. Tình trạng dữ liệu bị cát cứ, không được chia sẻ hiện đang là rào cản để các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng dữ liệu.
Ông có thể chỉ ra những khó khăn của việc phát triển dữ liệu tại Việt Nam? Và câu chuyện làm sao để khai thác dữ liệu số tạo ra giá trị đồng thời đảm bảo sự bảo mật?
Ông Vũ Kiêm Văn: Việc phát triển dữ liệu đặc biệt là dữ liệu lớn tại Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức đã được nhận diện như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu; số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; hạ tầng dữ liệu số; an toàn thông tin, an ninh mạng.
Dữ liệu hiện nay còn manh mún và cát cứ tại nhiều cơ quan, tổ chức, chưa tạo thành một sức mạnh tài nguyên tổng hợp; việc kết nối, chia sẻ còn nhiều khó khăn, bất cập, thủ tục hành chính rườm rà; các vi phạm về dữ liệu còn phổ biến đặc biệt là đối với dữ liệu cá nhân. Hạ tầng điện toán để xử lý các hệ thống dữ liệu lớn thực sự quy mô còn thiếu vắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.