Chuyển đổi số sản phẩm OCOP tại Bắc Giang: "Chìa khóa" để nông sản, đặc sản địa phương "bứt phá"

Minh Châu Thứ sáu, ngày 28/06/2024 12:29 PM (GMT+7)
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang mang lại những thành công đáng kể cho tỉnh Bắc Giang. Trong đó, việc áp dụng chuyển đổi số đã mở ra cơ hội phát triển mới, giúp các sản phẩm đặc sản của tỉnh không chỉ phổ biến trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều thị trường quốc tế.
Bình luận 0

 Chuyển đổi số "chắp cánh" cho sản phẩm OCOP Bắc Giang 

Chương trình OCOP tại Bắc Giang đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy tiềm năng sản xuất và mở ra cơ hội gia tăng giá trị cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, tỉnh đã chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình liên kết chuỗi giá trị, tuân theo các tiêu chuẩn quy chuẩn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số sản phẩm OCOP tại Bắc Giang: "Chìa khóa" để nông sản, đặc sản địa phương "bứt phá"- Ảnh 1.

Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại TP Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết tính đến nay, tỉnh đã có 290 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Năm 2024, Bắc Giang có 253 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, bao gồm 188 sản phẩm mới, 45 sản phẩm đánh giá lại và 20 sản phẩm nâng hạng sao. Các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, dự kiến hoàn thành công tác đánh giá đợt 1 năm 2024 trong tháng 7.

Hiện, Bắc Giang có nhiều sản phẩm đã có tiếng trên thị trường như: vải thiều, mì Chũ huyện Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế… Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn mỗi làng, xã đều có một sản phẩm đặc trưng. Nhưng để biến nó thành sản phẩm được người tiêu dùng trong tỉnh, khu vực, trong nước chấp nhận cũng như mở rộng hơn nữa thị trường thì chương trình OCOP đang đóng góp không nhỏ để thực hiện điều này.

Trước kia, làm sản phẩm OCOP phần lớn là các hộ gia đình, nhưng nay hơn 90% đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, hợp tác xã. Khi thực hiện chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có sự liên kết với nhau, giới thiệu thị trường cho nhau để cùng phát triển.

Khi bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang xác định cần biến sản phẩm đặc sản có sẵn trở thành những sản phẩm đặc sản hơn, có tiếng tăm hơn. Muốn vậy, yêu cầu đầu tiên là sản phẩm phải chất lượng hơn trước, do đó quy trình sản xuất cần được chuẩn hóa hơn bằng việc đầu tư máy móc sản xuất hiện đại với công nghệ tốt nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng.

Hơn nữa, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng cần có tem, nhãn mác bắt mắt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; các sản phẩm được chế biến sâu hơn hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Chuyển đổi số sản phẩm OCOP tại Bắc Giang: "Chìa khóa" để nông sản, đặc sản địa phương "bứt phá"- Ảnh 2.

Vải thiều Bắc Giang được bán trên sàn thương mại điện tử voso.vn

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”, Sở Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, sinh viên và thanh niên khởi nghiệp.

Tỉnh cũng tổ chức các hội nghị, tập huấn nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã. Bên cạnh đó, các giải pháp kinh doanh trực tuyến hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop cũng được giới thiệu và áp dụng.

Nhờ đó, khách hàng ở nhiều vùng miền có thể dễ dàng tiếp cận và mua sắm các sản phẩm OCOP của Bắc Giang. Tỉnh đã kết nối giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia trưng bày sản phẩm tại hội chợ triển lãm trực tuyến, hỗ trợ xây dựng website và phần mềm ứng dụng TMĐT cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Hiện tại, Bắc Giang có 2 sàn giao dịch TMĐT là San24h.vn và batex.vn, nơi kết nối giao thương và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh.

Chuyển đổi số để phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP tại Bắc Giang

Tính đến nay, đã có 113.770 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình được khởi tạo tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn TMĐT. Năm 2023, vải thiều Bắc Giang được giới thiệu và bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và Instagram, đạt sản lượng khoảng 18.000-20.000 tấn.

Đặc biệt, tại xã Hồng Giang thuộc huyện Lục Ngạn, hơn 40 người có ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng TikTok đã thực hiện livestream quảng bá và bán các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh. Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút gần 1,7 triệu lượt xem, chốt được 5.182 đơn hàng với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, bao gồm 23 tấn vải thiều.

Chuyển đổi số sản phẩm OCOP tại Bắc Giang: "Chìa khóa" để nông sản, đặc sản địa phương "bứt phá"- Ảnh 3.

Thanh niên được trải nghiệm bán hàng trên nền tảng số cùng TikToke. Ảnh tư liệu năm 2023.

r

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ứng dụng các công cụ, nền tảng số trong việc quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, Bắc Giang đã phối hợp với Base.vn ký biên bản ghi nhớ hợp tác, thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số doanh nghiệp FPT-Bắc Giang với mục tiêu 1000 doanh nghiệp chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2025.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo và điều hành triển khai thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động các cơ quan về mua sắm trực tuyến tại các sàn TMĐT Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP Bắc Giang.

Chuyển đổi số sản phẩm OCOP tại Bắc Giang: "Chìa khóa" để nông sản, đặc sản địa phương "bứt phá"- Ảnh 4.

Các HTX phát triển sản phẩm OCOP từ cây dược liệu trên địa bàn huyện Sơn Động tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.

Năm 2024, Bắc Giang dự kiến mỗi năm sẽ bố trí khoảng 5,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh khoảng 2,7 tỷ đồng/năm hỗ trợ cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao; ngân sách cấp huyện khoảng 2,7 tỷ đồng/năm hỗ trợ cho sản phẩm 3 sao. Mục tiêu của tỉnh là đạt tối thiểu 350 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, xây dựng và phát triển ít nhất 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.
Việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, mà còn thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Chương trình OCOP và chuyển đổi số đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang, nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong và ngoài nước.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem