Bắc Giang: Đẩy mạnh chế biến chuyên sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Minh Nguyệt - Trang Thảo Thứ năm, ngày 27/06/2024 09:24 AM (GMT+7)
Mặc dù các sản phẩm nấm tươi, pate, giò, ruốc chế biến từ nấm của Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Toàn Cương (Việt Yên, Bắc Giang) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 nhưng công ty vẫn đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.
Bình luận 0

Đảm bảo các sản phẩm đến tay người tiêu dùng được tươi, ngon nhất

Từ mô hình trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu sơ sài, thủ công (năm 2012), giờ đây, Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Toàn Cương đã đầu tư bài bản 16 phòng lạnh và dàn lạnh tiêu chuẩn để sản xuất chuyên sâu tạo ra những sản phẩm nấm cao cấp phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bà Vũ Thị Thu Trang, quản lý xưởng nấm chia sẻ, 10 năm trước từ một đơn vị xây dựng, nhưng do cơ duyên và tỉnh có chính sách hỗ trợ, gia đình đã quyết định chuyển sang phát triển nông nghiệp, mở xưởng sản xuất nấm để tạo việc làm người dân cho địa phương.

Hiện, công ty đang nuôi trồng các loại nấm tươi cao cấp ngọc châm, kim châm, đùi gà… Chia sẻ về chất lượng sản phẩm, bà Trang cho biết: Nấm Ngọc Châm mà đơn vị sản xuất là dòng sản phẩm cao cấp nhất. So với các sản phẩm ngoài thị trường thì sản phẩm nấm với tiêu chuẩn OCOP 3 sao của đơn vị có độ chắc xốp, đảm bảo nấm sạch hoàn toàn.

Bắc Giang: Đẩy mạnh chế biến chuyên sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Thu Trang kiểm tra chất lượng sản phẩm nấm.

Nét đặc trưng riêng khiến nấm ở đây có sự khác biệt so với nấm thông thường đó là nguyên liệu để nuôi trồng nấm phải sử dụng mùn không có tinh dầu, bông vải của nhà máy may để trồng nấm. Quan trọng nhất là thời gian nuôi và kỹ thuật chăm sóc luôn được công ty áp dụng nghiêm ngặt. Từ lúc cấy phôi đến khi thu hoạch phải mất hơn 3 tháng mới có thể tạo ra sản phẩm nấm đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường.

Ngoài ra, quy trình đóng gói, bảo quản cũng được Công ty thực hiện bài bản để đảm bảo các sản phẩm nấm của Công ty đến tay người tiêu dùng được đảm bảo tươi, ngon nhất.

Hiện, thị trường tiêu thụ chính của công ty gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Đặc biệt, trước đây hệ thống kênh phân phối là thủ công, nhưng giờ đây các sản phẩm OCOP của công ty đã có mặt trên sàn giao dịch điện tử Facebook, Shopee và nhờ chất lượng luôn được đảm bảo nên nhiều thương lái truyền thống vẫn giữ mối hàng, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhiều khi còn không có sản phẩm để cung cấp.

Ngoài ra, trong nuôi trồng, sản xuất nấm, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được chú trọng. Để đảm bảo được yếu tố này Công ty đã xây dựng phương án sử dụng, thu hồi các phụ phẩm trong quá trình sản xuất hiệu quả, triệt để, hạn chế thấp nhất việc xả thải ra môi trường tự nhiên.

Bắc Giang: Đẩy mạnh chế biến chuyên sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, Công ty đã đầu tư hệ thống phòng lạnh đảm bảo cho cây nấm phát triển tốt nhất.

Hướng tới sản xuất chuyên sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm

Cũng theo chị Trang, phương châm chất lượng hơn số lượng, vì vậy, dù sản lượng không cao, nhưng Công ty luôn áp dụng phương pháp sản xuất sạch để tạo ra những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt nhất phục vụ người tiêu dùng.

Bên cạnh cung cấp ra thị trường nấm tươi, để không lãng phí các sản phẩm nấm nhỏ, chân nấm, thời gian qua công ty liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội đầu tư công nghệ tạo ra những sản phẩm chế biến sâu như giò nấm, pate nấm, ruốc nấm cao cấp để phục vụ đang dạng đối tượng khách hàng, góp phần vào việc đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản địa phương.

Chị Trang cũng cho biết thêm, năm 2020, sản phẩm nấm ngọc châm của công ty đã đạt chất lượng OCOP 3 sao; năm 2023 tiếp tục có 3 sản phẩm được huyện Việt Yên (Bắc Giang) đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao đó là Pate, giò, ruốc nấm. Và năm nay Công ty phấn đấu sẽ có thêm sản phẩm mới nấm Đùi gà đạt chất lượng OCOP, đồng thời đánh giá lại sản phẩm nấm Ngọc Châm.

Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, huyện Việt Yên có tổng số 28 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó: 03 sản phẩm đạt 4 sao; 25 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP của huyện cơ bản đều là sản phẩm chế biến trong đó có các sản phẩm chế biến sâu (như các sản phẩm rượu làng Vân; dầu gấc tinh khiết, giò lụa nấm…), đây cũng là các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng không chỉ của huyện mà còn của cả tỉnh Bắc Giang.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm, anh Ngô Đình Toàn, cán bộ kỹ thuật cho hay: Nuôi trồng nấm chất lượng cao, nấm hữu cơ đòi hỏi sự tỷ mỉ, kinh nghiệm và kỹ thuật rất cao. Vì vậy, ngoài việc không cho phụ gia vào nấm, hàng ngày tôi phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát sao các lò nấm để làm sao tạo ra môi trường tốt cho nấm phát triển.

"Kinh nghiệm tạo ra những sản phẩm nấm cao cấp thì trước tiên phải chọn giống nấm tốt, đóng bịch không quá cao, khối lượng phải đảm bảo. Nấm khó tính bởi đây là dòng ôn đới, môi trường của Việt Nam không thích hợp để nấm phát triển khỏe mạnh tự nhiên, vì vậy cần phải căn chỉnh độ ẩm cho phù hợp, đảm bảo lượng oxy, nhiệt độ, ánh sáng… và phải có kinh nghiệm phán đoán xem nấm cần gì để bổ sung", anh Toàn cho biết thêm.

Bắc Giang: Đẩy mạnh chế biến chuyên sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Công nhân Công ty Toàn Cương thu hoạch nấm.

Không chỉ tạo ra những sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao, mô hình sản xuất nấm của Công ty Toàn Cương còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động tại chỗ với mức lương trung bình từ 6 triệu trở lên, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nói về dự định trong thời gian tới, chị Trang cho biết: Để mở rộng sản xuất, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, công ty tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm để tăng thêm số lượng sản phẩm đạt chất lượng OCOP và tham gia đánh giá lại sản phẩm đã hết thời hạn chứng nhận OCOP. Cùng với đó, chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục để mở rộng mặt bằng sản xuất, chuẩn hoá hệ thống nhà xưởng, đóng gói bao bì đối với tất cả các sản phẩm của đơn vị.

Ông Đỗ Văn Huy, Trưởng phòng KTHT và NNNT, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm nên mô hình trồng nấm của Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Toàn Cương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, thay đổi tư duy làm ăn cho người dân địa phương. Cùng với đó, với sự độc đáo, tiềm năng của các sản phẩm nấm, tỉnh Bắc Giang đã và đang hướng dẫn, hỗ trợ Công ty phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem