Chuyển động Nhà nông 11/4: Công bố 74 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động

THDV Thứ hai, ngày 11/04/2022 13:41 PM (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố danh sách 74 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 11/4.

Công bố 74 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố danh sách 74 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động bắt đầu từ đầu tháng 4/2022 đến ngày 31/3/2023. Theo đó địa phương nhiều khu neo đậu tránh bão cho tàu cá nhất là TP Hải Phòng với 6 khu. Tiếp đến là Nghệ An với 5 khu. Có 4 địa phương có 4 khu neo đậu gồm: Thanh Hóa ; Quảng Nam; Khánh Hòa và Bình Thuận. 10 địa phương có 3 khu neo đậu gồm: Nam Định ; Quảng Bình; Phú Yên; Ninh Thuận; Bà Rịa Vũng Tàu; Quãng Ngãi; Bình Định; Thái Bình; Quảng Trị; Cà Mau. 5 địa phương có 2 khu neo đậu gồm Quảng Ninh; Bến Tre; Kiên Giang. Các tỉnh còn lại mỗi địa phương có 1 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động năm 2022, gồm Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng, Ninh Bình, TP.HCM, Tiền Giang, Sóc Trăng; Bạc Liêu. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu, trước ngày 1/2/2023, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiến hành rà soát, thống kê báo cáo Bộ Danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động để Bộ công bố trên phạm vi cả nước theo quy định.

Sầu riêng chính vụ sụt giá

Hiện tại, vườn sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang bước vào thu hoạch rộ. Đối với giống Ri 6 nhà vườn bán được 40 nghìn đồng/kg, các loại giống khác tăng hơn 10%. So với tháng trước trái sầu riêng giảm hơn 15 nghìn đồng/kg, tuy nhiên nhà vườn vẫn có lãi từ 10-15 nghìn đồng/kg. Giá sầu riêng giảm mạnh do vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng có tăng; trong khi đó thị trường xuất khẩu tiêu thụ chậm. Tỉnh Tiền Giang có hơn 10.000 ha vườn cây sầu riêng chuyên canh, trồng tập trung nhiều ở các huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, Châu Thành và Cái Bè. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn từ các năm trước nên hiện tại có khoảng 30% vườn cây sầu riêng có trái cho thu hoạch.

Hà Giang áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Hà Giang hiện có khoảng 201.000ha đất nông nghiệp, với nhiều lợi thế đặc biệt về phát triển nông nghiệp thông minh, trong đó có 5 sản phẩm mang tính đặc hữu trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Đây chính là điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. So với trước, việc ứng dụng công nghệ thông minh đã giúp cho cây sinh trưởng tốt hơn, giải phóng được sức người và tăng thêm thu nhập. Nông nghiệp Hà Giang hiện đang đóng góp hơn 31% GDP toàn tỉnh. Những năm qua, với nhiều nỗ lực Hà Giang đã có 193 sản phẩm được phân hạng và công nhận chứng chỉ OCOP. Năm ngoái, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ được 12 doanh nghiệp, HTX in và sử dụng 4,5 triệu tem thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nông nghiệp thông minh góp phần nâng cao được thu nhập cho người dân, giúp thêm nhiều xã đạt được chuẩn xây dựng nông thôn mới. Từng bước phát triển nông nghiệp thông minh sẽ giúp cho Hà Giang xây dựng thành công nông thôn mới thông minh, nông dân hiện đại.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch tăng kim ngạch bền vững

Tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn thời gian qua cho thấy, hình thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang ngày càng trở nên bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi dịch bệnh bùng phát cũng như khi đối tác Trung Quốc tăng cường các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần có lộ trình để giải quyết những vướng mắc trong xuất khẩu nông sản với sự tham gia của nhiều bên, từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, thương lái và cả nông dân, bởi xuất khẩu nông sản không thể cứ làm theo kiểu "đường mòn lối mở". Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường, mở rộng danh sách nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; Các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, xử lý nghiêm các vi phạm trong khâu đóng gói... bảo đảm nông sản hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và mở rộng ra những thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem