Chuyển động Nhà nông 29/6
Vải thiều vận chuyển máy bay, giá cao vẫn hút khách
Vốn là đặc sản nổi tiếng miền Bắc, vải thiều ngày càng được ưa chuộng tại miền Nam. Năm nay, loại vải thiều vận chuyển bằng đường hàng không tăng giá 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải lý do giá vải loại này cao, các thương nhân cho biết, mỗi kg đi bằng đường hàng không có chi phí từ 18.000-20.000 đồng. Chưa kể giá gốc hàng loại một canh tác theo hướng hữu cơ nên có giá cao hơn hàng thông thường 15.000-20.000 đồng/kg. Ngoài ra, chi phí đóng thùng, vận chuyển từ sân bay về tới nơi phân phối cũng tăng cao… Dẫn đến giá vải vận chuyển bằng đường hàng không cũng tăng cao. Báo cáo của chợ Đầu mối Hóc Môn cho thấy, mỗi đêm lượng vải về chợ dao động quanh mốc 40-80 tấn một đêm, giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có giá đắt gấp 2,5-4 lần hàng thường, vải thiều vận chuyển đường hàng không vẫn được khách chuộng vì giữ được độ tươi và vị ngọt đậm. Tại các hệ thống siêu thị ở TP HCM và miền Tây vải thiều đang được bán với giá 39.000-40.000 đồng/kg.
Tuần lễ hàng và ẩm thực Việt Nam tại Anh
Chương trình Tuần lễ hàng và ẩm thực Việt Nam tại Anh năm 2022 do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh (VBUK) và một số doanh nghiệp tổ chức, sẽ diễn ra từ nay đến hết 3/7, tại siêu thị Longdan ở thị trấn Crawley, cách London khoảng 45km. Các sản phẩm được giới thiệu gồm: Đồ gỗ mỹ nghệ, cà phê, trái cây tươi, trái cây sấy dẻo, nước hoa quả, bún, phở, miến khô, bánh đa nem, hạt điều, gạo thơm... của các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam. Ngoài trưng bày tại siêu thị Longdan, hàng hóa Việt Nam còn được giới thiệu tại chợ Việt ở thành phố Nottingham. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng Anh, đồng thời kỳ vọng sẽ giúp các sản phẩm Việt Nam chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và nhà phân phối sở tại, gia tăng thị phần và giá trị xuất khẩu tại Anh trong thời gian tới.
Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tăng gần gấp đôi bất chấp chính sách Zero Covid
Covid-19 bùng phát mạnh và thái độ kiên định với chính sách Zero Covid của chính quyền Trung Quốc khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc khi nhiều cảng nhập khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, vì nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc đang gia tăng, thu hút doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang đây bất chấp những thách thức trên. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tới hết tháng 5 đạt 771 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hai sản phẩm chiếm tỷ trọng chi phối là cá tra (48%) và tôm (35%).
Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm đạt 27,88 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD (tăng 8,8%), lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD (tăng 3%), thủy sản đạt 5,8 tỷ USD (tăng 40,8%), chăn nuôi đạt 176 triệu USD (giảm 15,9%), đầu vào phục vụ sản xuất đạt 1,42 tỷ USD (tăng 64,8%). Đáng chú ý, việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã giúp Việt Nam có đến 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó, nhóm mặt hàng cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.