Chuyên gia cảnh báo thời điểm NATO có thể sụp đổ vì Ukraine

Hạ Anh (Theo Sputnik, RT) Chủ nhật, ngày 03/09/2023 15:36 PM (GMT+7)
NATO có thể tan rã vào năm 2025 do xung đột ở Ukraine và khả năng Mỹ nối lại quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tờ The Atlantic viết.
Bình luận 0
Chuyên gia cảnh báo thời điểm NATO có thể sụp đổ vì Ukraine - Ảnh 1.

Theo Phillips Payson O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland: "Chất xúc tác ngay lập tức cho sự sụp đổ sẽ là cuộc chiến ở Ukraine. Điều này sẽ dẫn đến sự chia rẽ trong liên minh Bắc Đại Tây Dương và các quốc gia châu Âu chưa sẵn sàng cho diễn biến sự kiện như vậy".

Giáo sư Phillips Payson O'Brien lưu ý lợi ích của châu Âu trong lĩnh vực an ninh và các ưu tiên của Đảng Cộng hòa Mỹ rất khác nhau. Vì vậy, châu Âu cần chuẩn bị cho một chính sách độc lập nếu Donald Trump lên nắm quyền.

"Điều này sẽ khiến Mỹ trở thành đồng minh kém tin cậy hơn đối với châu Âu và họ phải sẵn sàng cho bước ngoặt như vậy. Nếu Washington ngừng tài trợ cho Ukraine, thì châu Âu sẽ không thể bù đắp cho khoản viện trợ bị mất", ông Phillips Payson O'Brien nhận định.

Theo ông, đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu phải lên kế hoạch cho tình huống Nhà Trắng bỏ rơi NATO và tìm cách nối lại quan hệ với Putin.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng phụ trách văn phòng thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết chỉ có thể đạt được hòa bình lâu dài sau cuộc xung đột Ukraine nếu Nga nhận được sự đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Phát biểu tại một sự kiện dành cho sinh viên hôm 2/9, Gulyas tuyên bố rằng Kiev không có cơ hội thực tế để giành lại các vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố là của mình từ Nga. Ông nói thêm rằng "cũng rõ ràng là Nga không gây ra mối đe dọa đối với Trung Âu" bởi Moscow chưa thể giành được chiến thắng nhanh chóng và vang dội trong cuộc xung đột.

Theo Gulyas, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Mỹ. Ông nói thêm rằng những người phương Tây ủng hộ Kiev "phải đảm bảo an ninh cho Nga, nhưng chắc chắn không phải là tư cách thành viên NATO của Ukraine", đồng thời nói thêm rằng về lâu dài, hòa bình giữa Moscow và Kiev có thể được duy trì thông qua việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói với cựu người dẫn chương trình Fox News Tucker Carlson vào tháng trước rằng "nếu không lôi kéo người Nga vào cấu trúc an ninh của châu Âu, chúng tôi không thể mang lại cuộc sống an toàn cho công dân của mình". 

Hungary không phải là quốc gia phương Tây duy nhất kêu gọi tính đến lợi ích của Nga. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi phương Tây suy nghĩ về cách đảm bảo an ninh không chỉ cho Ukraine mà còn cho Nga, đồng thời cho rằng NATO phải giải quyết những lo ngại của Moscow về việc khối quân sự do Mỹ đứng đầu "đến ngay trước cửa và triển khai vũ khí có thể đe dọa Nga".

Cuộc tranh luận về bảo đảm an ninh cho Nga đã nóng lên trước khi bắt đầu xung đột Ukraine khi vào tháng 12/2021, Moscow đưa ra danh sách yêu cầu với Mỹ và NATO, yêu cầu phương Tây áp đặt lệnh cấm Ukraine gia nhập khối quân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng liên minh sẽ rút lui về biên giới của mình kể từ năm 1997 trước khi mở rộng. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị phương Tây bác bỏ.

Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nói rằng tính trung lập của Ukraine là vấn đề "có tầm quan trọng cơ bản" đối với Nga, đồng thời cho rằng việc Kiev thúc đẩy gia nhập NATO là một trong những nguyên nhân chính đằng sau hoạt động quân sự ở nước láng giềng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem