Chuyên gia: Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều còn sơ sài, đối phó (?)

Hà My Thứ ba, ngày 17/11/2020 13:37 PM (GMT+7)
ThS Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài (THPT Bình Hưng Hoà, Quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng tài liệu điều chỉnh SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều còn sơ sài, đối phó.
Bình luận 0

Ngữ liệu bổ sung SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều còn sơ sài

Tài liệu điều chỉnh nội dung môn Tiếng Việt 1 được đăng tải trên trang điện tử của bộ sách Cánh Diều. Nội dung gồm 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị đánh giá là không phù hợp để thầy cô có thể sử dụng thay thế cùng nhiều điều chỉnh liên quan tới từ ngữ trong các bài học.

Ngay sau khi tài liệu được công bố, có ý kiến cho rằng NXB và nhóm tác giả đã có phản ứng tích cực, nhanh nhạy trong việc lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Bộ GDĐT để đưa ra phương án chỉnh sửa kịp thời trong bối cảnh thời gian có hạn, học sinh lớp 1 đã bắt đầu học tới những bài học được cho là "có vấn đề". Bên cạnh đó, cũng có không ít chuyên ra cho rằng nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều còn sơ sài, mang tính chữa cháy.

Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều: Còn sơ sài, đối phó? - Ảnh 1.

Bài tập đọc "Bờ Hồ" trong Tài liệu điều chỉnh nội dung môn Tiếng Việt 1 Cánh Diều.

Cô giáo Đ.T.H, giáo viên trường tiểu học K.Đ (Hà Nội) cho biết có lẽ vì thời gian có hạn nên nhóm tác giả và NXB chưa thể có những nghiên cứu sâu về mặt ngữ liệu phục vụ cho việc dạy và học. "Ví dụ như bài "Bờ Hồ" được thay cho bài "Ve và gà (1)" có câu "Bố mẹ cho Giáp và bé Lam đi phố", cụm từ "đi phố"  cũng rất khó hiểu và không thông dụng. Nếu thêm thành "đi chơi phố" thì có nghĩa hơn. Đồng ý giáo viên có thể thoát sách để giảng dạy, nhưng việc sử dụng các cụm từ ít dùng trong đời sống hàng ngày khiến cho bài đọc trúc trắc, khó hiểu hơn, đặc biệt là khi học sinh tự học", cô giáo này nói.

Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều: Còn sơ sài, đối phó? - Ảnh 2.

Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều: Còn sơ sài, đối phó? - Ảnh 3.

"Gà nhép" và "Gà con" trong 2 bài đọc khác nhau trong tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều.

Hiệu trưởng một trường TH tại Hà Nội cũng chỉ ra điểm thiếu thống nhất trong tài Tài liệu điều chỉnh nội dung môn Tiếng Việt 1 Cánh Diều. Cụ thể, trong bài đọc "Mẹ thật là ấm" thay thế cho bài "Hai con ngựa (1)" sử dụng từ "gà con", nhưng trong phần thay đổi từ ngữ vẫn thay cụm “Có kẻ đã cuỗm gà nhép” bằng “Có kẻ đã tha gà nhép đi”, tức là không thống nhất trong việc sử dụng từ "gà nhép" hay "gà con". Hay ngữ liệu trong bài "Bạn của Hà" cũng khá khiên cưỡng khi "chiếc gương" nhắc Hà ăn mặc gọn gàng ở nhà, còn bút viết lại giúp Hà viết đẹp, trong khi viết đẹp hay không là do người viết", hiệu trưởng này chia sẻ.

Chỉnh sửa theo kiểu đối phó, chữa cháy

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ThS Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài (THPT Bình Hưng Hoà, Quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng, tài liệu công bố chỉ có tính đối phó, chữa cháy để xoa dịu dư luận. "Căn cứ vào tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều của nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh có thể thấy sự chắp vá trong việc sử dụng ngữ liệu". Ví dụ, từ “lá hẹ” trong văn bản “Chăm bà” (trang 3) rất xa lạ với học sinh lớp 1. Thay dưa đỏ bằng quả dưa (trang 58) là chưa đúng với hình minh họa, phải nói là dưa hấu mới đúng, vì loại dưa này có ruột đỏ. 

Chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều: Còn sơ sài, đối phó? - Ảnh 4.

ThS Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài

Bên cạnh đó, ThS Phan Thế Hoài cũng chỉ ra việc sử dụng ngữ liệu chưa hợp logic. Trong văn bản: Hổ nhờ thỏ bê đồ. Thỏ lỡ xô đổ ghế. Hổ la “Thỏ phá nhà ta à?”. Thỏ sợ quá: “Tớ lỡ tí ti mà”. Hổ khà khà: “À, tớ nhờ thỏ kia mà. Bỏ qua!”.

Thỏ có hành động xô đổ ghế, thì “xô” là một hành động cố ý, sao thỏ có thể ngụy biện “Tớ lỡ tí ti mà”?. Kì lạ hơn nữa, loài hiểm ác như hổ mà vẫn tin “Hổ khà khà: “À, tớ nhờ thỏ kia mà. Bỏ qua!””.

ThS này cũng khẳng định tất cả các văn bản được thay thiếu chất văn, chưa suôn sẻ, thậm chí lặp ý và không biết tác giả là ai. Ví dụ văn bản “Hồ sen” (trang 6), lặp ý: “Khắp hồ thơm ngát” và “... sân nhà Ngân thơm ngát”".


Chưa rõ cách sử dụng tài liệu chỉnh sửa

Bộ GDĐT khẳng định, tài liệu chỉnh sửa sau khi được Hội đồng thẩm định thông qua, sẽ được in ấn và phát miễn phí cho giáo viên, học sinh sử dụng sách Cánh Diều. Tuy nhiên hiện tại, nhiều giáo viên vẫn băn khoăn rằng NXB và nhóm tác giả chỉ công bố các ngữ liệu "bổ sung", vậy khi giảng dạy giáo viên sẽ vẫn chọn lựa 1 trong 2 ngữ liệu để giảng dạy hay hoàn toàn thay thế toàn bộ ngữ liệu cũ bằng ngữ liệu mới trong sách?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem