GS.TS Nguyễn Gia Bình phân tích, trong môi trường đóng kín dẫn đến tình trạng trẻ thiếu ô xy và tăng CO2. Khi trẻ thiếu ô xy, CO2 tăng dần mà không có thông gió sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể.
"Tuy nhiên, với thể tích xe Fordtransit, khả năng thiếu ô xy không lớn nên đây có thể không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc tử vong của cháu bé”, GS Bình cho hay.
Theo GS Bình, nguy cơ lớn nhất dẫn tới việc tử vong của cháu bé có thể do bị sốc nhiệt. Cụ thể, trong môi trường bị đóng kín, nhiệt độ trong xe ô tô tăng cao.
Cháu L. tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu
Mặt khác, trong trường hợp này, cháu bé ở trong xe một mình có thể gặp hoảng loạn về mặt tâm lý. Khi đó, việc tiêu thụ năng lượng của cháu bé còn nhiều hơn. Nguyên nhân khác nữa là nếu cháu bé chưa ăn sáng, dẫn tới đói lả đi và có thể hạ đường huyết cũng có thể gây tử vong.
“Trường hợp cháu bé tử vong do nhiều yếu tố phối hợp, nhưng nguyên nhân lớn có thể là do sốc nhiệt”, GS. Bình cho biết.
Qua trường hợp này, chuyên gia cảnh báo các phụ huynh:
- Ở gia đình, bật điều hòa trong phòng ngủ kín, không có thông gió là một sai lầm. Khi đó, thể tích CO2 trong phòng sẽ tăng lên, ôxy giảm đi dẫn tới ảnh hưởng giấc ngủ, gây mệt mỏi vào sáng sớm.
- Nhiều gia đình đi ô tô chặng đường dài cũng không chú ý lấy khí trời để thông khí. Vì thế, nếu các gia đình lưu thông bằng ô tô nên khoảng một giờ đồng hồ phải mở cửa kính để thay đổi không khí trong xe.
- Khi đỗ xe ô tô, mọi người nên đỗ dưới bóng râm. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên để con trong ô tô trong thời gian dù ngắn để tranh thủ mua đồ vì thực tế, ngồi trong ô tô có điều hòa làm mát không khí trong xe, nhưng ô xy trong xe sẽ giảm dần do đóng kín cửa, không tốt cho sức khỏe.
- Tuyệt đối không để trẻ ngủ trên xe một mình.
- Để chìa khóa xe ở nơi tầm với của trẻ khiến chúng tò mò, nghịch mở cửa xe chui vào trong xe khi người lớn không biết, sẽ gặp nguy hiểm….
Hướng dẫn cách xử trí sốc nhiệt tại chỗ
Cũng theo chuyên gia này, việc sơ cứu người bị sốc nhiệt tại chỗ rất quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục.
Do đó, mọi người cần sơ cứu bằng cách: Cởi bỏ quần áo, quạt mát, đắp khăn ướt, nếu có nước lạnh sẽ tốt hơn, cho nạn nhân uống nhiều nước
Nếu cứ để nguyên tình trạng đưa người bệnh đến viện sẽ rất nguy hiểm do mất thời gian di chuyển xa. Vì thế, ngay khi phát hiện bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt cần lập tức di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ.
Đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo. Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể đồng thời dùng quạt thồi vào để tăng cường hạ nhiệt.
Người bệnh cần được cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều.
Trong quá trình cấp cứu, xử trí tại chỗ hãy gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trên đường vận chuyển vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp để hạ thân nhiệt cho người bệnh, như bật điều hoà, mở của sổ xe. Tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể. Nếu có trên xe cứu thương có thể truyền dịch tĩnh mạch theo dõi sát nhiệt độ cơ thể.
Nắng nóng tiếp tục hành hành trên diện rộng. Bác sĩ cảnh báo, đột quỵ do sốc nhiệt có thể xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.