Chuyên gia hiến kế giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc

Trần Quang Thứ bảy, ngày 22/01/2022 07:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với bạn đọc tại Tọa đàm: “Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc” ngày 21/1, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược Quốc gia về xuất khẩu nông sản mới có thể giải quyết được căn cơ vấn đề ùn tắc nông sản, trái cây tại cửa khẩu.
Bình luận 0
Chuyên gia hiến kế giải quyết dứt điểm tình tạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 1.

Các chuyên gia hiến kế giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu tại Tọa đàm: “Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc” ngày 21/1. Ảnh: Phạm Hưng

Trong nguy có cơ

Trước một số thông tin cho rằng, tình trạng ùn tắc container tại các cửa khẩu trong thời gian vừa qua là do Trung Quốc áp Lệnh 248 và 249 (Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc), ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho rằng: Tôi xin khẳng định cho đến thời điểm này ùn tắc không phải là do Trung Quốc áp Lệnh 248 và 249. 

"Thực tế xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu liên quan đến sản phẩm trái cây, trong đó đa phần là trái cây tươi. Trong khi Lệnh 248, 249 không điều chỉnh thỏa thuận riêng. Vì vậy không có căn cứ nào nói nguyên nhân do 2 Lệnh trên", ông Nam nói.

Theo ông Nam, khi triển khai đáp ứng quy định Lệnh 248, 249, từ tháng 8/2020 Trung Quốc đã lấy ý kiến các thành viên WTO, các thành viên có quyền góp ý cho quốc gia dự thảo văn bản đó để xem xét cho phù hợp. 

Đến tháng 4/2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248, 249. Và bắt đầu từ cuối tháng 4/2021, 2 Lệnh 248, 249 bắt đầu có hiệu lực. Ngay sau đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã có thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp, địa phương để nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của 2 Lệnh này.

Cuối tháng 9/2021, Trung Quốc tiếp tục thông báo bắt buộc đăng ký thông qua cơ quan có thẩm quyền, sử dụng giải pháp “đồng quản trị quốc tế”. Riêng với nông sản của Việt Nam, Hải quan Trung Quốc cũng ưu tiên chỉ nộp hồ sơ gồm 3 loại giấy tờ thông qua cơ quan có thẩm quyền. Thực tế có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ.

Ông Ngô Xuân Nam thông tin, hiện, còn 1 số mặt hàng trái cây của Việt Nam chưa ký được Nghị định thư về kiểm dịch với Tổng cục Hải Quan Trung Quốc. Về cơ bản 2 Quốc gia đã hoàn thành xong các thủ tục để ký Nghị định, nhưng do dịch Covid-19 chưa ký được.

img

Ông Ngô Xuân Nam chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh:Phạm Hưng

Hiện, Bộ NNPTNT đang tiếp tục đàm phán về 3 nông sản, đó là khoai lang, sầu riêng, ớt. Tôi hi vọng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt để 2 bên thống nhất để ký được Nghị định thư.

"Cho đến thời điểm này, Bộ NNPTNT chỉ đạo và trực tiếp là Văn phòng SPS Việt Nam đã ban hành 15 văn bản và thường xuyên liên lạc chặt chẽ với phía Hải Quan Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã được cấp 1448 mã sản phẩm, cỡ trên 1.200 doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ cùng với các Bộ, ngành tiếp tục nỗ lực để Trung Quốc cấp thêm mã sản phẩm.

Hiện, toàn bộ danh sách được cập thường xuyên, đồng thời Trung Quốc sẽ gửi danh sách các mã sản phẩm về Văn phòng SPS Việt Nam, sau đó Văn phòng SPS gửi về cơ quan có thẩm quyền, tiếp đó gửi về các doanh nghiệp", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định.

Cũng theo ông Nam, trong nguy có cơ, trong khó khăn “vướng” vào ùn tắc, xuất khẩu nông sản với Trung Quốc, đặc biệt mặt hàng thanh long, chúng ta đã xúc tiến để xuất khẩu thanh long sang các thị trường EU, Ấn Độ. 

Nhưng theo Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chúng ta vẫn chỉ giải quyết theo sự vụ. Mặc dù chúng ta đã có các đề án theo lĩnh vực nhưng chúng ta thiếu chiến lược Quốc gia để huy động nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản.

 "Tôi cho rằng nếu xây dựng sớm thì sẽ không có câu chuyện ùn ứ xảy ra như vừa qua", ông Nam khẳng định và cho biết, như vừa rồi chúng ta mở rộng thị trường, nhưng tôi cho rằng nó chỉ là bài toán tình thế. 

Như chúng ta biết thanh long không bảo quản được lâu, trong khi bảo quản của chúng ta cũng hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù mở rộng thị trường nhưng cũng phải xem xét về vùng địa lý. Và 1 vấn đề nữa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản phải có mối liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, làm sao phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành với doanh nghiệp, tạo thành chuỗi.

Chuyên gia hiến kế giải quyết dứt điểm tình tạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 4.

Theo các chuyên gia, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trong thời gian vừa qua không phải mới nhưng lại là đợt ứ tồn container lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Hàng nghìn container ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Việt Niệm

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến

Để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc tại các cửa khẩu, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu phải đẩy mạnh chế biến và tránh xuất khẩu các sản phẩm thô, sản phẩm thời vụ.

Những chính sách về hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến, đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Nhà nước ban hành khá đầy đủ. Thời gian 3 – 4 năm qua, nhiều nhà máy lớn đã được xây dựng ở các tỉnh như Sơn La, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,… đảm bảo nhu cầu chế biến nông sản.

Tuy nhiên theo ông Tiến, vấn đề lớn nhất là làm thế nào đảm bảo liên kết vùng trồng và nhà máy. Đảm bảo số lượng và chất lượng nguyên liệu vào nhà máy. Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng họ sẵn sàng xây dựng nhà máy, thậm chí quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thêm vấn đề nữa là làm sao tạo ra vùng trồng liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm. Từ đó, tạo ra mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. "Theo tôi, đây mới là vấn đề lớn nhất chúng ta cần giải quyết",Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương nói.

Chuyên gia hiến kế giải quyết dứt điểm tình tạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh 5.

Công nhân phân loại chanh dây tại Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Ông Tiến cho biết thêm, trong giai đoạn tới, để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững chúng ta cần tiếp tục phát triển kinh tế tập trung, hợp tác xã. Qua đó, kết nối các hộ nông dân trong tổ chức sản xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sản xuất theo hướng đặt hàng của hiệp định, hợp đồng đã ký kết. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tổ chức họp tổng kết về Nghị quyết 13 phát triển kinh tế tập thể. Ban Kinh tế Trung ương cũng đã họp tổng kết về Nghị quyết 26.

Trong thời gian tới, hy vọng chúng ta sẽ xây dựng được vùng trồng tương tự thành công của các địa phương như Sơn La, Lâm Đồng,… Cùng với đó, áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số sẽ là động lực lớn cho sự thay đổi.

Sản xuất, chế biến, thương mại là 3 khâu cơ bản trong tổ chức của ngành nông nghiệp. Công nghiệp chế biến trong 2, 3 năm nay đã được chú trọng, phát triển rất nhanh. Điển hình như một số doanh nghiệp như TH True Milk, CTCP Đồng Giao,… Đây là một trong những bước đột phá trong sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt hơn, hạn chế số lượng nông sản tươi xuất khẩu.

Đồng ý với quan điểm của ông Tiến, ông Ngô Xuân Nam hiến kế thêm 2 giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu. 

Thứ nhất, chúng ta cần xây dựng chiến lược quốc gia về xuất khẩu nông sản. Trong đó, quy định tổ chức thực hiện, rồi các cơ quan tham gia vào đó, dự trên cơ sở khoa học, thực tiễn từ đó có những giải pháp bài bản hơn.

Thứ hai, đối với vấn đề ùn tác nông sản trong nhiều năm gần đây, tôi cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của khoa học công nghệ, và công tác dự báo. 

"Tôi nghĩ rằng cần xem xét chương trình khoa học công nghệ đối với vấn đề này. Xuất khẩu nông sản của chúng ta trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng nhanh, Bộ Khoa học và công nghệ nên đề xuất Chính phủ xây dựng 1 chương trình về khoa học công nghệ đối với xuất khẩu nông sản. 

Bên cạnh đó, câu chuyện về con giống, đầu vào, quá trình canh tác, nuôi trồng, nguồn nước, đất, vấn đề quy hoạch đều liên quan đến khoa học công nghệ. Tiếp đó, đến quá trình chế biến, logistics", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam góp ý.

Các doanh nghiệp cần chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho hay: Yếu tố lớn nhất hiện nay với thị trường Trung Quốc phải thay đổi đó là không được nhìn nhận đây là thị trường dễ tính. Họ đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm từ 2015 ngang bằng với châu Âu. Qua đó, họ đảm bảo chiến lược của Trung Quốc là sự khỏe mạnh của nhân dân, tiêu chí quan trọng thịnh vượng và giàu có.

img

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Phạm Hưng

Do đó, chúng ta cần thay đổi từ khâu sản xuất tới đàm phán, thương mại. Trong quan hệ xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Theo đó, cần những doanh nghiệp tiên phong, đầu tàu đảm bảo các yêu cầu. Thậm chí phải xác định, có những sản phẩm phải mất tới 9 – 10 năm mới đàm phán được khi xuất khẩu Trung Quốc.

Trước mắt cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu. Qua đó, tăng đơn hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch theo mùa vụ.

Các vấn đề lâu dài cần hoàn thiện đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện chính sách, từ việc hợp tác, đàm phán với đối tác, cơ quan chức năng của Trung Quốc, phát triền hạ tầng thương mại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem