Chuyên gia kinh tế kiến nghị Ngân hàng cho cơ quan báo chí vay tín chấp để tháo gỡ khó khăn trước đại dịch

Nguyễn Hòa - Thành An Thứ bảy, ngày 18/09/2021 19:22 PM (GMT+7)
Chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến "Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19", TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế nhìn nhận, báo chí đang gặp khó và đề nghị cơ quan chức năng có cơ chế tháo gỡ.
Bình luận 0

Báo chí góp phần quan trọng trong truyền thông phòng, chống Covid-19

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng – Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến "Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19".

Chia sẻ quan điểm tại buổi tòa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, 3 thành phần trong tuyến đầu chống dịch, đó là y, bác sĩ, nhân viên y tế; công an, quân đội; các nhà báo trong thời gian qua đã tham gia rất tích cực vào việc phòng, chống dịch Covid-19 và đã có cả những mất mát, hi sinh trong các lực lượng này.

"Báo chí đã trở thành 1 bộ phận rất quan trọng trong chiến tuyến chống dịch", TS Hiếu nhìn nhận.

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, báo chí hiện nay đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

"Tôi thấy ở Mỹ, có 60% người Mỹ có tiêm chủng đầy đủ, mặc dù họ dư thừa vaccine, nhưng 40% người dân có thông tin sai lệch về tiêm chủng, dẫn đến hiểu sai, không chịu tiêm chủng.

Nhưng với Việt Nam, có sự tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, báo chí, người dân nào mà được tiêm vaccine phòng Covid-19 là họ đi ngay, không có đủ thuốc mà tiêm. Nếu đủ vaccine có lẽ tất cả người dân có đủ điều kiện đều đi tiêm hết", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế kiến nghị Ngân hàng cho cơ quan báo chí vay tín chấp - Ảnh 1.

TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế để hỗ trợ các cơ quan báo chí, các nhà báo trước các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. (Ảnh chụp màn hình)

Dưới góc độ kinh tế, vị chuyên gia này đề nghị báo chí có những thông tin cập nhật, trung thực về tình hình dịch bệnh, về những tác động đến người dân, doanh nghiệp bởi những thông tin chính xác sẽ tác động đến hành vi hợp lý của người dân, doanh nghiệp.

"Những diễn biến Covid-19 hiện nay, theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi nghĩ người dân hoặc doanh nghiệp có thể chưa có những thông tin chính xác về dịch, chính vì thế không ít trường hợp lơ là, không tuân thủ 5K", ông Hiếu nói.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông Hiếu cũng chia sẻ việc báo chí đang gặp phải những khó khăn, đặc biệt liên quan đến kinh tế báo chí. Tuy nhiên, theo ông Hiếu càng những lúc như thế này, càng thấy báo chí phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, truyền tải thông tin, góp phần không nhỏ vào việc phòng, chống dịch Covid-19.

Theo TS Hiếu, tình hình kinh tế báo chí sa sút, báo giấy cũng phát hành ít hơn, nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm sút trước tác động của đại dịch.

"Doanh nghiệp gặp khó khăn, quảng cáo ít đi, doanh thu của báo chí từ quảng cáo đi xuống. Trong khi báo chí phải dấn thân, nỗ lực để góp phần tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là sự tương phản, cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn nhưng thu nhập lại giảm, nhất là các phóng viên, cộng tác viên tự do, họ sống bằng tiền nhuận bút thì lúc này rất lao đao" – ông Hiếu chia sẻ.

Cần có cơ chế phù hợp với các cơ quan báo chí trước đại dịch

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù ngân sách nhà nước hiện cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính cần có một khoản để hỗ trợ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực báo chí để ít nhất các đơn vị duy trì được "sự sống".

Chuyên gia kinh tế kiến nghị Ngân hàng cho cơ quan báo chí vay tín chấp - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đồng tình, đánh giá cao quan điểm của TS Nguyễn Trí Hiếu về việc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí. (Ảnh chụp màn hình)

"Bởi nếu không duy trì được cuộc sống, lực lượng báo chí sẽ suy yếu thì đây là thiệt hại cho cả đất nước tại thời điểm này và trong tương lai", TS Hiếu nói.

"Tôi đề nghị Bộ Tài chính nên kết hợp với Ngân hàng Nhà nước hoặc kết hợp với Hiệp hội ngân hàng để có một chương trình tín dụng đặc biệt cho các cơ quan báo chí.

Có thể cho các cơ quan báo chí vay với hình thức tín chấp, không cần tài sản đảm bảo, cho họ một thời gian vay đủ dài để có thể trả nợ với lãi suất thấp. Việc hỗ trợ như vậy sẽ giúp các cơ quan báo chí có thêm nguồn kinh phí để duy trì được cuộc sống, có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ trong lúc này", TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Trí Hiếu, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, ý kiến của vị chuyên gia kinh tế rất quan trọng.

Ông Lợi cũng ủng hộ đề xuất việc Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần có một chương trình tín dụng cần thiết cho các cơ quan báo chí được vay để phục vụ hoạt động của mình trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem