Chuyên gia lên tiếng về hướng dẫn "phối hợp thí điểm thử ma túy" gây sốc của Bộ GD-ĐT

Tào Nga Thứ sáu, ngày 28/05/2021 08:56 AM (GMT+7)
Xoay quanh văn bản gây tranh cãi của Bộ GD-ĐT về việc "phối hợp thí điểm thử ma túy cho học sinh, sinh viên", chuyên gia đã đưa ý kiến.
Bình luận 0

Ngày 10/5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh ký ban hành kế hoạch số 455/KH-BGDĐT "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021" gây xôn xao. 

Theo đó, kế hoạch 455 bao gồm 9 nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ khiến cho giáo viên, phụ huynh và học sinh nhiều trường bất ngờ vì đề cập đến việc "thử ma túy cho học sinh, sinh viên" và "dự phòng nghiện ma túy". 

Ngay sau khi công văn được phản ánh có sự sai sót, gây hiểu lầm, Bộ GD-ĐT tiếp tục có văn bản số 2043/BGDĐT-GDCTHSSV do Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh ký ngày 19/5. Văn bản này có nội dung hướng dẫn làm rõ hơn nội hàm về một số nhiệm vụ trong kế hoạch 455. Tuy nhiên, văn bản này được nhiều người đánh giá nội dung lý giải chưa thuyết phục. Bên cạnh đó, nếu Bộ GD-ĐT có văn bản sai thì phải thu hồi chứ không nên làm văn bản khác hướng dẫn thực hiện nội dung văn bản cũ.

Anh Bùi Ngọc Phúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Văn bản của một Bộ phải được thể hiện một cách chuẩn chỉ, không thể có tình trạng mỗi người hiểu theo một ý. Rõ ràng văn bản này cần thu hồi, thay vì ra một văn bản khác để giải thích".

Theo anh Phúc, theo qui định của pháp luật, trẻ em tuổi vị thành niên nếu tự nhiên đưa các con ra thử ma túy mà không có sự cho phép của cha mẹ người giám hộ, đó là việc làm sai luật. 

Bộ GD-ĐT ra văn bản gây "sốc" phối hợp thí điểm thử ma túy cho học sinh, sinh viên  - Ảnh 1.

Văn bản gây tranh cãi của Bộ GD-ĐT

Trao đổi với PV báo Dân Việt, một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho biết: "Công văn hướng dẫn triển khai nhưng lại rất ngắn gọn, hơi khác với các công văn hướng dẫn, triển khai khác của Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT. Do đó, dư luận có thể đặt câu hỏi về mức độ đầu tư của bộ phận phụ trách khi ra công văn này.

Cũng có thể đây là kế hoạch triển khai dựa trên một chương trình có sẵn và không cần bổ sung thêm nội dung hướng dẫn chi tiết, đối tượng chỉ tiếp nhận văn bản này mà không kèm chương trình công tác 2021 về Phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm. Vì thế, nhiều nội dung không rõ ràng, chưa kể câu chữ diễn đạt thiếu chuẩn xác càng khiến dư luận hoang mang".

Theo chuyên gia giáo dục này, các công văn chỉ đạo từ trước đến nay của Bộ, Sở, Phòng thường khá rõ ràng, cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, cũng có những tình huống sai sót hoặc diễn đạt kiểu "ai hiểu sao cũng được".

Việc xét nghiệm thử ma tuý, chuyên gia giáo dục cho rằng không sai dưới góc độ chủ trương. Tuy nhiên, cũng chưa rõ sẽ được thực hiện như thế nào, nguồn kinh phí và nhân lực dự kiến để thực hiện công việc này, kết quả xét nghiệm được thông báo đến học sinh, sinh viên và gia đình ra sao, biện pháp tiếp theo sau khi phát hiện là gì.

Liên quan đến việc soạn thảo văn bản gây hiểu lầm, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay: "Đây là do sơ suất của Bộ. Quy trình duyệt của công văn là chuyên viên làm đến lãnh đạo Vụ duyệt, từ đó lên lãnh đạo Bộ duyệt. 

Công văn sai sót hay gây hiểu lầm chứng tỏ do trình độ người soạn thảo thiếu kinh nghiệm, thiếu thực tế. Có công văn vừa phát hành đã bị phát hiện ra sai sót liền ra công văn phát sửa đổi vì vậy nếu công văn mang tính chỉ đạo, chủ trương thì Bộ càng phải cẩn trọng, rõ ràng hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem