Luật mới của Trung Quốc có thể gây nguy cơ xung đột trên Biển Đông
Chuyên gia: Luật mới của Trung Quốc có thể gây nguy cơ xung đột trên Biển Đông
Mỹ Hằng (thực hiện)
Thứ năm, ngày 02/09/2021 11:12 AM (GMT+7)
Ngày 1/9, Trung Quốc chính thức áp dụng Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, yêu cầu các tàu nước ngoài báo cáo thông tin chi tiết khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc gọi là "lãnh hải" của mình. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Đại học Luật TP.HCM, trao đổi với Dân Việt về những quan ngại liên quan đến luật này.
Thưa ông, tại sao luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc lại gây lo ngại?
- Trung Quốc có mục tiêu độc chiếm Biển Đông, trong quá khứ họ đã làm nhiều điều thực hiện mục tiêu đó, nhưng vì không có cơ sở pháp lý nên họ nghĩ ra những cách khác, trong đó có chiến thuật "vùng xám" với những ngôn ngữ và cách giải thích mập mờ. Chẳng hạn, nhiều nhà nghiên cứu và tôi đã phân tích về yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc chiếm 90% Biển Đông. Họ luôn sử dụng ngôn ngữ mập mờ nhằm từ đó đưa ra những giải thích cho các hành động của mình trên Biển Đông.
Thời gian qua Trung Quốc dùng chiến thuật vùng xám rất nhiều, chẳng hạn như các vụ đâm tàu, đe doạ… Năm 2011 Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh của Việt Nam, năm 2012 họ chiếm đảo Scaborough của Philippines, năm 2014 đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… tất cả bằng biện pháp vùng xám. Gần đây họ lại tiếp tục sử dụng biện pháp đó.
Họ không có cơ sở pháp luật cho các yêu sách chủ quyền của mình nên nghĩ ra trò đặt ra những luật nội địa Trung Quốc với nhiều cách giải thích mơ hồ. Chẳng hạn đầu năm nay họ cũng thông qua luật hải cảnh, trong đó nói rằng hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và có quyền nổ súng khi tàu nước ngoài vi phạm, nhưng cụ thể là vùng biển nào thì họ không giải thích. Dự thảo luật có giải thích nhưng luật chính thức bỏ đi phần đó.
Cách ban hành luật như vậy của Trung Quốc khiến người ta lo ngại và sự lo ngại đó là có lý, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nói bóng gió rằng Trung Quốc có chủ quyền, quyền tài phán trên toàn bộ vùng biển rộng lớn trên Biển Đông bao gồm cả vùng biển trong đường 9 đoạn. Điều đó thể hiện tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.
Tương tự, Luật An toàn giao thông hàng hải được Trung Quốc thông qua từ tháng 4, chính thức ngày 1/9 có hiệu lực. Điều quan trọng nhất trong luật này là điều 54, so sánh với dự thảo luật cũng không có điều này, trong đó yêu cầu chỉ một số loại tàu được đi vào "lãnh hải Trung Quốc", hạn chế nhiều tàu bè các quốc gia khác, cụ thể là yêu cầu các loại tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hoá chất và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe doạ với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc phải báo cáo khi đi qua "lãnh hải Trung Quốc".
Điều 117 có giải thích từ ngữ, nhưng không giải thích lãnh hải Trung Quốc là gì. Công ước Luật Biển UNCLOS 1982 quy định lãnh hải là vùng biển 12 hải lý từ đường cơ sở của quốc gia ven biển. Dù Trung Quốc là thành viên UNCLOS nhưng họ không công nhận các quy định của UNCLOS, mà muốn giải thích theo cách của Trung Quốc với yêu sách lưỡi bò chiếm 90% Biển Đông.
Tờ South China Morning Post đã phỏng vấn một chuyên gia Trung Quốc là Tống Trung Bình, ông này nói Luật An toàn giao thông hàng hải giúp khẳng định chủ quyền Trung Quốc, khẳng định lãnh hải trên cả trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, biển Senkaku.
Đó là hành động và mục đích của họ, sử dụng chiến thuật vùng xám, với cách giải thích mơ hồ để thực thi yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông và điều đó gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Ông có cho rằng việc yêu cầu cả tàu chở dầu phải khai báo là điều vô lý vì nó ảnh hưởng đến thương mại quốc tế?
- Chắc chắn là như vậy. Biển Đông được nhiều quốc gia quan tâm, không chỉ các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Malaysia mà cả các quốc gia bên ngoài khu vực, vì Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Luật An toàn giao thông hàng hải liên kết với các luật khác của Trung Quốc, bao gồm cả Luật Hải cảnh, gây ảnh hưởng đến an ninh, hoà bình và ổn định trong khu vực.
Đó là cách thức của Trung Quốc phục vụ cho các ý đồ của họ. Với tàu chở dầu, họ cho là độc hại và yêu cầu khai báo. Dầu mỏ rất quan trọng với nền kinh tế thế giới. Trong khi UNCLOS quy định tàu bè các nước có quyền"liên tục và nhanh chóng" khi qua lại vô hại, miễn không ảnh hưởng đến hoà bình trật tự, an ninh của quốc gia ven biển. Nhưng Trung Quốc giải thích mọi vấn đề theo cách của họ, chứ không phải theo cách của luật pháp và mọi người trên thế giới. Trung Quốc muốn cho thấy sự quan trọng, tác động ảnh hưởng của họ với thế giới.
Liệu có nguy cơ xung đột trên Biển Đông hay không khi Trung Quốc thực thi luật này?
- Luật An toàn giao thông hàng hải Trung Quốc có từ 2016, năm nay họ sửa đổi 14 điều. Nếu có nguy cơ xung đột là do Trung Quốc tìm cách đổ lỗi chứ các nước không có ý định xung đột với Trung Quốc. Học giả Trung Quốc đã phát biểu trên báo chí nước này ngày 29/8 rằng luật này để chống lại ảnh hưởng của Mỹ, đổ lỗi Mỹ gây chiến với Trung Quốc.
Luật quy định tàu lặn, tàu sử dụng năng lượng hạt nhân, tàu chở dầu, tàu chở chất phóng xạ, tàu chiến…. đi qua lãnh hải Trung Quốc phải báo cáo. Đây là các loại tàu Mỹ đang sử dụng nhiều. Mỹ có nhiều chuyến đi thực thi tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, Mỹ cho rằng theo luật quốc tế thì họ được quyền đi qua, trong khi cách giải thích của Trung Quốc lại cho là vi phạm "lãnh hải". Vì vậy khả năng đối đầu là có thể xảy ra. Điều đó phụ thuộc các bên kiềm chế như thế nào. Mỹ và Trung Quốc đều đã duy trì tập trận trên biển, không bên nào tỏ ra gây chiến trước nhưng đều thể hiện nếu bên kia gây chiến thì bên này tiếp chiến. Thời Tập Cận Bình Trung Quốc luôn thể hiện sức mạnh của mình. Vì vậy khả năng xung đột là rất lớn và nó tuỳ thuộc tình hình sắp tới.
Việt Nam và các nước cần làm gì khi Trung Quốc thực thi Luật An toàn giao thông hàng hải, thưa ông?
- Mọi quốc gia cần phải lên tiếng xung quanh luật này. Nhiều người cho rằng dù có lên tiếng thì Trung Quốc cũng không sợ, nhưng nhìn lại vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, khi công luận lên tiếng mạnh mẽ thì Trung Quốc phải rút giàn khoan đi. Nếu các quốc gia cùng lên tiếng họ sẽ phải e dè, khônng phải muốn làm gì thì làm. Nếu Trung Quốc xua đuổi, bắt giữ tàu của quốc gia khác mà họ giải thích là "vi phạm lãnh hải", thì quốc gia đó có thể đệ đơn lên toà quốc tế để xem xét tính chính danh, xác định chính xác xem bên nào vi phạm luật pháp quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.