Chuyên gia nhận định về đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội một lần

Theo Anh Thư/Lao Động Thứ năm, ngày 09/03/2023 09:51 AM (GMT+7)
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến bổ sung phương án quy định mới, chỉ giải quyết một phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm khi rút bảo hiểm một lần khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu.
Bình luận 0

img

Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần được nghiên cứu bổ sung các quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nêu rõ, người lao động yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Ra nước ngoài để định cư. 

Bên cạnh đó, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; Người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thuộc trường hợp quy định của Bộ Y tế nếu yêu cầu sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra hai phương án.

Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

 Cơ quan soạn thảo dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nêu quan điểm giới hạn chặt hơn việc rút bảo hiểm một lần.

Phương án 2 được đưa ra là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của việc gia tăng số người rút bảo hiểm xã hội một lần là họ gặp khó khăn về tài chính, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như trang trải cho gia đình, đầu tư cho con học, nợ nần, chi phí sinh hoạt sau mất việc làm…

Bên cạnh đó, quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí là quá dài, không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm cho người lao động của nền kinh tế. Đặc biệt, một nguyên nhân được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ra là điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quá dễ dàng.

Phương án 2 phù hợp thực tế hiện nay

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, mục tiêu của bảo hiểm xã hội là đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân, do đó, khi đã tham gia vào hệ thống thì không nên rút, trừ hai trường hợp đặc biệt.

 Theo ông Lợi, hiện nay, có tình trạng người lao động gặp khó khăn, dẫn đến việc họ muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trao đổi về hai phương án được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến, ông Lợi cho rằng, phương án thứ nhất cho rút như hiện nay sẽ rất nguy hiểm. Người lao động lấy ra dùng hôm nay nhưng sẽ không lo được cho mai sau.

"Việc rút ra một lần như bây giờ sẽ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, nhưng khi về già không có nguồn hưởng thụ. Quan trọng hơn, với người hưởng chế độ hưu trí ngoài lương hưu còn được cấp cả thẻ bảo hiểm y tế miễn phí”, ông Lợi nói.

 Với phương án hai chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội một lần, ông Lợi cho biết đề xuất này tốt cho hiện nay. Bởi, khó khăn hôm nay có thể là trước mắt còn lâu dài sẽ còn khó khăn nữa, vì thế việc đề xuất cho rút 50% còn giữ lại 50% là hợp lý.

Số 50% giữ lại này sẽ được bảo lưu, không mất đi và sẽ vẫn tăng lên khi mang đi đầu tư. Không may người lao động mất thì vẫn được hưởng mai táng phí, lấy lại tiền này hoặc lấy tuất thường cho bố mẹ hết tuổi lao động, con chưa đến tuổi lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem