Chuyên gia nói gì về thất bại phòng vé của "Huyền sử vua Đinh"?
Chuyên gia nói gì về thất bại phòng vé của phim "Huyền sử vua Đinh"?
Thứ tư, ngày 30/11/2022 09:10 AM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng bài toán doanh thu, hạn chế của đạo diễn và việc thiếu vắng những kịch bản tốt là nguyên nhân khiến nhiều bộ phim lịch sử thiếu vắng khán giả khi ra rạp.
Ngày 29/11, sau 10 ngày công chiếu, bộ phim Huyền sử vua Đinh chính thức rời khỏi rạp với doanh thu bết bát - 42 triệu đồng. Tác phẩm khai thác chủ đề lịch sử, kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Mức đầu tư hạn hẹp, đạo diễn non tay và kịch bản sơ sài khiến bộ phim trở thành thảm họa điện ảnh trong năm 2022.
Thất bại của Huyền sử vua Đinh phản ánh nhiều vấn đề nội tại của điện ảnh Việt. Những năm qua, dòng phim lịch sử dường như thụt lùi trước sự phát triển khá sôi động, đa dạng về chủ đề, thể loại ở Việt Nam. Trong một thập kỷ, bộ phim Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ (2012) là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi tạo được dấu ấn ở dòng phim lịch sử.
Nhiều bộ phim khai thác chủ đề lịch sử thường sa lầy vào những lỗi chung về khâu tạo hình, phục trang nhân vật, dàn dựng bối cảnh dẫn đến thất bại cả về chất lượng lẫn hiệu ứng phòng vé.
Phim lịch sử vắng bóng tại rạp
10 năm qua, số lượng phim lịch sử Việt đếm trên đầu ngón tay. Nổi bật nhất phải kể đến Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ. Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết võ hiệp Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn và dựa trên bối cảnh thời Hậu Lê. Thiên mệnh anh hùng xoay quanh vụ thảm án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, được đan xen giữa các nhân vật hư cấu và các nhân vật trong lịch sử.
Tác phẩm có doanh thu 16 tỷ đồng và giành nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước. Tuy nhiên, so với mức đầu tư 25 tỷ, phim vẫn lỗ gần 10 tỷ đồng. Hai phim Khát vọng Thăng Long và Long thành cầm giả ca được khen ngợi, nhưng không có khán giả.
Những năm qua, các bộ phim lịch sử thường sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước. Năm 2014, tác phẩm Sống cùng lịch sử do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, với mức đầu tư vài chục tỷ đồng hoàn toàn vắng bóng khán giả khi ra rạp. Cùng thời điểm, bộ phim Đam mê do Hãng Phim truyện 1 thực hiện cũng không bán được vé lúc phát hành.
Làm phim lịch sử, đòi hỏi về mức kinh phí, tay nghề của đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch gấp nhiều lần so với thực hiện một tác phẩm điện ảnh ở thể loại khác. Khó khăn lớn nhất đến từ khâu biên kịch. Để thực hiện một tác phẩm với thể loại kể trên, biên kịch phải khảo cứu kỹ lịch sử hoặc nguyên tác để tránh sai sót về nội dung.
Ngoài ra, những yếu tố khác như trang phục, đạo cụ, bối cảnh cho đến lời thoại, lối diễn của các nhân vật cũng phải phù hợp với thời đại, lịch sử.
Không ít tác phẩm đã “chết” khi chưa kịp phát hành do mắc vào những lỗi cơ bản kể trên. Năm 2010, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long do công ty cổ phần truyền thông Trường Thành sản xuất với chi phí đầu tư trên 100 tỷ đồng phải hoãn phát sóng vì bị chỉ trích gay gắt bởi bối cảnh, phục trang và hình tượng các nhân vật trong phim mang đậm màu sắc lịch sử Trung Quốc.
Tới nay, đã qua 12 năm "đắp chiếu", bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thuộc bản quyền phát sóng của VTV vẫn chưa có kế hoạch được lên sóng.
Gần nhất, Huyền sử vua Đinh của Anthony Võ cũng gặp tình trạng không có người xem khi ra rạp. Tác phẩm nhận nhiều nhận xét tiêu cực bởi kịch bản phim sơ sài, nhiều lỗ hổng. Phần hóa trang của các diễn viên quá giả, thiếu sự tự nhiên. Một số diễn viên quần chúng vào vai binh sĩ trong phim để tóc nhuộm, tạo kiểu theo hướng hiện đại không phù hợp với bối cảnh lịch sử.
Ngoài ra, trang phục và đạo cụ trong phim không được đầu tư nghiên cứu. Binh khí được thiết kế qua loa, sơ sài, khó mang lại cảm giác chân thực cho người xem. Bối cảnh phim và kỹ xảo cũng để lộ nhiều khuyết điểm. Đa số phân cảnh trong phim đặc biệt là cảnh chiến trận có sự trùng lặp, dẫn đến thiếu tính sáng tạo.
Sau 10 ngày công chiếu, phim rút khỏi rạp với doanh thu thấp kỷ lục - 42 triệu đồng.
Khán giả không quay lưng với phim lịch sử
Chia sẻ với Zing, đạo diễn, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết dòng phim lịch sử rất khó thực hiện. Ở thị trường Việt Nam, thể loại phim kể trên cũng kén khán giả. Mức đầu tư bỏ ra quá lớn trong khi doanh thu thấp khiến bài toán kinh tế đè nặng lên vai các nhà đầu tư phim lịch sử.
“Khi bắt tay xây dựng kịch bản phim lịch sử, đòi hỏi sự tường tận đến từng gốc gác và cần một đội ngũ đông, giỏi, am hiểu lịch sử. Nói chung, làm ra một bộ phim lịch sử chỉn chu rất khó, không chỉ khâu sản xuất. Để thành công cần một quá trình dài, cần nhiều người tâm huyết chung sức”, Ngô Thanh Vân nói.
Trước hành trình chông gai này, nhiều nhà làm phim trong nước đã chọn những con đường dễ dàng hơn để tiếp cận khán giả, chinh phục doanh thu phòng vé ở thể loại tâm lý, tình cảm, hài…
Dù phim đầu tay thất bại, đạo diễn của Huyền sử vua Đinh cũng nhìn nhận thực tế dòng phim lịch sử kén khán giả nên không nhiều đạo diễn Việt Nam mặn mà. Bản thân anh cũng lường trước được điều này nhưng vẫn quyết tâm thực hiện vì đam mê với lịch sử.
Sau Huyền sử vua Đinh, Anthony Võ sẽ cân nhắc để thực hiện một tác phẩm điện ảnh cùng thể loại. Tuy nhiên, anh sẽ kêu gọi nhà đầu tư, nâng mức đầu tư cho phim để nâng cao chất lượng tác phẩm.
Còn nhà báo Nguyễn Phong Việt cho biết dòng phim lịch sử Việt Nam phải đối mặt thế khó về kinh phí, đề tài, phim trường cho đến diễn viên. Với phim chính sử, việc thiếu quá nhiều nguồn tư liệu chính thống để đảm bảo tính đúng đắn của giai đoạn, thời cuộc mà bộ phim muốn hướng tới dễ tạo ra nhiều luồng tranh cãi.
Với thể loại phim dã sử cũng dễ bị giới hạn bởi nhiều yếu tố, không chỉ ở đề tài. Điện ảnh Việt đang thiếu vắng những biên kịch tài năng để tạo ra các kịch bản phim lịch sử tốt.
“Làm phim lịch sử không chỉ liên quan đến chuyện có bao nhiêu tiền là sản xuất được, hay có đam mê và nhiệt huyết là đủ. Chúng ta thiếu những phim trường ở quy mô lớn, thiếu những nguồn sử liệu rõ ràng để dựa vào mà không tạo ra tranh cãi cả về phục trang lẫn bối cảnh. Từ đó dẫn đến tình huống các phim làm ra có chất lượng không tương xứng, đồng thời lúc nào cũng tạo ra những tranh luận không đáng có về việc đúng - sai”, ông Việt chia sẻ.
Theo ông Việt, để làm được phim chính luận hay phim lịch sử tốt, với nguồn lực của điện ảnh Việt Nam vào lúc này là bài toán khó và chưa thể tìm ra lời giải thỏa đáng. Tuy nhiên, khán giả Việt không thờ ơ với phim lịch sử mà họ chỉ tẩy chay phim dở, phim thảm họa.
“Khi làm ra một bộ phim lịch sử và bị nhận xét thảm họa, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đạo diễn, nhà sản xuất. Nhìn sâu xa, hệ quả này còn thuộc về nền tảng của ngành công nghiệp làm phim trong nước. Thực hiện một tác phẩm lịch sử và khán giả xếp hàng mua vé tại rạp là ước mơ của nhiều người. Tuy nhiên, với thực tế của điện ảnh Việt hiện nay, viễn cảnh đó chắc phải hơn một thập kỷ nữa mới dám nghĩ đến”, ông Việt chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.