Trung tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) đánh giá như vậy khi trao đổi với Dân Việt ngay sau vụ vụ thảm sát dã man cả gia đình xảy ra ở Điện Biên.
Trung tá - TS Hà Thị Hồng Lan - chuyên gia nghiên cứu tội phạm học. (Ảnh: Người Đưa Tin)
Thời gian gần đây, năm nào cũng xảy ra vụ trọng án, đối tượng cùng lúc sát hại nhiều người, lại xảy ra ở địa bàn hẻo lánh nơi vẫn thường được coi là yên bình. Qua nghiên cứu tâm lý tội phạm, theo trung tá nguyên nhân từ đâu?
- Ngoài vụ thảm án mới xảy ra ở Điện Biên, 3 người trong gia đình bị sát hại, nghi phạm đã tự sát, thời gian qua ở nơi cũng đã xảy ra các vụ thảm sát, như ở Bình Phước (sát hại 6 người trong một gia đình), ở Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh (hung thủ cùng sát hại 4 người trong một gia đình)…
Có thể nói, nguyên nhân chung nhất là tác động của cuộc sống hiện đại, bên cạnh những mặt tích cực, nhận thức của con người cũng đã có những sự thay đổi nhất định. Chẳng hạn như con người suy nghĩ thực dụng hơn, tình người dường như cũng bị vật chất hóa đi rất nhiều, cái đó nó lấn át và làm mờ đi tình người. Đó là tác động chung của xã hội, các nơi vùng sâu, vùng xa cũng không có ngoại lệ.
Bên cạnh đó có thể nhận thấy ở những nơi vùng sâu, vùng xa có những điểm khác biệt so với vùng đồng bằng hay thành thị. Đó là do nhận thức về mặt pháp luật, văn hóa, ứng xử của người dân có phần chêch lệch hơn.
Người nào trình độ văn hóa cũng như nhận thức, hiểu biết hạn chế thì tác động của những cái xấu dễ lấn lướt họ hơn, ví dụ như tác động xấu từ phim ảnh, tác động của cơ chế… đó cũng nguyên nhân ẩn chứa tội phạm nhiều hơn.
Một điều nữa là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng lớn, dân cư sống thưa thớt nên công tác đảm bảo an ninh trật tự cũng không xuể, lực lượng chức năng không đủ để bao quát hết.
Hoàn cảnh đó là cơ hội thuận lợi cho những đối tượng xấu khi muốn thực hiện hành vi phạm tội. Ví như khi có ý định phạm tội, chúng sẽ biết mình khó bị phát hiện hơn… Như vụ thảm án ở Lào Cai, đối tượng gây án lẩn trốn hàng tháng trời lực lượng chức năng mới bắt được.
Trong các vụ thảm án đã xảy ra, hung thủ vốn là người bình thường, thậm chí như nghi phạm vụ ở Điện Biên còn được coi hiền lành. Vậy tại sao cái ác trong họ lại trỗi dậy đến mức sát hại cùng lúc nhiều người, thưa trung tá?
- Thực ra trong một loạt các thảm án xảy ra thời gian qua, những kẻ gây án hầu như là những người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự (trừ vụ Quảng Ninh, đối tượng nghiện ma túy). Hung thủ đa phần đều là con nhà lành, nhưng họ lại dám ra tay phạm tội dã man, sát hại một lúc nhiều người.
Nguyên nhân theo tôi bắt nguồn từ các mâu thuẫn xã hội. Qua nghiên cứu các vụ thảm án đã xảy ra, chúng tôi thấy hầu như hung thủ đều vì mục đích trả thù. Còn giết người nhằm mục đích cướp tài sản không có nhiều.
Trong cuộc sống, dường như ai cũng có những chuyện khúc mắc này, kia. Nhưng với người có hiểu biết, họ ứng xử khác. Nhưng rơi vào trường hợp những người từng có tiền án, tiền sự hoặc kém hiểu biết, có thể họ sẽ lựa chọn cách thức ứng xử để lại hậu quả nặng nề. Với nhiều trường hợp, khi tâm lý trả thù lấn át lý trí, họ thường hành động theo bản năng chứ không tính toán đến hậu quả do việc họ làm.
Ở đây người ta phạm tội chỉ để thỏa mãn tâm lý là trả được thù hận, không cần biết hậu quả thế nào, tương lai ra sao. Đó là một trong những biểu hiện tâm lý phổ biến của người chưa từng phạm tội, cộng với lòng thù hận quá lớn. Giống như dân gian hay nói “hiền lành nhưng cục tính”.
Hiện trường và chân dung nghi phạm vụ thảm án ở Điện Biên. Nguồn: CAND
Theo trung tá, cần phải có những biện pháp gì để phòng ngừa các vụ trọng án xuất phát từ mâu thuẫn lặt vặt trong đời sống xã hội hiện nay?
- Sau một loạt những vụ thảm án xảy ra, ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi cũng đã đề xuất nhiều giải pháp mang tính dài hạn như đề cao công tác giáo dục, tuyên truyền về pháp luật, đào tạo kỹ năng sống…
Bên cạnh đó là các giải pháp mạnh, kiên quyết, triệt để như xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng những biện pháp như vậy chưa thực sự đem lại hiệu quả ngay lập tức.
Việc tuyên truyền, giáo dục vẫn tiếp tục phải làm. Những vụ thảm án đều được đưa ra xét xử lưu động, đó cũng là một cách tuyên truyền, giáo dục trực tiếp đến với người dân. Khi lượng hình, tòa đã tuyên những bản án ở mức độ nghiêm khắc nhất - tử hình.
Có thể thấy các vụ thảm án chưa thể chấm dứt khi trong cuộc sống, con người ta vẫn thiên về lợi ích vật chất, nghĩa là khi con người bị vật chất làm mờ mắt thì nguy cơ tiềm ẩn tội phạm xảy ra bất cứ lúc nào.
Bản thân môi trường gia đình, môi trường xã hội là một trong những tác nhân ảnh hưởng rất lớn đến mỗi người. Vì thế, ngay trong mỗi gia đình phải có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình. Phải bắt đầu từ gia đình, sau đó mới đến xã hội.
- Xin cảm ơn trung tá!
Có lẽ một trong những giải pháp cần phải tập trung là vừa tuyên truyền vừa gắn trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Tất cả mọi biến động, hành xử, thay đổi khác thường của thành viên trong gia đình cần được giám sát chặt chẽ. Cần thiết phải có sự liên hệ với những người liên quan, thậm chí cơ quan chức năng, không nên bao che, giấu diếm. Tôi nghĩ đây cũng là giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Trung tá - TS Hà Thị Hồng Lan
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.