Chuyên gia tuyên bố ảnh hưởng của thảm kịch tiệc Halloween ở Hàn Quốc đang lan rộng

Lê Phương (Reuters) Thứ năm, ngày 03/11/2022 08:38 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh Hàn Quốc thương tiếc cái chết của hơn 150 người trong thảm kịch Itaewon, nhiều người - ngay cả những người không liên quan trực tiếp - đang phải đối mặt với chấn thương và cố gắng tìm kiếm cách vượt qua, một chuyên gia tâm thần học cho biết.
Bình luận 0
Chuyên gia tuyên bố ảnh hưởng của thảm kịch tiệc Halloween ở Hàn Quốc đang lan rộng - Ảnh 1.

Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: Reuters

Giáo sư tâm thần Jun Jin-yong của Bệnh viện Đại học Ulsan cho biết thảm họa đã gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhiều người.

Ông nói: "Sự tiêu cực lan truyền rất nhanh qua các phương tiện truyền thông tin tức và mạng xã hội, khiến nhiều người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, và ngay cả những người không bị ảnh hưởng cũng có thể cảm thấy đau khổ và thất vọng, gây ra cảm giác khiếp sợ cho toàn xã hội".

Cú sốc ban đầu từ sự thương cảm đối với thảm kịch Itaewon hôm 29/10 đã chuyển sang sự phẫn nộ của công chúng về những sai lầm trong kế hoạch của chính phủ và phản ứng không đầy đủ của cảnh sát. 

Hàng chục nghìn người vui chơi, nhiều người trong số họ ở độ tuổi rất trẻ, đã chen chúc trong những con phố và ngõ nhỏ hẹp của Itaewon cho lễ hội Halloween. Một lượng người không kiểm soát được đổ vào một con hẻm hẹp đã biến nơi đây thành một con đường chết chóc.

Đoạn phim lực lượng cứu hộ khẩn cấp và người dân đang hồi sức tim phổi (CPR) cho các nạn nhân bất tỉnh nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội ngay cả khi chưa biết rõ bản chất và quy mô của thảm họa.

Các hình ảnh này sau đó đã được phát lại trên các phương tiện thông tin chính thống. Ngay lập tức, những suy đoán về những gì đã gây ra thảm họa bắt đầu bùng nổ.

"Một số người thậm chí còn chỉ trích những nạn nhân vì đã có mặt tại đó, điều này đã dẫn đến xung đột xã hội", ông Jun nói.

Số người chết là 156, với 172 người bị thương, 33 người trong số họ đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Chính phủ đã cử một cơ sở khám di động do Trung tâm Quốc gia về Chấn thương Thiên tai điều hành đến Itaewon, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí.

Ông Jun lưu ý con người có xu hướng tìm kiếm lời giải thích cho một thảm họa, đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh.

Jun nói: "Khi bạn nhìn thấy thảm họa, sẽ có những phản ứng không thể tránh khỏi khi cố gắng tìm ra điều gì đó để đổ lỗi. Ví dụ, khi chúng ta gặp trường hợp Covid-19 lần đầu tiên ở Hàn Quốc, đã có rất nhiều phản ứng đổ lỗi chẳng hạn như 'Tại sao lại đến đó? Tại sao lại lây lan nó cho người khác'".

Kim Bum-jin, 18 tuổi, cho biết những ký ức tái diễn về thảm họa khiến anh không thể ngủ hay ăn được. "Những ký ức cứ hiện về, tôi cảm thấy hoảng sợ khi nghe thấy bất kỳ tiếng còi nào".

"Mọi người có mặt ở đó để tận hưởng lễ hội. Không ai biết rằng tai nạn sẽ xảy ra", Kim nói. "Tôi không hiểu làm thế nào mọi người có thể đổ lỗi cho các nạn nhân và những người sống sót".

Hwang Jung-soon, 75 tuổi, đang để tang tại một bàn thờ tưởng niệm được lập trước tòa thị chính Seoul. Bà nói: "Tôi đã xem đi xem lại tin tức và cảm thấy rất buồn. Tôi cảm thấy chán nản, không ăn được và đau đầu. Liệu bao giờ chúng tôi mới có thể vượt qua được?"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem