Bác sĩ SK Jindal, một chuyên gia hàng đầu về phổi, đồng thời là giáo viên y khoa và bác sĩ xuất sắc, là người đứng đầu Khoa Y học phổi tại Viện Nghiên cứu Y khoa Sau Đại học ở Chandigarh trong 26 năm. Dưới sự lãnh đạo của ông, khoa đã được công nhận là Trung tâm Hợp tác của WHO trong Nghiên cứu và Nâng cao Năng lực về Các bệnh Hô hấp mãn tính.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik News, Tiến sĩ Jindal đã chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình về đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ.
Sputnik: Theo ông, liệu có khả năng sẽ có một làn sóng coronavirus khác ở Ấn Độ hay không?
Tiến sĩ Jindal: Một làn sóng thứ ba rất có thể xảy ra ở Ấn Độ vì virus không thể bị loại bỏ đột ngột. Câu hỏi đặt ra là nó có nghiêm trọng hay không? Rất có thể đợt thứ ba sẽ nhẹ hơn vì quốc gia này đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm cả tiêm chủng. Đồng thời mọi người cũng đã nhận thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm của nó.
Sputnik: Ông có nghĩ rằng làn sóng thứ ba sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến trẻ em không?
Tiến sĩ Jindal: Không có bằng chứng xác thực nào cho thấy làn sóng thứ ba sẽ ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn. Một giả thiết cho rằng trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và do đó sẽ dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, tôi tin rằng trẻ em có hệ miễn dịch tốt và trong vòng một hoặc hai tháng nữa việc tiêm chủng cũng sẽ diễn ra, chấm dứt mọi tác động xấu không đáng có đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, rất có thể làn sóng thứ ba sẽ nhẹ nhàng và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ hai.
Sputnik: Ông nghĩ điều gì đã khiến đợt Covid-19 thứ hai gây chết người và lây lan nhanh như vậy?
Tiến sĩ Jindal: Chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp một thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh và sau đó cả gia đình đều bị lây. Các vấn đề xảy ra khi mọi người trở nên bất cẩn với căn bệnh này, tất cả đều nghĩ nó chỉ gây sốt, cảm lạnh và sẽ tự khỏi. Sau đó họ bắt đầu tự chữa bệnh.
Tuy nhiên, vào thời điểm làn sóng thứ hai tấn công quốc gia này, virus đã biến đổi và trở nên lây lan mạnh hơn. Mất rất nhiều thời gian mọi người mới hiểu được tình hình nghiêm trọng thế nào và tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Ngoài ra, nhiều người cũng bắt đầu lạm dụng steroid, sử dụng thuốc không cần thiết. Trong khi đó, virus đang đột biến và chu kỳ phát triển của nó cũng trở nên rất nhanh.
Sputnik: Làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ chứng kiến nhu cầu rất lớn về lượng oxy y tế. Tại sao virus lại ảnh hưởng xấu đến phổi như vậy?
Tiến sĩ Jindal: Virus có những đặc điểm riêng - một số rất hung hãn còn một số ít hung hãn hơn. Coronavirus tiến triển nhanh chóng và các chủng đột biến mạnh hơn nhiều, chúng tấn công phổi nhiều hơn, dẫn đến suy hô hấp. Ngoài ra, những người mắc bệnh cũng sẽ phải chịu đựng nhiều hơn vì hệ thống cơ thể sẽ phải làm việc quá sức.
Sputnik: Có những lo ngại về hiệu quả của các loại vắc xin đối với virus - đặc biệt là khi biến thể Delta ở Ấn Độ đã biến đổi thành Delta Plus. Ý kiến của ông như thế nào?
Tiến sĩ Jindal: Virus có đột biến nhưng không thay đổi hoàn toàn - nó vẫn giữ các đặc điểm và hành vi cơ bản của mình. Các kháng nguyên hầu hết đều giống nhau ngay cả ở các chủng mới. Chính vì vậy các loại vắc xin vẫn có hiệu quả ngay cả khi chống lại các biến thể mới.
Sputnik: Theo báo cáo, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về số người được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm nấm. Tại sao lại như vậy?
Tiến sĩ Jindal: Tất cả các bệnh nhiễm nấm đều giống nhau – ví dụ như Nấm đen, Nấm trắng, Nấm vàng và bây giờ là Nấm xanh, không có gì khác ngoài màu sắc của các chủng nấm. Chúng đều là một phần của bệnh mucormycosis - một loại nấm xâm lấn cơ thể. Ai cũng biết rằng nấm liên tục ăn mòn khu vực nơi nó phát triển và một phần cơ thể phải được phẫu thuật cắt bỏ để ngăn chặn sự lây lan. Loại nấm hiếm gặp này trở nên phổ biến hơn vì nó có cơ hội phát triển, đây là những bệnh nhiễm trùng cơ hội, và nó lợi dụng thực tế là khả năng miễn dịch của bệnh nhân đã suy yếu vì steroid và bệnh tiểu đường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.