Chuyện giảm nghèo ở “lõi nghèo” Tây Bắc (bài 2): Những triệu phú ở vùng nghèo

Thanh Hương Thứ tư, ngày 04/11/2020 08:17 AM (GMT+7)
Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm và nuôi trồng những cây, con mới có giá trị cao, nhiều gia đình nông dân tại Lai Châu đã đổi đời nhanh chóng, có không ít người trở thành những triệu phú với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Ông Tòng  Văn Nghiên (SN 1969) ở bản Là (xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu) gắn bó với nghề chăn nuôi bò vỗ béo được gần 20 năm nay. Ông là người chịu khó có tiếng trong vùng. Cũng nhờ tính chịu khó đã giúp ông thành công với nghề chăn nuôi bò vỗ béo.

Nuôi bò vỗ béo, mỗi năm kiếm trăm triệu đồng

"Ở Mường Kim có nhiều hộ chăn nuôi bò, nhưng mỗi gia đình cũng chỉ từ 1 – 2 con. Nuôi cả đàn bò và chăn nuôi bò vỗ béo như gia đình tôi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghề nuôi bò vỗ béo này lời lãi không được bao nhiêu, mà lại vất vả mỗi ngày. Nếu không phải là người "hay lam, hay làm" thì khó có thể kiếm được miếng ăn từ nghề này" – ông Nghiên chia sẻ.

Chuyện giảm nghèo ở “lõi nghèo” Tây Bắc (bài 2): Những triệu phú ở vùng nghèo - Ảnh 1.

Ông Tòng Văn Nghiên (SN 1969) ở bản Là (xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu) gắn bó với nghề chăn nuôi bò vỗ béo được gần 20 năm nay.

Năm 2020, ông Nghiên "chân ướt, chân ráo" bước vào nghề chăn nuôi bò vỗ béo. Lúc đầu, ông mua 2 con bò trưởng thành về nuôi. Sau gần 2 tháng chăm sóc, cho ăn đầy đủ, con nào con nấy cũng béo tốt, khỏe mạnh. Thấy ông có bò đẹp, nhiều thương lái đến hỏi mua. Từ đó, ông đã nảy sinh ý tưởng nuôi bò vỗ béo rồi bán ra thị trường.

Thời gian đầu do vốn liếng hạn chế nên ông Nghiên chỉ duy trì từ 3 – 5 con bò trong chuồng. Khi có khách hỏi mua, được giá là ông bán rồi lại đi mua con bò khác về nuôi. Ông Nghiên tích cóp số tiền lãi sau mỗi lần bán bò để đầu tư mua thêm bò về nuôi. Độ 10 năm trở lại đây, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 10 – 12 con bò. 

Nhiều năm nay, ông Nghiên thường tìm đến những hộ chăn nuôi bò ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hay sang Sơn La để mua bò chừng 18 tháng tuổi về nuôi chứ không mua bê con. Theo tính toán của ông Nghiên, mua bò tầm tuổi đó về nuôi vỗ béo sẽ sớm quay vòng được đồng vốn. Sau khi mua bò về, ông Nghiên chỉ nuôi từ 1 – 2 tháng là bán ra thị trường.

"Mỗi ngày tôi cho đàn bò ăn 3 bữa. Thức ăn của bò chủ yếu là rơm và cỏ. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, tôi trồng hơn 1000m2 cỏ voi. Tuy nhiên, do đàn bò đông nên lượng cỏ đó không thấm vào đâu cả. Tôi còn mua cây chuối của người dân và vào rừng cắt cỏ để làm thức ăn cho đàn bò. Chăn nuôi vỗ béo nên phải quan tâm nhiều tới việc cho đàn bò ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng" – ông Nghiên cho hay.

Chuyện giảm nghèo ở “lõi nghèo” Tây Bắc (bài 2): Những triệu phú ở vùng nghèo - Ảnh 2.

Nhờ nghề chăn nuôi bò vỗ béo mà ông Nghiên xây được nhà 2 tầng khang trang.

Theo ông Nghiên, nuôi bò vỗ béo tuy vất vả, song bù lại người nuôi sớm thu hồi được đồng vốn và cũng ít rủi ro hơn. Mỗi năm, ông Nghiên bán ra thị trường khoảng 50 con bò thịt. Bình quân mỗi con bò bán ra thị trường, ông Nghiên lãi 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm ông Nghiên cũng có khoản thu nhập trên dưới 100 triệu đồng từ bán bò thịt.

Dân bản nghèo đổi đời nhờ "vàng xanh"

Từ một xã nghèo đứng thứ ba của huyện Tam Đường (Lai Châu), nhưng nhờ cuộc "cách mạng" chuyển đổi những nương lúa, nương ngô sang trồng các giống chè mới, nhiều gia đình ở xã Bản Bo đã có thu nhập cao, đời sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.

Chỉ tay vào đồi chè nhà mình, anh Lò Văn Vạn, sinh năm 1980 - Bí thư Chi bộ bản Hợp Nhất (xã Bản Bo) cho biết, hơn 10 năm trước đồi chè là nương ngô mà chính tay anh chặt bỏ để thực hiện thí điểm đề án phát triển cây chè.

Chuyện giảm nghèo ở “lõi nghèo” Tây Bắc (bài 2): Những triệu phú ở vùng nghèo - Ảnh 3.

Những đồi chè xanh bát ngát đã và đang giúp đồng bào các dân tộc xã Bản Bo đổi đời.

"Trước đây nhà trồng ngô, lúa một năm hai vụ không đủ ăn lại còn rất vất vả lắm, lúc chặt bỏ hơn 2,000m2 nương ngô sắp thu hoạch để trồng chè, hàng xóm còn bảo tôi là điên nhưng đã quyết rồi thì làm thôi" - anh Vạn nhớ lại.

Năm 2012, gia đình anh thu hoạch lứa chè đầu tiên, thu nhập đã đạt gần 25 triệu đồng. Đây là một số tiền rất lớn, nếu làm lúa, ngô thì không thể có được. "Hồi đó, trong mơ tôi cũng không nghĩ có được số tiền lớn như vậy" - anh Vạn chia sẻ.

Nhờ trồng 2ha chè, gia đình anh Hảng A Sào ở bản Nậm Phát đã có thu nhập ổn định. "Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 60 triệu đồng/năm, và còn tạo công ăn việc làm cho bà con dân bản, cuộc sống khá dần lên trông thấy" - anh Hảng A Sào chia sẻ.

Khá giả nhất Bản Bo, không thể không nhắc đến nhà ông Nguyễn Văn Dũng - một cựu chiến binh. Năm 2011, ông Dũng nghe lời cán bộ xã vận động, mua đất của bà con dân bản, vay ngân hàng 350 triệu đồng để đầu tư trồng hơn 6ha chè Shan và chè Kim Tuyên. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng từ 350 - 400 triệu đồng, đã xây được nhà hai tầng kiên cố và mua được ô tô.

Trao đổi với DANVIET.VN, ông Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo cho biết, năm 2009, Viện Cây trồng ôn đới phía Bắc lên làm việc với huyện Tam Đường để đặt vấn đề triển khai trồng giống cây chè mới.

"Sau đó lãnh đạo huyện xuống làm việc trực tiếp với xã Bản Bo để vận động chuyển đổi. Thấy đây là cơ hội để bà con dân bản đổi đời, tôi họp anh em lại và quyết định bắt tay làm ngay" - ông Hoàn kể lại.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc đó là làm thế nào để thay đổi nhận thức và phong tục tập quán của bà con dân bản. Bà con không tin vào giá trị của cây trồng mới và từ chối triển khai đề án.

Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính quyền, hàng loạt các giải pháp được đưa ra và triển khai quyết liệt chưa từng có. Hơn 20 gia đình hai bản Nậm Tà và Cốc Phát được chọn làm thí điểm, đưa đi học tập các mô hình phát triển cây chè ở Thái Nguyên, Phú Thọ… Sau đó về thực hiện với chính gia đình của mình và tuyên truyền cho dân bản.

"Ròng rã trong hai năm từ 2011 – 2012 không nghỉ ngơi, lấy ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, cán bộ xã trực tiếp xuống giúp dân ban tầng, làm đất, hai giáo viên và một cán bộ phụ trách vận động một gia đình dân bản" - ông Hoàn nói.

Nhờ đó, một vùng chè rộng lớn trải dài hàng chục km của bà con dân tộc Thái, H'Mông, Tày… đã được hình thành. Tính đến hết năm 2019, diện tích chè của huyện Tam Đường ước đạt 802,2ha, trong đó có hơn 400ha chè kinh doanh đã thu hái, chủ yếu tập trung tại xã Bản Bo. Người dân thu hái được trên 3.500 tấn chè búp tươi, doanh thu từ cây chè đạt gần 40 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem