Chuyện hai đứa trẻ ăn xin trở thành tiến sĩ

Thứ bảy, ngày 03/11/2018 20:33 PM (GMT+7)
Cha mẹ mất sớm, phải đi ăn xin qua ngày, Quản Phác và Bùi Tất Năng đã nỗ lực vươn lên, trở thành hai tiến sĩ nổi danh trong lịch sử.
Bình luận 0

Trong 2.898 tiến sĩ của nước ta thời phong kiến - theo sách Những người thầy trong lịch sử Việt Nam - nhiều tấm gương vượt lên số phận như Lê Quát thời Trần phải đi quét chợ lấy tiền ăn học, Mạc Đĩnh Chi đốn củi bán lấy tiền mua sách, Nguyễn Quán Quang lấy than làm bút viết lên sân…

Đặc biệt, trong những tấm gương hiếu học vượt qua nghịch cảnh, Quản Phác và Bùi Tất Năng thời Hậu Lê từ những đứa trẻ mồ côi ăn xin trở thành tiến sĩ, khiến nhiều người khâm phục.

Đứa trẻ ăn xin trở thành vị quan xử án nghiêm minh

Theo sách Những làng văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc tỉnh Thái Bình, Quản Phác (có tài liệu ghi là Quách Phác) quê làng Đại Hội, xã Tân Phong, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là thôn Thụy Bình, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Cha mẹ mất sớm, Quản Phác và chị gái sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Ruộng đất không có, hai chị em dắt nhau đi ăn xin, sống qua ngày.

Trong một lần hành khất tới làng Mộ Trạch, huyện Đường Hào (Hải Dương ngày nay), hai chị em may mắn gặp được tiến sĩ Vũ Đức Lâm. Ông Lâm đỗ tiến sĩ khoa thi năm Mậu thìn (1448), làm quan  thượng thư dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sau này, ông về quê mở trường dạy học.

Thấy hai đứa trẻ mồ côi, phải đi xin ăn khắp nơi, Thượng thư Vũ Đức Lâm thương cảm, cho cả hai chị em vào làm người ở và giúp việc trong gia đình mình. Từ đó, hai chị em đỡ cơ cực hơn, chăm chỉ làm việc.

img

Tranh minh họa hai người ăn mày thi đỗ tiến sĩ. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.

Ngày ngày chứng kiến hai đứa trẻ mồ côi làm việc, thấy người em là Quản Phác rất siêng năng học hành, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, tiến sĩ Vũ Đức Lâm càng yêu mến, chỉ bảo, uốn nắn. Cuối cùng, ông nhận Quản Phác làm con nuôi, cho đổi tên họ thành Vũ Dương.

Không phụ sự kỳ vọng của cha nuôi, Vũ Dương học hành ngày càng tiến bộ. Đến năm 1484, triều đình mở kỳ thi Hội, Vũ Dương là một trong số 44 người đỗ đầu, được vào thi Đình.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 3 năm đó vào thi Đình xét thứ bậc, ông đứng thứ 33, thuộc bậc Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ).

Sau khi thi cử đỗ đạt, Vũ Dương làm quan cho nhà Hậu Lê, trải qua nhiều chức vụ khác nhau, giữ chức hiệu lý ở Viện Hàn Lâm, sau được thăng làm Hiến sát sứ Kinh Bắc, chuyên lo việc án tụng.

Khi làm quan phụ trách về pháp luật, Vũ Dương nổi tiếng là vị quan xử án công minh, được người dân xem là hiền đức và công minh.

Con nhà quét chợ trở thành tiến sĩ

Bùi Tất Năng quê làng Dục Linh, xã Dục Linh, tổng Địa Linh, huyện Phụ Dực, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), cũng có hoàn cảnh giống Quản Phác.

Gia cảnh nghèo, bố phải đi quét chợ để kiếm sống. Chẳng bao lâu sau, bố sớm qua đời, Bùi Tất Năng và mẹ không biết làm sao, đành dẫn nhau đi xin ăn ở quanh vùng. Cuộc sống nay đây mai đó rất khổ.

Một ngày nọ, khi hai mẹ con đói kiệt sức, họ đến một ngôi nhà rất khang trang, cửa mở. Hai mẹ con đánh liều vào xin ăn. Đây là nhà của quan Tả thị lang Bộ Lễ là Đỗ Nhân An, tiến sĩ trong khoa thi năm 1544. Dòng họ của ông là đại khoa nức tiếng trong vùng, nhiều đời đỗ tiến sĩ.

img

Vinh quy bái tổ. Tranh dân gia Đông Hồ.

Nhìn tướng mạo cậu bé ăn xin, Đỗ Nhân An đoán sau này có thể thành đạt, nên nhận làm con nuôi. Quyết định bất ngờ này khiến người trong nhà, cũng như gia nhân và người hầu, đều lấy làm lạ.

Từ đó, Đỗ Nhân An coi Bùi Tất Năng như con đẻ, cho học hành tử tế, và cho đổi tên họ thành Đỗ Kính.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Tân Mùi (1571) đời vua Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp), họ Mạc mở khoa thi Hội, Đỗ Kính khăn gói đi thi. Vượt qua kỳ thi Hương, ông vào đến thi Hội và đỗ đầu; vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Sau khi thi đỗ, Đỗ Kính được ban áo mũ về quê vinh quy bái tổ. Thế nhưng, các chức sắc làng ông lại khinh thường, cho rằng ông là kẻ ăn xin nên không làm lễ đón tiếp. Họ còn đổ bùn ra đường ông đi qua.

Đỗ Kính thấy thế buồn lắm, ông bỏ sang sinh sống tại làng Tò, xã Tô Xuyên, tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Đỗ Kính làm quan đến chức thượng thư. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, triều Mạc, dưới thời vua Mạc Mậu Hợp, ngày càng suy yếu. Không còn hy vọng cứu vãn triều đại, cộng với chán ngán sự đời, Đỗ Kính quyết định từ quan rồi đi tu ở Lạng Sơn cho đến cuối đời. Đến nay, năm sinh và năm mất của ông vẫn còn chưa rõ.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem