Từ cuộc hội quân ở núi rừng Thanh Hóa
Theo các tài liệu chính sử và địa phương, ba anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt quê ở miền Tây Thanh Hóa, sinh ra vào cuối thời Trần và lớn lên trong giai đoạn đất nước bị quân Minh đô hộ. Cha của các ông là Đinh Tôn Nhân, một hào kiệt yêu nước trong vùng, người đã mang hết gia sản chiêu mộ các anh hùng hào kiệt và hàng ngàn dân chúng khởi nghĩa. Tuy nhiên, hoài bão lớn đang nhen nhóm thì ông đột ngột qua đời, để lại "di sản" cứu nước cho các con.
Tiếp tục sự nghiệp của cha, Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt tiếp tục chiêu binh mãi mã chờ ngày khởi sự. Là những người trẻ, có nhiệt huyết và tài năng võ nghệ, song ba anh em họ Đinh nhận thấy lực lượng mình chưa thể thay đổi được cục diện chiến trường đầu thế kỷ XV. Được tin Lê Lợi khởi nghĩa, chiêu dụ hiền tài nơi núi rừng miền Tây Thanh Hóa, Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt đem toàn bộ gia sản, vũ khí và lực lượng hội quân cùng Lê Lợi mưu toan nghiệp lớn.
Minh họa Hội thề Lũng Nhai
Cả ba anh em sau đó đều được cất nhắc và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội, đây là nguồn cội tạo ra những chiến thắng vang dội ở giai đoạn tiếp theo. Đinh Liệt là một trong số ba người có tên trong danh sách 18 vị anh hùng tham gia Hội thề Lũng Nhai cùng Lê Lợi.
Tới các trận quyết chiến chiến lược
Trong những trận chạm trán đầu tiên khi phát động khởi nghĩa, Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Bồ cùng sát cánh bên Lê Lợi ở Lạc Thủy, Mường Lọt (thuộc Lang Chánh, Thanh Hóa) hay trong các trận đột kích giúp quân khởi nghĩa thoát khỏi vòng sinh tử ở Nga Lạc, Quan Du, Khả Lam, Ứng Ải, Bồ Mộng, Sách Khôi, Mường Kiệt (miền Tây Thanh Hóa).
Cả ba người trong chiến trận đều bộc lộ rõ bản lĩnh kiên cường, dũng cảm, mưu trí góp phần cùng chủ tướng và toàn nghĩa quân vượt qua nhiều thử thách, thiếu thốn về lương thực, vũ khí để từ đó mở rộng chiến trường tạo bước đột phá trong chiến tranh.
Tháng 10 năm 1424, thực hiện chiến pháp của tướng Nguyễn Chích, ba anh em họ Đinh cùng nghĩa quân Lam Sơn tập kích đồn Đa Căng, hạ được thành Trà Long, bắt sống tướng giặc là Cầm Bành, tạo thế và lực giải phòng nhiều vùng đất thuộc Nghệ An ngày nay và lấy đó làm chỗ "đứng chân". Quân Minh lập tức tăng viện cho chiến trường Nghệ An.
Được tin mật báo, Lê Lợi chia quân làm hai ngả đón đánh quân tiếp viện Minh. Một mặt Lê Lợi dẫn đại quân ngược sông Lam lên vùng Anh Sơn án ngữ, mặt khác hạ lệnh cho tướng Đinh Liệt dẫn 1.000 tinh binh theo đường tắt tiến vào vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh "chờ" giặc. Sau đó, Lê Lợi tiếp tục hạ lệnh cho tướng Đinh Lễ thực hiện kế giả thua và tập kích vào sau lưng quân Minh giành đại thắng.
Tháng 5/1425, trước cuộc tấn công như vũ bão của quân Minh dẫn đầu là Trần Trí có hỗ trợ của quân tiếp viện với mục đích đánh lên vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh nhằm tiêu diệt sở chỉ huy của Lê Lợi tại đây. Quân Minh tấn công thất bại, buộc phải rút lui, trên đường lui gặp quân do tướng Đinh Lễ mai phục ở sông Ngàn Phố đạo quân này gần như bị chôn vùi hoàn toàn.
Minh họa Chiến thắng Chi Lăng (ảnh: Motthegioi)
Ngoài ra còn hàng loạt các chiến thắng quân sự của ba anh em, dồn quân Minh phải co cụm lại, cố thủ trong thành Nghệ An, thành Đông Quan chờ đợi viện binh và từng bước bị tiêu diệt bằng biện pháp quân sự và ngoại giao.
Tháng 6/1425, Lê Lợi cử Đinh Lễ dẫn đại quân đi hạ thành Diễn Châu (Nghệ An). Bằng kế mai phục, Đinh Lễ vừa đánh bại được quân Minh tại đây, lấy được vô số lương thực lại còn sử dụng thuyền chiến giành được tấn công thẳng ra Tây Đô Thanh Hóa. Tháng 8/1425 tướng Đinh Bồ cùng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ chỉ huy một đạo quân tinh nhuệ ngày đêm tiến quân giải phóng đất đai vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Năm 1426, Đinh Lễ cùng các tướng Nguyễn Xí tổ chức mai phục làm nên chiến thắng Tốt Động, Chúc Động vang dội tiêu diệt và bắt sống 6 vạn quân Minh. Sau trận tập kích tiêu diệt quân tiếp viện của Vương Thông ở ải Chi Lăng, chém chết chủ tướng Liễu Thăng, tổng binh Vương Thông đang cố thủ ở thành Đông Quân buộc phải xin hàng, rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh.
Để tưởng nhớ và đền đáp những đóng góp và hi sinh của ba anh em họ Đinh, khi sự nghiệp chống Minh toàn thắng, Đinh Lễ được phong chức Thái úy, Nhập nội Tư không, Nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự, Thái úy Quốc thượng Hầu.
Đinh Bồ và Đinh Liệt được phong là Thái Bảo. Đinh Bồ được truy phong Thái bảo đặc nhiệm, Tân Bình-Thuận Hóa trấn thủ chủ tướng, Quận thượng hầu. Bài vị của Đinh Lễ và Đinh Bồ được đặt trong Thái miếu nhà Lê. Khi lên ngôi vua, Lê Lợi còn phong cho cả Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là "Thượng trí tự, Quốc thượng hầu". Đinh Lễ và Đinh Bồ được phong Lũng Nhai khai quốc bảo kiếm công thần. Đinh Liệt được phong "Lê triều sinh hỏa, Lê triều Lũng Nhai khai quốc bảo kiếm công thần".
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.