Chuyện ít biết về chàng trai 16 năm rong ruổi “hồi sinh” làng nghề

Khánh Ly - Thu Huyền Thứ tư, ngày 21/12/2022 07:39 AM (GMT+7)
Ngoài các chuyến đi, chàng trai Ngô Quý Đức (Hà Nội) còn tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu tới các bạn trẻ về làng nghề truyền thống, thậm chí, cho họ trải nghiệm về cách làm ra mặt nạ giấy bồi, chuồn chuồn tre…
Bình luận 0

Xuất phát điểm từ trang thông tin đơn giản về văn hoá Hà Nội, chàng trai Ngô Quý Đức tìm ra niềm đam mê mãnh liệt với làng nghề truyền thống. Gặp gỡ anh tại trụ sở "Về làng" trên phố Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa, TP.Hà Nội), chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi hành trình và những cống hiến anh dành cho làng nghề Việt Nam.

Bén duyên với niềm mê làng quê từ khi còn nhỏ

Sinh ra trên mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến nhưng anh Ngô Quý Đức cũng có những tuổi thơ đẹp về làng quê Việt Nam. Đó là những chuyến đi cùng gia đình, những trải nghiệm từ buổi thực tế hay những buổi đi chơi cùng bạn bè.

Năm 2006, sau khi ra trường Đức muốn làm một dự án nào đó liên quan đến Hà Nội. Và rồi từ những kiến thức học được ở trường, Đức bắt đầu dự án xây dựng cổng thông tin trực tuyến về Hà Nội.

Từ một mục đích đơn giản là lưu giữ những giá trị văn hoá của Hà Nội, anh bắt đầu tìm kiếm những người đồng hành cùng thành lập dự án "My Hanoi" nhằm đưa thông tin và tổ chức các hoạt động bảo tồn trò chơi dân gian. Ban đầu anh và các bạn cùng nhau góp tiền xây dựng dự án này.

Khi có cơ hội được tiếp xúc với đồ chơi dân gian, Ngô Quý Đức bắt đầu tìm về những làng nghề truyền thống ở Hà Nội bằng việc tìm hiểu về văn hóa, quy trình sản xuất. Anh tâm sự: "Lúc đầu tôi đi là vì niềm đam mê, đi để xem họ làm những sản phẩm như thế nào, cuộc sống xung quanh của họ ra sao và cái nghề đấy có thể đem lại thu nhập cho họ hay không? Dần dần, qua những chuyến đi đó tôi càng bị thu hút hơn. Những sản phẩm truyền thống của Việt Nam như mây, tre, giấy, đất rất đẹp và bền. Nó không chỉ là sản phẩm thông thường mà còn mang cả ý nghĩa về giáo dục", Đức bộc bạch.

Chuyện ít biết về chàng trai dành 16 năm rong ruổi dành “hồi sinh” làng nghề - Ảnh 1.

Anh Ngô Quý Đức tham quan quy trình vẽ tranh Đông Hồ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cứ như vậy, anh càng say mê và ấp ủ những hoài bão lớn về việc phát triển làng nghề. Tại sao những sản phẩm tinh hoa đó lại không bán được? Tại sao có những nơi phải bỏ nghề truyền thống? Làm thế nào để lưu giữ và phát triển văn hoá làng nghề?... Những câu hỏi đặt ra khiến Đức nhận thấy mình cần phải hỗ trợ nghệ nhân. 

"Ở Nam Định có một làng làm trống bỏi nhưng hiện giờ chỉ còn duy nhất một gia đình làm sản phẩm này. Năm 2019, tôi đến, gia đình họ đã tâm sự rằng bây giờ gần như là không thể sống được bằng nghề này nữa. Họ đã đem tất cả những cái khuôn để làm ra sản phẩm đốt hết, bỏ hết đi, để có thể chuyển sang nghề khác kiếm sống tốt hơn.

Sau đó, tôi động viên họ và mong muốn xuống tận nơi được học nghề, giữ được những kỹ thuật cơ bản, để sau này có thể cải tiến làm về thiết kế sáng tạo. Tôi mong muốn làm sao cho những mẫu sản phẩm này có thể phù hợp hơn trong cuộc sống hiện đại, trẻ con có thể thích thú hơn khi chơi những sản phẩm này", ánh mắt Ngô Quý Đức sáng lên khi tâm sự về những dự án mình ấp ủ.

Chuyện ít biết về chàng trai dành 16 năm rong ruổi dành “hồi sinh” làng nghề - Ảnh 2.

Anh Ngô Quý Đức về làng nghề để theo học nghề làm đèn lồng.

16 năm rong ruổi khắp các làng nghề

Anh Đức kể rằng, trong suốt 16 năm rong ruổi khắp các làng nghề Việt Nam, anh hầu như chỉ có một mình, chưa có một đối tác nào đủ kiên trì để đồng hành với anh trong một thời gian dài, ngoài một số tình nguyện viên ngắn hạn. Nhưng dường như, anh chưa bao giờ phiền lòng về điều đó, vẫn luôn dành tâm huyết với dự án "Về làng".

Năm 2020, anh Đức quyết định khởi nghiệp với dự án "Về làng". Mục đích của anh khi thành lập dự án chính là để lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc tới tất cả mọi người, thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại những làng nghề.

Cũng vì thế, các chuyến "về làng" một mặt giúp mọi người được tiếp cận với những tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại trong mỗi nghề truyền thống, đồng thời, khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ nghề, mặt khác lại giúp các địa phương hiểu rõ vai trò liên kết giữa làng nghề, du lịch và truyền thông trong bảo tồn, phát triển là quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của mỗi làng nghề.

Chuyện ít biết về chàng trai dành 16 năm rong ruổi dành “hồi sinh” làng nghề - Ảnh 3.

Không gian trưng bày tại "Về làng" vừa được ra mắt trong năm nay.

Khi được hỏi nhóm đối tượng mà "Về làng" hướng tới, anh Đức chia sẻ rằng đối tượng của "Về làng" rất đa dạng. Từ những em nhỏ tò mò về cách làm ra mặt nạ giấy bồi, chuồn chuồn tre, đến những người lớn tuổi xa quê đã lâu, muốn tìm lại chút gì đó hương vị của tuổi thơ, của làng quê năm xưa. Quan trọng nhất vẫn là nhóm các bạn trẻ, những người đóng vai trò cốt lõi trong việc gìn giữ và phát triển các làng nghề.

"Các bạn trẻ ai cũng có một cái gọi là tình yêu đối với văn hóa dân gian Việt Nam. Nhưng có thể là họ không được tiếp cận nhiều, thành ra là họ đã tạm thời bỏ quên tình yêu đó. Nếu mình là người có thể kết nối cho họ thấy những vẻ đẹp văn hóa qua những hoạt động để có thể trải nghiệm các làng nghề, họ sẽ biết nhiều hơn các giá trị của sản phẩm và tinh hoa của các nghề truyền thống Việt Nam", anh Đức bộc bạch.

Ra mắt trong khoảng thời gian dịch bệnh, nhưng không vì thế mà Ngô Quý Đức chịu lùi bước. "Dự án "Về làng" ra mắt trong thời điểm dịch bệnh nhưng đối với anh Đức đó là một cái duyên. "Hiện nay có rất nhiều người quan tâm về những chuyến đi trải nghiệm làng nghề của dự án tuy nhiên chưa có bên công ty du lịch nào khai thác được điều đó. Cũng chính vì vậy, dự án "Về làng" ra đời cũng là cơ hội tốt cho người dân, du khách trải nghiệm điều này" anh Đức cho biết.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Đức là một bạn trẻ nhiệt huyết, luôn nghĩ cho các làng nghề sẽ đi về đâu. Bạn đã khai thác làng nghề một cách cực kì trân trọng. Các nghệ nhân, thợ thủ công rất cần những con người như thế bởi với tiếng nói, tâm huyết của mình, các bạn đã góp phần đẩy mạnh truyền thông cho các làng nghề".

Theo nghệ nhân Tĩnh, bên cạnh các chuyến đi, Đức còn tổ chức các buổi hội thảo để cho các bạn trẻ biết được, trải nghiệm các công đoạn tạo ra các sản phẩm phải mất thời gian và phải tỉ mỉ như thế nào. Mỗi chương trình đều được Đức và cộng sự lên kế hoạch cẩn thận, chu đáo, trong đó có nhiều chương trình có sự tham gia hợp tác của các làng nghề truyền thống, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Chuyện ít biết về chàng trai dành 16 năm rong ruổi dành “hồi sinh” làng nghề - Ảnh 4.

Kể từ khi bắt đầu cho đến nay, dự án "Về làng" đã hỗ trợ rất nhiều các làng nghề để họ có thể phát triển hơn. Có những làng nghề đã được đội ngũ "Về làng" xây dựng những tour du lịch để họ có thể khai thác được du lịch ở địa phương mình, có những bên làng nghề mà dự án đã kết nối họ với những doanh nghiệp có thể có đầu ra cho sản phẩm.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Đức mong muốn: "Tôi có rất nhiều dự định để phát triển trong tương lai. Ví dụ như không gian ở đây tôi coi nó như một nơi để kết nối các làng nghề Việt Nam và các làng nghề sẽ có những sản phẩm để giới thiệu ở đây. Từ những không gian như thế này, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi tọa đàm để cho những người thợ thủ công, những nghệ nhân có thể chia sẻ về những khó khăn của họ khi giới thiệu về sản phẩm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem