Chuyện kể cuộc giải cứu “ngoạn mục” tù chính trị (8.1945) ở Nam Định

Thiên Việt - Mỵ Lương Thứ ba, ngày 18/08/2015 15:36 PM (GMT+7)
Sự kiện này diễn ra vào sáng 18.8.1945 và đã được ghi vào lịch sử truyền thống cách mạng tỉnh Nam Định. Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng người cán bộ tiền khởi nghĩa - ông Nguyễn Văn Hậu vẫn nhớ như in cuộc nổi dậy đòi thả tù chính trị của nhân dân Nam Định, đem lại thắng lợi giải thoát hàng trăm cán bộ lãnh đạo cho phong trào cách mạng đấu tranh giành chính quyền trong cả nước.
Bình luận 0

Trường Thành Chung Nam Định, một trong những nôi đào tạo chiến sĩ Cách mạng

Những ngày giữa tháng Tám lịch sử này, chúng tôi đến thăm gia đình cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Văn Hậu, có dịp được nghe ông kể lại những năm tháng hào hùng diễn ra ở Nam Định trong phong trào đấu tranh cách mạng tiến đến Tổng khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi 19.8.1945. Nhớ lại những ngày hào hùng cách đây hơn 70 năm, ông Hậu kể: Ông từng là học sinh năm thứ ba trường Thành Chung Nam Định, một ngôi trường có truyền thống hiếu học, yêu nước và chịu ảnh hưởng từ rất sớm phong trào cách mạng.

Khi phong trào truy điệu và để tang cụ Phan từ Sài Gòn lan ra cả nước, nhân dân Nam Định hưởng ứng ngay, nòng cốt là học sinh trường Thành Chung được các nhà nho và công nhân các nhà máy ủng hộ. Đây là một trong những sự kiện có tiếng vang lớn, thể hiện ý chí và lòng yêu nước của toàn dân khiến cho bọn thực dân đô hộ phải run tay.

Sau lần đó, một số thầy giáo và phần lớn học sinh trường Thành Chung bị kỷ luật. Trong đó có thầy Vũ Tam Tập phải đổi đi Lạng Sơn, thầy Đào Văn Định đi Sơn Tây rồi sau đó đi Bắc Ninh, thầy Nguyễn Văn Chính đi Bắc Ninh. Cả trường có 47 học sinh năm thứ tư, 7 học sinh năm thứ ba trong đó có: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Đặng Xuân Khu bị kỷ luật nghỉ khỏi trường; 30 học sinh lớp 3a và 28 học sinh lớp 3b kỷ luật tạm thời... Lần lượt số học sinh này của Trường đã hăng hái tham gia phong trào tìm đường cứu nước. Hơn chục người sang Quảng Châu tìm gặp cụ Nguyễn Ái Quốc, được cụ giác ngộ, huấn luyện và trở thành những đại biểu Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH).

img

Ông Nguyễn Văn Hậu tự hào kể về cuộc nổi dậy, đấu tranh đòi thả tù chính trị vào tháng 8.1945 của nhân dân Nam Định.

Trước đó, vào năm 1927 cũng tại ngôi trường Thành Chung này, đồng chí Nguyễn Văn Hoan đã tổ chức chi bộ VNTNCMĐCH đầu tiên. Những người gia nhập tổ chức khi ấy có Trần Việt Giần, Ngô Thế Ruông, Đặng Vũ Tiềm, Đặng Vũ Giác, Đặng Tiệm Quì, Đỗ Như Lăng. Chi bộ này ghép với chi bộ công nhân do đồng chí Trần Văn Lan, thợ điện nhà máy Sợi làm Bí thư.

Từ năm 1928 đến năm 1932, các học sinh của trường Thành Chung như: Tống Phúc Chiểu, Đặng Châu Tuệ, Vũ Văn Mẫn, Vũ Công Phụ… đã lần lượt được kết nạp Đảng. “Có thể nói nhiều thế hệ học sinh yêu nước được đào tạo từ trường Thành Chung, đã đóng góp vào quá trình đấu tranh chống thực dân để giành độc lập dân tộc, tiêu biểu như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Hoan, Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch... Nhiều người trong số họ đã trở thành những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập” - ông Hậu kể lại.

Nói về nhiệm vụ được giao lúc đó, ông Hậu thoáng trầm ngâm, rồi kể: “Đầu năm 1945, tôi hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông Bảy Lý (tên thật là Ngô Xuân Lựu), người phụ trách trí thức vận và công vận. Tôi có trách nhiệm vận chuyển truyền đơn, đưa báo chí từ Xứ Ủy cho công nhân nhà máy Dệt. Thời điểm đó nhà máy Dệt là nhà máy lớn nhất miền Bắc đồng thời là nhà máy lớn nhất Đông Dương, có hơn 1 vạn rưỡi lao động tham gia. Nếu bị giặc phát hiện, căn cứ cơ sở sẽ bị bại lộ, ảnh hưởng thậm chí đến tính mạng của nhiều người. Công việc mang tính bảo mật rất cao và người làm phải hết sức thận trọng, tránh những sơ xuất dù là nhỏ nhất”.

Tù chính trị 8.1945 – những “người tù đặc biệt”

Ngày 15.8.1945, tình thế chung khi ấy buộc phát xít Nhật phải tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh. Ở trong nước và tại Nam Định, những cụm cứ điểm quân Nhật trở nên rệu rã, thời cơ “ngàn năm có một” đối với Cách mạng Việt Nam đã đến. “Những người tham gia phong trào khi ấy đã mang theo vũ khí thô sơ kết hợp với lực lượng công nhân nhà máy Dệt đến trước Sở hiến binh Nhật kiên quyết tranh đấu đòi thả tù chính trị bị bắt giam. Trước sự chống trả quyết liệt của một số lực lượng quân Nhật, quần chúng nhân dân với khí thế mạnh mẽ đã dùng sức mạnh đông đảo, tạo thế kìm giữ quân Nhật để giải cứu tù chính trị. Cuối cùng những gọng khóa xiềng xích của nhà lao giặc buộc phải tháo bỏ.”.

Ngay lập tức, những tù chính trị được trả tự do và được mọi người chia nhau đưa về căn cứ an toàn. “Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc mở cửa nhà lao chật chội - nơi giam giữ những người đồng đội của mình. Họ đã phải chịu nhiều cực hình, ngồi bất động trong tư thế bó gối hàng tháng trời. Lúc cửa mở ra họ không thể tự đứng dậy được mà phải nhờ đến sự trợ giúp của những người xung quanh. Đặc biệt, tôi chú ý đến một người đàn ông cởi trần, mặc chiếc quần đùi, nước da đen nhẻm, gầy gò từ cánh cửa nhà giam bước ra. Sau khi hỏi tên mới biết tên ông là Đặng Châu Tuệ. Chúng tôi tìm được một tấm áo thầy tu màu đen để khoác lên người ông ấy rồi cả đoàn đưa ông Tuệ từ Sở Hiến binh Nhật về nhà bà Uyên Thái (vợ ông Tuệ) - một người chuyên kinh doanh vải. Mấy ngày sau ông Tuệ trở thành Bí thư tỉnh ủy đầu tiên của chính quyền cách mạng Nam Định”, ông Hậu kể lại.

img

Ông Nguyễn Văn Hậu (đầu tiên bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình sau ngày về tiếp quản Thủ đô trong những năm kháng chiến cứu quốc. (Ảnh do ông Hậu cung cấp)

Cuộc nổi dậy, đấu tranh đòi thả tù chính trị năm ấy thành công ở Nam Định đã làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh giành chính quyền cho nhiều địa phương khác trong cả nước, bởi những tù chính trị ấy đều là cán bộ nòng cốt trong lãnh đạo phong trào cách mạng.

Ngày 19.8.1945 dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi, nhanh chóng tỏa sáng, lan rộng ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đêm 20 và sáng ngày 21.8, truyền đơn kêu gọi nhân dân mít tinh được rải khắp nơi, cả Hà Nội là một rừng cờ đỏ sao vàng. Gần ba vạn quần chúng nhân dân hân hoan hưởng những giờ phút độc lập đầu tiên trong đời. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định cũng đã nhanh chóng được thành lập gồm bảy người, ông Đặng Châu Tuệ làm Chủ tịch lâm thời tỉnh Nam Định; Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Nam Định do ông Nguyễn Văn Hoan làm chủ tịch, ra mắt nhân dân. Cách mạng Tháng Tám ở Nam Định diễn ra nhanh gọn. Chỉ trong vòng sáu ngày từ 17.8 đến 22.8, toàn bộ chính quyền địch từ tỉnh đến huyện đã sụp đổ hoàn toàn” - ông Hậu kể lại.

(Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1930, cán bộ tiền khởi nghĩa. Sau Cách mạng Tháng 8.1945 ông chuyển sang công tác tại Cục Cảnh vệ. Sau hòa bình 1954, ông Hậu làm cán bộ tổ chức - Bộ Thương Mại rồi nghỉ hưu. Hiện ông ở tại A12 Khu TT Khương Thượng)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem