Chuyện khó tin nhưng có thật ở ngã ba Đông Dương

Chủ nhật, ngày 23/06/2013 14:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong kháng chiến, ngã ba Mãn Đức là nơi trung chuyển quân khí lên Tây Bắc, sang Campuchia và Lào. Nhưng vài năm trở lại đây, nó lại là điểm “đen” trung chuyển ma túy từ Lào, Campuchia vào nước ta.
Bình luận 0

Ngã ba Mãn Đức (thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), người dân vẫn thường gọi là ngã ba Đông Dương, bởi trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ là nơi trung chuyển quân khí từ tuyến đường 12B nối quốc lộ 6 lên Tây Bắc, sang Lào và Campuchia. Người dân nơi đây nói rằng, nhờ có ngôi chùa thiêng án ngữ tại ngã ba này mà nhiều đoàn xe chở người và lương thực đã thoát khỏi sự đánh phá ác liệt của quân Pháp làm nên chiến thắng Điện Biên.

Từ ngã ba huyền thoại trở thành “điểm đen”

Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khến - cho biết: Thời kháng chiến chống Pháp, đây là tuyến đường huyết mạch của quân và dân ta. Toàn bộ lương thực, khí giới của quân và dân ta đều được tập kết tại ngã ba, theo quốc lộ 6 lên phục vụ chiến dịch Điện Biên. Đây cũng là nơi quân Pháp trút bom đạn nhiều nhất, để chia cắt sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Chính tại nơi đây đã diễn ra những trận đánh phá dữ dội của kẻ thù.

img
Cụ Chén chỉ chỗ ngôi chùa Lim xưa nằm cạnh cây đa cổ thụ

Theo các cụ cao niên thì nơi đây đã trở thành ngã ba huyền thoại, dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, nhưng không đè bẹp được ý chí quật cường của quân và dân ta. Những năm đó có một ngôi chùa Lim án ngữ tại ngã ba. Bom đạn dữ dằn là vậy, nhưng ngôi chùa vẫn đứng vững. Nhiều người lên Tây Bắc qua đây đều vào trong chùa để làm lễ cầu khấn mong gặp may mắn trong chuyến đi.

Cũng theo ông Dũng thì xưa kia nơi đây là ngã ba huyền thoại, nhưng vài năm trở lại đây nó lại là điểm “đen” nơi trung chuyển ma túy từ Lào, Campuchia vào nước ta. Theo thống kê của ông Dũng thì năm 2012 lực lượng công an đã bắt giữ hàng trăm vụ vận chuyển ma túy tại ngã ba này. Vì thế ngã ba huyền thoại xưa kia giờ nhiều người gọi là “ngã ba ma túy”.

Mường Khến là vùng đất có lịch sử lâu đời, người xưa thường gọi với tên khác là Chiềng Khến, Mường Khát. Vì địa hình cát-tơ (hang do nước mưa, nước ngầm tạo thành) chứa nhiều đá vôi, khiến cho việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt còn khó hơn đi tìm vàng trên núi. Có gia đình dùng máy khoan xuống độ sâu hàng trăm mét nhưng vẫn chưa thấy nước. Vì thế, người dân chủ yếu dùng nước suối để sinh hoạt.

Ngôi chùa thiêng và hang Bụt

Cụ Nguyễn Thị Chén (81 tuổi, khu phố 1, thị trấn Mường Khến) cho biết: “Tôi được các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, ở ngã ba Mường Khến trước đây có tới 7 cây đa cổ thụ, ở giữa là ngôi chùa cổ. Ngôi chùa là nơi thể hiện cuộc sống tâm linh của cả vùng. Mỗi khi ngày rằm ngày lễ, nhiều người đến đây lễ bái”.

img
Hang Bụt giờ là nơi lễ bái của người dân

Cụ Bùi Văn Tiến (78 tuổi, thôn Mường Chiềng) cho hay từ nhỏ ông đã biết đến ngôi chùa đó. Ngôi chùa có tên là chùa Lim, rộng khoảng 3 gian, làm toàn bộ bằng lim rất kiên cố với kiến trúc cổ. Trong chùa thờ ba vị vua, 9 tượng làm bằng gỗ mít đặt trong chùa. Đây là nơi lễ bái của người dân Mường Khến, họ đến đây cầu an lành, cầu cho thần Phật phù hộ mùa màng bội thu. Trước những năm giải phóng Điện Biên (7/5/1954) ngôi chùa là nơi tập kết quân lương vận chuyển lên chiến trường. Bom đạn của thực dân Pháp nhằm vào chùa để tàn phá, nhưng lạ kỳ thay ngôi chùa vẫn không rung chuyển.

Theo trí nhớ của cụ Tiến thì vào những năm 1956, chính quyền địa phương thực hiện cuộc cải cách, khi đó họ cho rằng chùa chiền là nơi sinh ra tệ nạn mê tín dị đoan, vì thế đã cho người phá chùa. Ngôi chùa uy nghi, lừng lẫy là vậy chẳng mấy chốc chỉ còn đám đất ngổn ngang. Những bức tượng trong chùa bị ném chỏng chơ, hai chiếc chuông cổ trong chùa thì bị đánh cắp. Người dân trong vùng thấy vậy đã tìm nhặt những pho tượng trong chùa, mang lên hang Bụt gần đó để thờ cúng.

img

Bị ốm... không tìm ra bệnh

Cụ Tiến kể: “Những năm 1980, thấy người dân lên hang Bụt lễ bái, chính quyền đã ra lệnh cấm mọi người tập trung ở nơi đây. Khi đó, có một gia đình bên cạnh hang Bụt được sự cho phép của chính quyền đã mang mìn đến, nổ mìn lấp hang. Hàng chục người mang mìn vào hang, nối dây mìn dài hàng chục mét từ phía ngoài. Chiếc ngòi đã được châm lửa, nhưng lạ kỳ thay quả mìn đó không thể phát nổ. Mọi người sợ hãi quá, bỏ chạy tán loạn”. Từ đó không ai dám xâm phạm tới hang.

Ông Hoàng Văn Dũng cho biết: “Người dân nơi đây rất tiếc vì giờ đây, nhiều cây đa ở ngã ba đã bị tàn phá, ngôi chùa Lim cũng đã bị phá hủy trong những năm trước đổi mới. Nhưng hiện nay, người dân, đã đưa những pho tượng Phật của chùa Lim lên hang Bụt để thờ cúng. Hiện nay, hang Bụt là nơi thờ cúng, lễ bái của người dân trong vùng và du khách thập phương. Đa số mọi người đến đây cầu cho gia đình gặp nhiều may mắn, mùa màng được bội thu”.

Năm 1974, cụ Tiến lên hang Bụt ẩn nấp những đợt ném bom oanh tạc của máy bay Mỹ. Cụ Tiến cầm theo chiếc đèn dầu, lần đầu tiên vào hang nên cụ rất lo lắng. Dưới ánh đèn dầu, cụ nhìn thấy những bức tượng bằng đá, bằng gỗ xếp rất ngay ngắn. Bên trong chỉ có một lối đi, xuyên thẳng lên trời. Càng đi sâu vào bên trong càng xuất hiện nhiều bát hương thờ cúng người chết khiến cụ sợ hãi.

Sau lần lên hang Bụt tránh bom đạn, về nhà cụ Tiến bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Cụ Tiến về nằm bẹp một chỗ. Người nhà đưa cụ đi khám ở trạm xá, nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Sau này người thân đã nhờ thầy cúng về làm lễ, thời gian sau sức khỏe cụ Tiến đã trở lại bình thường.

Anh Đỗ Văn Tuấn, xã đội trưởng thị trấn Mường Khến, cho hay trước đây có người cắt tóc thuê ngồi trước hang Bụt, đang cắt tóc tự nhiên tông-đơ bị gãy. Người đó sợ hãi quá, về sau không dám đến cắt tóc trước cửa hang nữa.

img
Cụ Bùi Văn Tiến

Cũng theo anh Tuấn, phía trước hang Bụt là sân vận động thị trấn Mường Khến. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động lễ hội, văn hóa thể thao. Người dân nghiệm lại rằng từ khi hang Bụt được thờ cúng, năm nào tổ chức lễ hội hay bất cứ hoạt động gì ở sân vận động trời cũng mưa. Chính vì thế, chính quyền thường phải chuẩn bị sẵn một địa điểm khác, để khi trời mưa mọi người vào đó biểu diễn. “Năm vừa rồi, chúng tôi đang tổ chức lễ phát động tuyển quân trong toàn thị trấn thì trời mưa, nhờ chuẩn bị sẵn hội trường ở UBND huyện Tân Lạc, buổi lễ mới hoàn thành”, anh Tuấn cho hay.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem