Chuyện kỳ lạ về nghĩa địa có hàng trăm ngôi… mộ cùng tên

Chủ nhật, ngày 05/01/2014 10:38 AM (GMT+7)
Nghĩa trang này cũng giống như bao nghĩa trang khác với những nấm mồ nằm lúp xúp. Chỉ có điều khác biệt duy nhất là, hầu hết những người chết ở đây đều có chung… 1 cái tên: Được.
Bình luận 0
Câu chuyện khá kỳ lạ và rất độc đáo ấy là ở nghĩa trang Vò Vọ nằm ở xã Vĩnh An (Lý Sơn, Quảng Ngãi), nơi đang là chốn an nghỉ vĩnh hằng của hàng trăm người chết trôi nổi trên biển, được người dân ở đây vớt lên rồi đem an táng.

Là khu vực nằm ở rìa phía nam của huyện đảo Lý Sơn nổi tiếng nên xã Vĩnh An là dải đất thường xuyên có những… xác người xấu số trôi nổi trên biển dạt vào. Theo những người dân lâu năm ở đây, năm nào dân trong xã cũng vớt được dăm ba người chết trôi từ những vùng biển xung quanh “cập bến” nơi đây.

Những nấm mồ tên Được ở nghĩa trang Vò Vọ
Những nấm mồ tên Được ở nghĩa trang Vò Vọ.

Chết rồi mới được… đặt tên

Họ đa phần là những ngư dân xấu số đang mưu sinh, chẳng may gặp tai nạn trên biển, theo sóng nước trôi nổi về đây. Và, theo phong tục từ lâu của dân Lý Sơn thì mỗi khi gặp xác chết, người dân bên cạnh việc báo với chính quyền địa phương để xử lý những thủ tục pháp lý thì bản thân người vớt được sẽ cùng với gia đình mình chuẩn bị làm lễ để an táng xác chết đó, như chính người thân của mình ra đi về cõi vĩnh hằng vậy. Việc quan trọng nhất trong quá trình làm lễ an táng cho những người này là đặt tên cho xác chết bởi đa phần những ngư dân đó, sau nhiều ngày trôi dạt trên biển, thi thể đã không còn nguyên vẹn, giấy tờ tùy thân cũng không có, cũng không biết nơi nào để báo tin nên họ coi chính những người vớt được là thân nhân. Vì thế, tất cả những xác chết mà ngư dân ở đây vớt được đều đặt tên là “Được”, chỉ khác nhau họ và chữ lót ở tên mà thôi.

Kể về chuyện này, ông Nguyễn Văn Tâm, 64 tuổi, một người từng cả đời gắn bó với hòn đảo xinh đẹp nổi tiếng với đặc sản tỏi này cho biết: Cách đây nửa năm, lúc đi đào đất về trồng tỏi, tôi đã bắt gặp một xác một người chết. Đó là một người đàn ông chừng 30 tuổi, trôi dạt trên biển chắc khoảng nửa tháng, mặt mũi bị biến dạng hết, lại không có giấy tờ tùy thân gì nên vừa báo với chính quyền, tôi cùng con trai mình vừa đưa xác về nghĩa trang để làm các thủ tục an táng. Lúc khâm liệm, tôi xin đặt xác chết tên là Nguyễn Tỏi Được vì cách đây mấy năm, khi đi giăng lưới, gặp một xác chết, tôi đã đặt là Nguyễn Giăng Được rồi. Đặt tên rồi tôi kêu cậu con trai đi đặt thợ khắc làm bia mộ đề ngày an táng rồi long trọng mời bà con dân làng, họ hàng hai bên đến để đưa linh hồn người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuyện người dân ở vùng Lý Sơn gặp xác chết khi đi làm ven biển là chuyện khá bình thường bởi xung quanh hòn đảo rộng mênh mông này thường có rất nhiều tàu ghe qua lại, chủ yếu làm nghề khai thác thủy hải sản. Thỉnh thoảng lại có những tai nạn bất thường xảy ra vì biển khơi mênh mông, sóng to gió lớn, tai họa trùng trùng khó đoán. Với người dân Lý Sơn, người chết là linh thiêng nên những người sống phải có nghĩa vụ chôn cất tử tế, như một cách để cầu mong niềm an ủi cho chính bản thân mình vì người dân Lý Sơn cũng đa phần mưu sinh bằng nghề biển. Đó vừa là một cách trả ơn, vừa là một đạo lý nhân văn ở đời vậy.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù hầu hết những người an nghỉ tại nghĩa địa này đều có cùng tên nhưng những nấm mộ lại khá khác nhau bởi nhiều gia đình thì xây cố định cho những ngôi mộ mà mình an táng, nhiều gia đình khác, do điều kiện kinh tế chưa đủ chỉ làm sơ sài, nhưng cũng có gạch bao xung quanh. Mặc dù vậy, vào những dịp lễ, tết và cúng giỗ thì ngôi mộ nào cũng như mộ nào, đều nghi ngút khói hương do những thân nhân của mình mang đến. Hơn nữa, dịp cuối năm như hiện nay, những nấm mộ cùng tên này còn được tảo mộ, chăm sóc để linh hồn người quá cố ở thế giới bên kia bớt hiu quạnh phần nào.

Những ký ức kinh hoàng

Vừa dẫn chúng tôi ra thăm khu nghĩa trang Vò Vọ nằm phía sau thôn, bên những bãi cát thoai thoải, ông Tâm vừa nhìn ra những con sóng ngoài khơi xa, buồn buồn kể. Mặc dù rất trân trọng và luôn giữ gìn một thái độ thành kính với những người quá cố nhưng sự thực, việc an táng người chết trôi trên biển rất khó khăn và cực khổ bởi đa phần khi trôi dạt trên biển nhiều ngày, những xác chết đó mới dạt vào bờ đảo này.

Khi ấy, tử thi thường đang ở giai đoạn phân hủy, bốc mùi rất nồng nặc. Ngoài ra, thường xác chết nào cũng trương phình to lên rất lớn khiến việc mai táng trở nên khó khăn hơn người bình thường rất nhiều. Tuy nhiên, người dân ở Lý Sơn luôn cảm thấy được an ủi khi an táng những người xấu số này bởi mọi người đều cho rằng, người chết với mình phải có một mối quan hệ kỳ lạ nào đó thì mới có thể gặp nhau, dù đã âm dương cách biệt hai hướng. Chính vì suy nghĩ đó, tất cả đều cảm thấy thanh thản khi đứng ra nhận xác chết làm thân nhân và mai táng.

Ông Tâm đang kể về những lần vớt xác chết
Ông Tâm đang kể về những lần vớt xác chết

Chỉ tay về một nấm mộ có khắc dòng chữ Trần Thị Được, ông Tâm cho biết đây là nơi an nghỉ của một trong số ít những phụ nữ được tôi vớt lên cách đây gần chục năm. Tôi còn nhớ rõ lắm bởi lúc đó trời vẫn đang mưa nhưng tôi lại cùng với vợ đi làm đồng. Khi thấy xa xa có vật lạ nổi lềnh bềnh nên linh cảm mách bảo có điều gì đó không may. Lội ra ngoài xa thì thấy xác chị đã trương to lên nhiều, chứng tỏ đã lênh đênh trên biển khá lâu. Bởi đây là một phụ nữ nên khác với những thông lệ trước, tôi để cho chị ấy mang tên và họ của vợ mình là Trần Thị Bé. Tuy trong quan niệm của ngư dân, phụ nữ thường không được đi biển, không được bước chân lên ghe thuyền nhưng hiện nay, những tàu ghe đánh bắt xa bờ vẫn có phụ nữ lên thuyền. Đó thường là những người thân quen của chủ tàu, lên thuyền thường để làm công việc nấu ăn, bếp núc phục vụ anh em khai thác mà thôi. Vì thế, những năm trước, chúng tôi chỉ vớt được xác nam giới nhưng gần đây có vớt cả xác nữ giới. Vì thế, mỗi năm, quanh khu vực nghĩa trang này thường có nhiều đám giỗ những ông Được, bà Được.

Trong khi tâm sự cùng chúng tôi, ông Tâm cho biết, quãng thời gian từ tháng 7 - 11 hằng năm, ở khu vực quanh huyện đảo Lý Sơn, người dân vớt được nhiều xác chết nhất bởi đó là mùa mưa bão. Mà ở quanh vùng này thì năm nào cũng có vài trận bão quét qua nên xác người tấp vô là chuyện bình thường. Nhưng đáng chú ý nhất là trận bão Chanchu lịch sử năm 2006, cách đây hơn bảy năm trời. Trận bão năm đó chính là một trong những trận bão để lại hậu quả lớn nhất ở vùng biển miền Trung này bởi nó quá bất ngờ, gió quật mạnh liên hồi, lại vào ban đêm nên nhiều ghe tàu khai thác ở quanh khu vực biển Đông không kịp trở tay, không biết chạy hướng nào để tránh bão. Vì vậy, có nhiều ghe thuyền bị vỡ, bị chìm kéo theo hàng trăm mạng người phải bỏ mạng giữa sóng gió trùng khơi. Nhiều người trong số họ, đã có chút may mắn khi trôi dạt vào vùng đảo Lý Sơn. Tôi nhớ cũng có khá nhiều người còn sống, bám vào những mảnh vỡ ghe thuyền với hy vọng mong manh và cuối cùng đã được người dân Lý Sơn cứu giúp. Tuy nhiên, số người chết năm đó trôi dạt vào đây cũng rất nhiều, lên đến hơn chục người. Mỗi buổi sáng, ngoài việc đi dọc những bãi cát ven biển, người dân Lý Sơn còn bảo nhau giong ghe thuyền đi để tìm những người bị nạn. Nếu may mắn còn sống thì đưa về đất liền hoặc nếu không, cũng cố gắng đưa xác về an táng, coi như nghĩa tử là nghĩa tận với mong muốn linh hồn người chết sớm được siêu thoát.

Lần lần theo từng nấm mộ được nhang khói cẩn thận trên bờ cát ngay sau làng trong một buổi chiều cuối năm hiu quạnh, chúng tôi không khỏi bồi hồi khi chứng kiến hàng trăm con người bạc mệnh nhưng đã được an ủi, được thanh thản phần nào khi cuối cùng, họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, trong sự quan tâm của những người thân thiết mà như một duyên số, đã có sợi dây vô hình đưa họ đến với nhau.
Ứng Hoà (Dòng Đời) (Ứng Hoà (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem