Chuyện lạ Đắk Lắk, trồng dâu tây trên trụ lưới, thành phố hay nhà quê đều làm được, cả làng khen
Chuyện lạ Đắk Lắk, trồng dâu tây trên trụ lưới, dân thành phố hay dân quê đều làm được, cả làng khen
Chủ nhật, ngày 15/10/2023 05:40 AM (GMT+7)
Nhận thấy xu hướng đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa tại địa phương, chị Trần Thị Tuyết Oanh (tổ dân phố 4, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk) đã sáng tạo, mạnh dạn xây dựng mô hình trồng dâu tây hữu cơ trên trụ lưới với công nghệ sinh học, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xuất phát từ quá trình sản xuất các chậu rau để gia đình sử dụng, chị Oanh dần chuyển sang tận dụng những thùng sơn nhựa lớn hơn để sản xuất các loại rau kết hợp với việc dùng phân hữu cơ được chế biến từ xác bã thực vật phân hủy nhờ ruồi lính đen với chế phẩm sinh học (Trichoderma hoặc EM….), để rồi nhân ý tưởng ấy lên thành mô hình trồng dâu tây hữu cơ như hiện nay.
Trên diện tích 500 m2, chị Oanh đang có hơn 200 trụ lưới trồng dâu tây với các loại giống của Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Mỹ, trong đó có 50 trụ dâu tây giống Nhật Bản đã cho thu hoạch từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023.
Các giống dâu tây còn lại chị đang sản xuất thí điểm để đánh giá sự thích nghi và hiệu quả kinh tế để nhân rộng trong thời gian tới.
Trụ lưới trồng dâu tây có đường kính 1 m (kể cả màng lưới bao phủ bên ngoài), bên trong có giá thể để rễ dâu bám vào, mỗi trụ lúc đầu trồng từ 15 - 18 cây, sau đó nhân giống (ngó) từ cây mẹ trồng chêm vào bên ngoài xung quanh trụ để tăng năng suất.
Cây dâu được cung cấp nước bằng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân hữu cơ qua nước, điều khiển tự động theo nhu cầu cần nước của cây.
Ngoài việc bón phân qua hệ thống nước, cây dâu còn được hấp thu trực tiếp lượng phân bón hữu cơ bên trong trụ giá thể, bằng phương pháp “nhờ” ong lính đen phân hủy xác bã thực vật (vỏ rau quả thừa, đọt quả dứa…) qua xử lý men Trichoderma để cây dâu hấp thu, nên cây luôn xanh tốt.
Loại phân hữu cơ cung cấp qua nước, chị Oanh cũng tự sản xuất từ đạm cá kết hợp với quá trình xử lý để tạo nguồn phân hữu cơ chất lượng, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây dâu, nên giá thành sản phẩm dâu tây giảm đi mà chất lượng sản phẩm lại rất tốt.
Bổ sung nguồn giá thể cho trụ dâu tây tại mô hình trồng dâu tây trên trụ lưới ở mô hình trồng dâu tây của chị Trần Thị Tuyết Oanh (tổ dân phố 4, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk).
Bên ngoài trụ trồng dâu tây được bao phủ bằng màng lưới giúp hạn chế được tối đa các loại sâu hại tấn công cây dâu. Mặt khác giống cây dâu được chị Oanh mua từ cơ sở nuôi cấy mô ở Đà Lạt nên cây khỏe, kháng bệnh rất tốt.
Ngoài giống dâu Nhật Bản đã cho thu hoạch, giống dâu Đài Loan cũng đang bắt đầu cho hoa, giống này lá to, dày và cứng hơn giống Nhật Bản, ra quả đơn, riêng lẻ từng trái, không ra chùm như giống dâu Nhật Bản, quả dâu Đài Loan cứng dễ chuyên chở đi xa, nhưng độ ngọt không bằng giống Nhật Bản.
Chị Oanh cho biết thêm, cây dâu tây Nhật Bản nếu trồng giống cây từ nuôi cấy mô, sau 3 - 4 tháng cho thu hoạch, còn nếu trồng từ cây con được tách từ cây mẹ (gọi là ngó dâu) thì cây sẽ lớn nhanh hơn, cây khỏe, chỉ sau 1 - 2 tháng đã cho quả.
Thời gian từ lúc thu bói đến khi kết thúc thu hoạch kéo dài đến 4 tháng, mỗi trụ cho thu hoạch từ 5 - 6 kg/vụ, cá biệt lên đến 8 kg/trụ, với giá bán 300.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với một số loại cây trồng khác.
Hiện tại sản lượng dâu của vườn nhà chị Oanh không đủ để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các cửa hàng rau quả chất lượng trong và ngoài tỉnh.
Mô hình sản xuất dâu tây trong trụ lưới là phương pháp trồng trọt hiện đại rất thuận tiện đối với những gia đình có khu vườn nhỏ, tận dụng khoảng không gian ban công hoặc sân thượng để trồng, vừa dễ chăm sóc, vừa có thu hoạch và vừa trang trí xanh đẹp, mát mẻ cho khu nhà, tránh được tác động từ yếu tố thời tiết.
Chị Oanh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân rộng mô hình đối với các hộ muốn phát triển trồng dâu tây tại gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.