Chuyện lạ Hà Tĩnh: Xây nhà hoành tráng chỉ nuôi loài chim tiền tỷ

Thứ sáu, ngày 12/07/2019 13:15 PM (GMT+7)
Với giá trị hàng chục triệu đồng mỗi kg tổ yến, anh Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1986, trú tại xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng làm nhà cho chim yến sinh sống. Đây là mô hình nuôi chim yến đầu tiên tại Hà Tĩnh, dự kiến có thể mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Xây nhà tiền tỷ kiếm “lộc trời”

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Lâm nghiệp TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Đồng có thời gian trải qua nhiều công việc khác nhau và không thành công, anh quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp. Qua một thời gian dài tìm hiểu nhiều mô hình nông nghiệp, anh Đồng nhận thấy, ở Hà Tĩnh chưa có mô hình nuôi chim yến, trong khi các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị đều phát triển tốt, hơn nữa, sản phẩm từ chim yến mang lại nguồn thu nhập cao và được người tiêu dùng khá ưa chuộng.

img

Ngôi nhà được anh Nguyễn Văn Đồng đầu tư gần 1,5 tỷ đồng xây cho chim yến ở. Ảnh: Khánh Chi

Sau khi đi tham quan mô hình nuôi chim yến ở các tỉnh phía Nam, anh thuê chuyên gia về khảo sát khu vực vùng núi phía Tây huyện Thạch Hà. Kết quả khảo sát cho thấy, chim yến xuất hiện khá nhiều ở vùng đồi núi thuộc xã Nam Hương.

Đặc tính của chim yến là loài hoang dã thường chỉ sinh sống ở các đảo hoặc vùng ven biển, nhưng thực tế, chúng đi kiếm ăn ở địa bàn khá rộng. Thức ăn của chúng là các loại côn trùng sống ngoài tự nhiên, trong khi vùng đất Nam Hương là địa phương vùng đồi núi, nhiều khe suối, rất dễ thu hút loại chim này về đây kiếm ăn.

Vào khoảng giữa năm 2018, nhận thấy tiềm năng của mô hình nuôi yến và được sự hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà về kinh phí, công nghệ, kỹ thuật nuôi, anh Nguyễn Văn Đồng đã mạnh dạn vay gần 1,5 tỷ đồng để đầu tư nuôi chim yến.

Anh thuê một mảnh đất giữa cánh đồng ruộng nằm sát rừng núi xây ngôi nhà 2 tầng với diện tích khoảng 300m2 làm địa điểm dẫn dụ yến về ở. Ngôi nhà được xây dựng bằng 2 lớp tường để cách âm, cách nhiệt tốt, bên trong trang bị máy móc, công nghệ dẫn dụ và các thanh gỗ để chim làm tổ, đồng thời, tạo mùi phân, mùi bầy đàn, phát âm thanh để dụ chim yến.

Thời gian đầu chỉ có vài đôi tìm đến, nhưng “đất lành, chim đậu”, càng ngày chúng dẫn nhau về càng đông. Đến nay, ngôi nhà của anh đã thu hút được khoảng hơn 1.000 con chim yến về làm tổ và sinh sản.

“Với 300m2 diện tích sàn nhà có thể làm chỗ cho khoảng 10.000 con yến sinh sống. Hiện, có hàng chục tổ yến hình thành, nhưng tôi chưa thu hoạch để tạo không gian tự nhiên tiếp tục dẫn dụ chim yến. Theo kế hoạch, sang năm, tôi sẽ bắt đầu thu hoạch, dự kiến mỗi tháng cho sản lượng từ 3-5kg, giá thành tổ yến thô hiện nay khoảng 25 triệu đồng/kg. Nếu thuận lợi, doanh thu hàng tháng sẽ có thể lên đến gần trăm triệu đồng”, anh Đồng phấn khởi.

Cũng theo anh Đồng, nuôi chim yến vốn ban đầu khá lớn, nhưng nó là loại chim sống tự nhiên, không mất tiền giống, không cần nhiều công chăm sóc, không tốn thức ăn...Tuy nhiên, nghề nuôi yến cũng gặp nhiều khó khăn, bởi để chim sinh sản, làm tổ, đòi hỏi những quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt trong việc khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà. Mỗi lần người vào thu hoạch hay thăm nom đều phải xử lý, bởi phát hiện có mùi lạ, chim yến sẽ bỏ đi.

Để tạo môi trường thuận lợi cho đàn yến phát triển, ngoài việc tìm hiểu trên mạng, qua sách báo, anh Đồng đã đi học hỏi thực tế ở nhiều nơi.

Anh chia sẻ: “Để thành công với nghề nuôi chim yến, người nuôi phải biết cách dụ yến vào làm tổ trong nhà và thu hoạch tổ yến hợp lý. Kỹ thuật xây nhà yến quyết định phần lớn thành công của nghề này. Nhà yến không được quá sáng hay quá tối, trên vách tường phải có khe hở đủ rộng để đàn yến bay vào, nhiệt độ phải từ 27 - 29 độ C, độ ẩm 80 - 90%”.

Nhiều thuận lợi để mở rộng mô hình

Theo anh Đồng, thời tiết ở Hà Tĩnh so với các tỉnh phía Nam có nhiều điểm khác biệt, nhất là vào mùa đông thường rất lạnh khiến chim yến khó thích nghi.

“Để đảm bảo cho yến sinh sống tốt vào mùa đông, tôi đã đầu tư máy sưởi ấm và nuôi sẵn ruồi dấm làm mồi cho chim ăn để chúng không bỏ đi. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng có những điểm thuận lợi như chưa có mô hình khác nên dễ thu hút chim về làm tổ. Do vậy, hiện tại, tôi đang có kế hoạch xây dựng thêm một nhà nuôi yến khác với diện tích, quy mô lớn hơn”, anh Đồng chia sẻ.

Nghề nuôi chim yến trong nhà đã và đang góp phần phát triển, bảo vệ động vật quý hiếm. Xét về góc độ kinh tế, nghề nuôi chim yến trong nhà đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các ngành nghề chăn nuôi khác. Tổ yến là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng nên giá thành bán trên thị trường cũng khá “đắt đỏ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Sơn, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho hay: “Nhận thấy ở Hà Tĩnh chưa có mô hình nuôi chim yến, sau khi anh Đồng đề xuất, chúng tôi đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và một phần kinh phí để thực hiện mô hình. Việc xây dựng mô hình đầu tiên khá thành công sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn. Chúng tôi đang khảo sát để tiếp tục mở rộng mô hình sang các địa phương khác. Hiện, ở xã Thạch Trị và Thạch Khê đã triển khai xây dựng thêm 2 mô hình nuôi loại chim yến này”.

Khánh Chi (Báo Biên phòng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem