Chuyện lạ Lâm Đồng, nuôi tằm chả phải lấy tơ mà nuôi tằm để lấy thịt xuất khẩu sang Nhật Bản

Chủ nhật, ngày 10/03/2024 05:58 AM (GMT+7)
Khác với những vùng nông dân trồng dâu xanh ngắt, nuôi những nong tằm lấy kén trắng tinh, một doanh nghiệp vùng sâu Lâm Đồng đang nuôi con tằm lấy thịt. Đó là tằm sắn, thứ vật nuôi cho dinh dưỡng cao, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Bình luận 0

Khác với những vùng nông dân trồng dâu xanh ngắt, nuôi những nong tằm lấy kén trắng tinh, một doanh nghiệp vùng sâu Lâm Đồng đang nuôi con tằm lấy thịt. Đó là tằm sắn, thứ vật nuôi cho dinh dưỡng cao, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Anh Vi Văn Liêm, quản lý Công ty TNHH Lê Dương, đóng chân trên địa bàn xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, bên cạnh việc nuôi con tằm ăn dâu lấy tơ, công ty đang triển khai hoạt động nuôi con tằm sắn lấy thịt xuất khẩu. 

Anh Liêm chia sẻ: “Khác với những dòng tằm nuôi lấy kén mà nông dân rất quen thuộc, chúng tôi đang nuôi con tằm sắn. \

Đây là một thực phẩm “siêu thịt”, siêu đạm, được đối tác Nhật Bản liên kết với doanh nghiệp để thu mua. Có thể nói, con tằm sắn rất thích hợp với đất Lộc Bảo và cho năng suất cao”.

Theo anh Vi Văn Liêm, chăm sóc con tằm sắn tương tự như chăm sóc tằm ăn dâu. Công ty mua trứng tằm, về sử dụng quy trình ấp, cho nở ra lứa tằm nhỏ. 

Tằm sắn ăn lá sắn, cũng có giai đoạn ăn rỗi, giai đoạn ngủ như tằm dâu. Sau khi nuôi 17 ngày, tằm đủ độ chín, thân nở căng, mập sẽ được thu hoạch. Công ty đưa tằm vào hấp chín, cấp đông và xuất khẩu sang Nhật Bản dưới dạng đông lạnh. Ngoài nuôi tằm sắn lấy thịt, công ty còn nuôi tằm sắn để lấy bông. 

Chuyện lạ Lâm Đồng, nuôi tằm chả phải lấy tơ mà nuôi tằm để lấy thịt xuất khẩu sang Nhật Bản- Ảnh 2.

Công nhân Công ty Lê Dương (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đang tách tằm khỏi kén, chuẩn bị chế biến bông tằm sắn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Con tằm sắn không kéo tơ thành sợi, không làm kén tròn như tằm dâu. Khi chín, chúng làm kén tại những nơi đảm bảo độ tối, tạo thành những cây kén với đủ loại hình dáng. 

Vì vậy, khi tằm chín chuẩn bị làm kén, công nhân cho tằm “ngủ”, làm kén tại các né được làm từ giấy bìa mỏng. Né được phủ kín bằng bạt đen, tạo môi trường tốt nhất cho tằm. 

Sau khi kén chín, công nhân lấy kéo cắt con tằm tách ra, sau đó bỏ nguyên cây kén vào nấu tan trong nước, cho vào máy cào, thu lượng tơ sấy thành bông để xuất khẩu bông tằm sắn. 

Bông tằm sắn cũng được ứng dụng để làm các sản phẩm dệt may như khăn mặt, vớ, rất thích hợp cho các hoạt động thể thao cần chất vải tơ xốp.

Để phục vụ cho nhu cầu nuôi tằm sắn, Công ty Lê Dương đã trồng 7 ha sắn trên những mảnh đồi quanh doanh nghiệp. Sắn trồng lấy lá cho tằm ăn cũng không xa lạ, đó là cây sắn cao sản chuyên dùng lấy củ bình thường nông dân vẫn canh tác. 

Sắn được trồng từ các hom, sau ba tháng cây đã đủ điều kiện thu hoạch. Không giống trồng dâu có kỹ thuật đốn gốc, sắn cho tằm ăn được hái lá. Người hái có kiểm soát, vẫn để lại lượng lá đủ để cây sinh sống và phát triển, ra những lứa lá mới cũng như phục vụ củ sắn có đủ lượng tinh bột cần thiết. 

Một lứa sắn từ trồng tới thu hoạch khoảng tám tháng, sau đó doanh nghiệp sẽ đào cả củ. Thân sắn được chặt, sử dụng làm hom để trồng lứa sau. Trồng sắn dễ hơn trồng dâu khá nhiều do chỉ cần tưới giai đoạn đầu, sau khi sắn ra rễ là gần như không cần chăm sóc nhiều. 

Cây sắn chịu hạn tốt cũng như phát triển khoẻ trong môi trường ít chăm sóc. Ngoài lá sắn, con tằm còn ăn lá cây thầu dầu Trung Quốc, công ty cũng trồng thêm diện tích lớn để phục vụ thức ăn cho tằm.

Ngoài nuôi tằm lấy kén, nuôi tằm sắn lấy thịt cũng là một hướng mở cho người nông dân. Vì vậy, anh Vi Văn Liêm cho biết, Công ty Lê Dương đang lên kế hoạch chuyển giao kĩ thuật nuôi tằm sắn cho nông dân hai xã Lộc Bắc, Lộc Bảo lân cận. 

Sắn vốn là cây trồng truyền thống, phù hợp với vùng đất đồi khô, người nông dân cũng đã quen với chăm sóc con tằm. Lê Dương đã hợp tác với nhiều nông hộ tại địa phương, chuyển giao kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho nông dân. 

Và, công ty hy vọng sẽ chuyển giao kĩ thuật, chuyển giao công nghệ nuôi tằm sắn cho nông dân, thu mua tằm thịt cũng như bông tằm để đảm bảo vùng nguyên liệu xuất khẩu bền vững cũng như tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vùng Lộc Bắc là một xã có đa số cư dân người Mạ sinh sống. 

Bà con đã dần làm quen với trồng dâu, nuôi tằm, trong đó rất nhiều hộ được chuyển giao kĩ thuật từ Công ty Lê Dương. Công ty đã hướng dẫn nông dân kỹ thuật cũng như sẵn sàng liên kết thu mua sản phẩm kén. 

Từ hướng dẫn của doanh nghiệp, bà con đã quen với trồng dâu, nuôi tằm và sẵn sàng tiếp cận thêm cây trồng, vật nuôi mới. Ông bày tỏ hy vọng, nông dân sẽ tiếp cận được kĩ thuật nuôi tằm sắn, tạo thêm công ăn việc làm, làm ra sản phẩm mới, mang lại trù phú cho mảnh đất vùng sâu.

Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem