Chuyện lạ Nam Định, làng trồng cau nhiều nhất tỉnh cho cây ăn muối trắng, chả chết mà còn khỏe
Làng trồng cau nhiều nhất Nam Định: Cho cau "ăn" muối trắng, cây khỏe, đẻ sai (bài cuối)
Mai Chiến
Thứ bảy, ngày 12/10/2024 05:33 AM (GMT+7)
Ngoài bón phân NPK theo định kỳ, người trồng cau ở làng Hoành Đồn, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu - làng trồng cau nhiều nhất Nam Định còn cho cau "ăn" thêm muối trắng vào dịp mùa xuân.
Những ngày qua, thị trường cau tươi ở 3 miền trên cả nước rất sôi động, thương lái thu mua cau tươi đổ về những nơi trồng cau rầm rập, cảnh mua bán cau tươi tại các vườn nhộn nhịp hẳn lên.
Tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu - làng trồng cau nhiều nhất Nam Định cũng không nằm ngoại lệ. Mới đầu giờ sáng, đến đầu cổng làng Hoành Đồn, xã Hải Đường, tôi đã bắt gặp từng tốp xe ra - vào làng.
Theo người dân, giá cau tươi năm nay tăng từ đầu vụ thu hoạch và hiện tại giá vẫn đang ở mức cao, từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng, mẫu mã quả. Giá cau sấy khô cũng tăng mạnh, hiện đang dao động trên 450.000 đồng/kg.
Giá cau tươi, cau sấy tăng đột biến khiến cho thị trường cau giống cũng "đảo chiều" theo, tăng chóng mặt. Từ cau mầm, cau ươm bầu, cau dâm đất đều lên giá từng ngày.
Mặc dù, giá cau giống tăng cao, nhưng thương lái ở nhiều tỉnh, thành như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương… vẫn đổ về làng cau lớn nhất tỉnh Nam Định để mua bằng được giống cau chuẩn.
Vậy trồng cau như thế nào cho đúng quy trình, đúng phương pháp, để cây cau giống phát triển tự nhiên, ít dịch bệnh, sau này đơm hoa, sai trĩu quả?
Anh Nguyễn Văn Ước - một trong những người có hàng chục năm kinh nghiệm chuyên ươm, sản xuất cau giống ở làng Hoành Đồn, xã Hải Đường đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cau cho những người mới vào nghề.
Anh Ước chia sẻ, đối với những người mới bắt đầu trồng cau, trước tiên phải mua cây giống chuẩn; trồng ở những vùng đất hợp với cây cau; và phải nắm chắc các kỹ thuật trồng, chăm sóc cau giống, cau trưởng thành.
Theo anh Ước, nếu mua cây cau ươm bầu, người mua cần phải ươm trồng ra vườn, tưới nước, giữ ẩm. Khi cây cau cao khoảng 1m trở lên thì đánh ra đất trồng.
Về cách trồng: Đào hố rộng 40cm, sâu 40cm, khi trồng nên để cách bầu thấp hơn so với mặt đất vườn khoảng 15cm. Nếu trồng cau theo kiểu 1 hàng (trồng quanh thổ, trồng ven đường - PV) thì cây cách cây 1,5 - 2m; nếu trồng trong vườn thì cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2,5m.
Về cách chăm sóc: Sau khi trồng cau xuống hố, chỉ nên tưới nước, giữ độ ẩm cho cây nhanh bén rễ, phát triển. Sau 3 tháng trồng, bắt đầu bón phân NPK với số lượng ít. Những năm tiếp theo thì bón 2 đợt/năm; đợt 1 là tháng 2 âm lịch, đợt 2 là khoảng tháng 7 âm lịch".
Độc lạ, cho cau "ăn" muối trắng
Anh Nguyễn Văn Ước cho biết thêm, sau 4 năm trồng, cau bắt đầu ra quả bói. Để cây phát triển ổn định, cho chất lượng quả tốt, sai quả, mã đẹp thì ngoài bón phân NPK theo định kỳ, người trồng nên bón thêm muối hạt (muối trắng - PV) vào thời điểm mùa xuân (tháng 2 hoặc 3 âm lịch).
"Vào thời điểm mùa xuân có thể bón thêm muối trắng với tỷ lệ thấp, rải muối quanh gốc cây cau, cách gốc khoảng 1m, sau đó để muối tự tan dần và ngấm xuống đất, không cần tưới. Nên nhớ chỉ cho cau ăn 1 lần vào dịp này, không tùy tiện cho cau ăn muối bừa bãi", anh Ước nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với anh Ước, ông Nguyễn Văn Nhưỡng (xóm 6, xã Hải Đường) cũng khẳng định: "Cho cau ăn thêm muối trắng vào thời điểm tháng 2 âm lịch là rất tốt, giúp bổ sung chất cho cây, cây có thêm dinh dưỡng để nuôi hoa, quả…".
Tuy nhiên, ông Nhưỡng cũng khuyến cáo, người trồng nên cho cây cau ăn muối trắng khi cây đã trưởng thành và bổ sung thêm muối trắng với số lượng ít để không gây hại đến bộ rễ của cây.
"Cau trưởng thành có 2 tầng rễ, tầng rễ thứ 1 ở trên bề mặt có chức năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, tầng rễ thứ 2 nằm sâu trong lòng đất khoảng 1,5m có chức năng hấp thụ nguồn nước. Do đó, khi bổ sung muối trắng cho cây cau cần rải cách xa bộ rễ mặt", ông Nhưỡng chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nhưỡng nói thêm, trường hợp người trồng cau muốn gây giống thì phải chọn những quả cau đạt chuẩn, chín vàng, được khai thác từ cau mẹ đã có tuổi đời lâu năm. Cây cau mẹ càng nhiều tuổi, tỷ lệ cây giống hao hụt càng ít.
"Cau não nang để giống mới được" - đây là câu ca của các cụ truyền lại cho con cháu, ông Nhưỡng nói. Nôm na rằng, cây cau mẹ càng già tuổi thì cho cây giống càng chất lượng.
Người trồng cau ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khuyến cáo, người dân cần bón muối trắng cách xa bộ rễ nổi trên bề mặt đất, để không gây hại đến bộ rễ. Ảnh: Mai Chiến.
Theo những người trồng cau lâu năm ở làng Hoành Đồn, xã Hải Đường, cây cau là dòng cây ưa nước, nhưng cũng chịu hạn tốt, bởi cau sống rất khỏe. Song, cau cũng dễ mắc các bệnh như đỏ lá, rệp sáp, rệp phấn… nếu không phòng trừ kịp thời thì dịch bệnh dễ lây lan trên diện tích rộng.
Ở xã Hải Đường, người dân chủ yếu trồng cau mùa, cho thu hoạch quả từ tháng 8 - 12 âm lịch và cau tứ thời, cho thu hoạch quả quanh năm. Nhìn chung, cách trồng, cách chăm sóc 2 dòng cau này cơ bản giống nhau.
Hiện nay, toàn xã Hải Đường trồng hơn 100 ha cau, nằm rải rác ở các xóm, tuy nhiên diện tích trồng nhiều nhất tập trung ở xóm 5 và xóm 6. Nguồn cau tươi được người dân cung ứng cho các lò sấy ở địa phương.
Qua thống kê, trên địa bàn xã Hải Đường có khoảng 25 lò sấy cau tươi, với công suất khoảng 10 tấn quả/lò/mẻ. Vào thời điểm chính vụ, các lò sấy hoạt động hết công suất, chạy cả ngày lẫn đêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.