Chuyện lạ nông dân bắt tay doanh nghiệp lập CLB hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu

Thứ hai, ngày 16/10/2017 06:25 AM (GMT+7)
Thay vì sử dụng phân, thuốc hóa học thì bà con nông dân chỉ sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ trong sản xuất hồ tiêu để tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là cách mà câu lạc bộ (CLB) Hồ tiêu hữu cơ Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai cho 32 thành viên.
Bình luận 0

img

Vườn tiêu canh tác hữu cơ của gia đình chị Hoàng Thị Sáu (xã Hòa hiệp, huyện Xuyên Mộc).

CLB Hồ tiêu hữu cơ Xuyên Mộc thành lập từ tháng 4-2017 với sự tham gia của 32 hộ nông dân trồng tiêu và 2 DN là Công ty TNHH Thương mại Minh Đức (TP.Bà Rịa) và Công ty TNHH Điền Trang (TP. Hồ Chí Minh). Hoạt động chính của CLB là tổ chức cho các thành viên tham gia các mô hình trọng điểm về lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả tiên tiến trong và ngoài tỉnh... 

Bên cạnh đó, tham gia CLB các thành viên sẽ hỗ trợ nhau trong việc sản xuất hồ tiêu theo phương pháp canh tác hữu cơ, thay đổi cách sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại để chuyển sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ (phân bò, phân dê…) và thuốc bảo vệ thực vật sinh học phù hợp. Mặt khác, thông qua liên kết với DN, sản phẩm hồ tiêu của các thành viên cũng được bảo hộ tiêu thụ, giúp bà con nông dân có đầu ra ổn định.

Ông Đặng Đình Đại, người trồng tiêu tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) cho biết, từ khi tham gia CLB ông được ban chủ nhiệm hướng dẫn cách sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế cho phân bón vô cơ và các hóa chất khác. Với cách làm này, vườn tiêu phát triển xanh tốt, không còn nỗi lo tiêu nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm. “Nếu tính chi phí canh tác thì việc sử dụng phân bón hữu cơ cao hơn 20-30% so với phân bón hóa học. Tuy nhiên qua tìm hiểu nghiên cứu, tôi nghĩ tính về lâu dài sẽ có nhiều lợi ích, sản phẩm không sử dụng hóa chất sẽ dễ bán khi yêu cầu chất lượng của thị trường ngày càng khắt khe. Việc canh tác theo hướng hữu cơ sẽ tạo nguồn dinh dưỡng cải tạo đất, làm đất không bị thoái hóa như dùng phân vô cơ, giúp cây tiêu phát triển bền vững”, ông Đại nói.

Thực hiện canh tác theo hướng sử dụng phân hữu cơ từ năm 2015 đến, chị Hoàng Thị Sáu, người trồng hồ tiêu tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) cho biết, từ lúc chuyển sang trồng trọt theo hướng hữu cơ năng suất vườn tiêu của gia đình chị đạt trung bình 5-6 tấn/ha, tăng 2-3ha so với khi sử dụng phân bón vô cơ. Tuy nhiên trước đây do chưa có CLB, hồ tiêu nhà chị vẫn bán với giá ngang với sản phẩm hồ tiêu thông thường. Thông qua liên kết với DN trong CLB, sản phẩm hồ tiêu của nhà chị được bảo hộ tiêu thụ, giá bán cao hơn 10-20% so với sản phẩm thông thường.

Ông Lê Minh Đức, Chủ nhiệm CLB Hồ tiêu hữu cơ Xuyên Mộc cho biết, để nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm canh tác cho các thành viên CLB, trong thời gian tới, ban chủ nhiệm CLB sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tập huấn quy trình làm tiêu sạch cho người trồng. Trong quá trình tập huấn, CLB cũng sẽ tổ chức các buổi ngoại khóa thăm vườn, thăm đồng để bà con có thể trực tiếp quan sát và từ đó áp dụng canh tác hiệu quả.

Theo định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của BR-VT sẽ là 7.000ha, sản lượng tiêu toàn tỉnh khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên tới hơn 12 ngàn ha, vượt quy hoạch. Do tốc độ phát triển nhanh diện tích hồ tiêu, quy hoạch bị phá vỡ, nên quy trình canh tác, sản xuất hồ tiêu ở nhiều nơi không được kiểm soát chặt chẽ.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu, bệnh trên cây tiêu không bảo đảm 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) dẫn đến tồn dư hóa chất trong sản phẩm khi thu hoạch. Bên cạnh đó, trong quá trình thu mua, tạm trữ, bảo quản chờ xuất khẩu ở khâu tiêu thụ, nhiều thương lái cũng sử dụng hóa chất để phòng ngừa nấm mốc, nên sản phẩm cũng nhiễm hóa chất. “Việc thành lập CLB Hồ tiêu hữu cơ Xuyên Mộc là tín hiệu khởi đầu cho phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng giá trị thương phẩm của hồ tiêu BR-VT khi xuất khẩu ra thị trường thế giới”, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.

Ngô Thanh (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem