Bà đã từng 7 lần sinh con nhưng chưa một lần được làm mẹ, bởi những đứa con của bà đứa nào cũng bị sinh thiếu tháng. Chưa kịp cất tiếng khóc chào đời chúng đã bỏ bà mà đi. Thương thân mình lận đận thì ít, xót xa cho chồng trước nỗi khao khát được làm cha thì nhiều, gạt bỏ mọi ghen tuông thường tình, bà đi tìm vợ cho chồng.
Mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng
Người đàn bà bao dung và nhân từ ấy là Nguyễn Thị Hồng, 59 tuổi, trú tại thôn Trung Hưng, xã Mai Trung, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Biết chúng tôi hỏi thăm đến nhà bà Hồng với mục đích, gì người dân nơi đây khi chỉ đường cho chúng tôi đều nói: "Bà ấy tử tế lắm. Trên đời này chả mấy ai làm được như bà ấy đâu".
Chiều mùa đông mưa, lạnh. Con đường dẫn đến nhà bà Hồng bùn ngập tới mắt cá chân. Ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn nằm ngay sát chân đê. Không hiểu sao khi đặt chân vào ngôi nhà với những con người đang sống một cuộc đời rất đặc biệt ấy, chúng tôi có một cảm giác bình yên đến lạ.
Ông Nguyễn Văn Thục đang nằm trên giường nghe đài, bà Hồng ngồi chẻ nan trước hiên nhà, bà Minh đang lúi húi bốc vỏ mía cho bò ăn. Mỗi người một việc nhưng vẫn là một sự gắn kết rất gia đình. Thấy khách đến, ông Thục nhỏm dậy rồi gọi bà Hồng rất thân thương: "Bà nó bỏ đấy vào pha nước cho tôi cái nào". Nghe cái cách ông Thục gọi người vợ cả cũng đủ thấy ông yêu thương bà Hồng đến thế nào.
Gạt bỏ những ghen tuông thường tình, bà Hồng đã chủ động cưới vợ cho chồng.
Nhiều người nói bà Hồng "lạ" lắm, "đặc biệt" lắm vì dám chia sẻ chồng mình cho một người đàn bà khác. Thế nhưng có ở trong hoàn cảnh của bà Hồng mới hiểu được nỗi đau vì không thể sinh được cho chồng một đứa con nó lớn hơn tất thảy. Cũng bởi tình yêu dành cho chồng quá lớn, không muốn chồng vì mình mà phải chịu cả đời bất hạnh nên bà đã làm được cái việc ít ai làm được.
17 tuổi bà Hồng lấy chồng. Chồng bà - ông Nguyễn Văn Thục là người cùng thôn. Cưới nhau chưa được bao lâu, bà Hồng mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng cái thai mới chỉ khoảng 7 tháng, bà đã trở dạ rồi sinh non. Chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì nó đã vĩnh viễn ra đi vì quá yếu. Ông bà mất con, người thân dù thương nhưng ai cũng động viên rằng, vợ chồng còn trẻ muốn đẻ bao nhiêu đứa mà chả được. Nghĩ vậy ông bà cũng nguôi ngoai.
Thế nhưng, như quen dạ, cứ mang thai được đến tháng thứ 7 là bà lại đẻ non. Liên tiếp trong vòng gần chục năm trời, năm nào hàng xóm láng giềng cũng thấy bà mang bụng bầu nhưng vẫn chưa một lần được làm mẹ. Thiên hạ bắt đầu bàn ra tán vào, nói vợ chồng bà bị quả báo từ kiếp trước. Ông Thục lại là con một trong gia đình, khỏi phải nói sức ép dồn lên vợ chồng bà nặng nề đến thế nào.
Nhiều đêm tỉnh giấc, bà thấy ông ngồi hút thuốc lào rồi ngao ngán thở dài. Cũng có lúc bà bắt gặp ánh mắt ông khao khát khi nhìn thấy bạn bè bằng tuổi chiều chiều mang con ra giếng đình tắm. Mỗi lần như thế tim bà đau nhói, cảm giác tội lỗi cứ trào dâng. Rồi bà nghĩ mình không thể đắc tội với chồng, với gia đình chồng thêm nữa. Đó cũng là lúc bà đi đến quyết định táo bạo và khổ tâm là sẽ phải cưới vợ cho chồng mình.
Về phần ông Thục, năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, ông Thục đã hành quân lên Lạng Sơn theo lệnh tổng động viên. Tại đây ông gặp cô dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Minh là người cùng xã. Niềm vui vì gặp đồng hương đã giúp ông phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ thương vợ. Càng tiếp xúc với bà Minh, ông càng cảm mến sự thật thà, chất phác của người con gái quê mình.
Mái ấm của những con người đặc biệt.
Bà Minh khi đó, dù đã ngấp nghé tuổi 30 nhưng chưa từng có "mảnh tình" nào vắt vai. "Bà ấy ít nói và nhút nhát lắm nên rất ngại tiếp xúc với đàn ông. Chắc thấy tôi là người cùng xã nên bà ấy mới cởi mở và gần gũi đấy" - ông Thục cười nhớ lại. Tuy cảm mến nhau nhưng hai người không bao giờ nghĩ tới chuyện đi quá giới hạn. Hết nghĩa vụ ông Thục lại trở về quê hương.
Dù ở nhà, nhưng bà Hồng đã nghe phong thanh chuyện chồng mình và cô Minh có tình cảm với nhau. Không hành xử theo lối thông thường là ghen tuông, tra vấn chồng, ngược lại, bà Hồng thương chồng nên lựa lời nói với ông Thục rằng muốn cưới bà Minh về cho ông.
Ban đầu khi nghe bà Hồng nói vậy, ông Thục giãy nảy lên nhất quyết không nghe. "Tôi bảo với bà ấy là tôi không đồng ý. Làm thế người ta sẽ dị nghị. Con cái cứ cố rồi biết đâu giời thương lại được nhưng bà ấy không nghe. Bà ấy bảo là nếu thương bà ấy thì lấy bà Minh để bà ấy sinh con đẻ cái cho. Bà ấy sẽ coi những đứa con của chúng tôi sau này như con ruột của mình".
Nói là làm, ngay ngày hôm sau, bà Hồng bắt ông Thục chở mình sang nhà bà Minh nói chuyện. Ban đầu khi đặt vấn đề với bà Minh, bà Hồng bị phản đối kịch liệt. "Bà Minh nghĩ tôi giễu cợt bà ấy vì nghĩ tôi biết chuyện tình cảm giữa hai người. Tôi phải thuyết phục mãi bà ấy mới tin. Ban đầu bà ấy không đồng ý nhưng sau thấy tôi tha thiết quá nên bà ấy nhận lời. Hôm ăn hỏi, chính tôi là người bưng trầu cau sang xin cưới mà" - bà Hồng kể lại. Nhưng chuyện xin dâu của bà Hồng đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người anh họ bà Minh. Sau đó ông này đã đại diện cho nhà bà Minh sang nhà bà Hồng trả lại trầu cau.
Tình cảm gắn bó thuận hòa giữ ông Thục bà Minh và bà Hồng khiến nhiều người phải khâm phục.
Thêm một lần "cướp dâu" cho chồng
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, chính bà Hồng đã xui chồng và bà Minh bỏ trốn để khi nào… "bụng to" thì về lại. Vì dù sao lúc ấy mọi sự cũng đã rồi. Đúng như dự định của bà Hồng, gần một năm "lưu lạc", bà Minh trở về cùng ông Thục với cái bụng sắp sinh. Dù vậy, gia đình bà Minh vẫn nhất quyết không chịu cho con gái của mình về chung sống dưới một mái nhà khi có cả bà Hồng.
Ngày bà Minh trở dạ, bà Hồng bàn với chồng là sẽ bí mật lên đó trực sẵn. Khi nào bà Minh mẹ tròn con vuông sẽ đón thẳng về nhà mình. Đúng như kế hoạch, vợ chồng bà Hồng đã đón được mẹ con bà Minh về. Nhìn cảnh đó ai cũng xì xào để rồi xem họ đối xử với nhau thế nào.
Khỏi phải nói, những ngày đầu gia đình đặc biệt của bà Hồng luôn là đề tài dị nghị, là tâm điểm xoi mói của những người xung quanh. Nhưng mặc kệ thiên hạ nghĩ gì, bà Hồng cứ một lòng chăm sóc cho bà Minh và đứa con gái riêng của chồng. Lần lượt 3 đứa con giữa ông Thục và bà Minh ra đời. "Nói thật, mỗi lần bà ấy nói với tôi là bà ấy mang bầu, tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì nhà mình sẽ đông con nhiều cháu. Có người là có của. Nhưng cũng không thể không có tí buồn nào. Dù gì vẫn có chút tủi thân mình chứ" - bà Hồng tâm sự.
Hoàn cảnh nhà bà Hồng khi ấy rất nghèo, vẫn còn là nhà tranh vách đất. Ông Thục giãi bày: "Cơ cực lắm cô chú ạ. Mỗi lần bão, mưa hắt vào nhà cứ thông thống. Mỗi bà cắp một đứa con, mình tui lụi hụi tát nước từ trong nhà ra ngoài sân cho không bị ngập. Lúc con cái còn nhỏ thì bà Minh ở nhà chăm sóc con để tôi với bà Hồng đi phu hồ nay đây mai đó. Lúc con lớn hơn một chút thì lại để cho bà Hồng ở nhà chăm con, còn tôi với bà Minh đi. Lay lắt mãi ba người chúng tôi mới dựng được cái cơ ngơi nho nhỏ này đấy".
Giờ thì ba người con của họ đã trưởng thành và yên bề gia thất. Hai người con gái lấy chồng cùng xã nên cứ cuối tuần là lại cho con cái về thăm ông bà. Người con trai của họ công tác mãi tận Cao Bằng. Hồi vợ anh Giang sinh con, bà Hồng lặn lội đường xa lên đó 2 tháng để chăm cháu nội. Hỏi vì sao bà Minh không đi mà lại để bà đi, bà Hồng giải thích: "Bà ấy say xe lắm, cứ ngửi thấy mùi xăng là muốn xỉu rồi nên chả đi được đâu xa".
Hạnh phúc lớn nhất của bà Hồng bây giờ là nhìn những đứa con trưởng thành và những đứa cháu lớn lên từng ngày. Bà hài hước nói: "Đấy, giá hồi đó tôi ích kỷ cứ nhăm nhăm giữ ông ấy cho riêng mình thì bây giờ lấy đâu ra người gọi mình bằng mẹ, bằng bà". Và điều khiến bà vui hơn cả là những đứa con ấy chưa từng bao giờ phân biệt đối xử với bà. Nhiều lúc bà Minh còn ghen tị rằng "chúng nó còn yêu bà hơn cả yêu tôi".
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Trưởng Công an xã Mai Trung chia sẻ: "Xét về góc độ luật pháp thì phải thừa nhận gia đình ông Thục đã vi phạm chế độ một vợ một chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình. Nhưng xét ở khía cạnh tình cảm thì cũng phải cảm thông cho họ thật. Sinh con tới 7 lần mà không được làm cha mẹ thì hỏi người nào không khổ.
Thực ra chuyện ông Thục có bà hai cũng là vì bà cả tự nguyện và chủ động đi tìm vợ cho ông ấy. Họ sống với nhau mấy chục năm trời nhưng rất đầm ấm và hòa thuận, chưa bao giờ hàng xóm láng giềng nghe thấy họ to tiếng với nhau. Chính vì bà Hồng đối xử rất tốt với những người con của bà Minh và ông Thục nên chúng cũng rất có hiếu với bà Hồng".
(Theo CSTC/CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.