Đường Lâm không chỉ được biết đến là ngôi làng cổ, là vùng đất 2 vua mà ở đó còn hàm chứa bao điều bí ẩn của làng quê Việt. Nơi đây có một địa danh khá nổi tiếng được truyền miệng từ đời này qua đời khác bởi sự kỳ diệu mà nó mang lại cho những phụ nữ đang nuôi con. Đó là "giếng sữa", nơi đã làm tuôn chảy không biết bao nhiêu dòng sữa mát đem lại ấm no cho bao lứa trẻ thơ.
Huyền thoại "giếng sữa"
"Giếng sữa" hay còn gọi là giếng Chuông Sa, bởi nó nằm trên mảnh đất có tên Chuông Sa thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội. Đó là một giếng nước rất nhỏ, xung quanh được xây bằng đá ong - một "đặc sản" của xứ Đoài. Xung quanh “giếng sữa” là một vùng đất bạt ngàn, rộng lớn. Tương truyền, vùng đất này trước đây là đất của vua Ngô Quyền.
|
Toàn cảnh "giếng sữa" và ngôi đền Mẫu. |
Trong làng có lệ, người dân không được làm nhà trên đất của vua. Vì thế mà vùng đất này chỉ toàn cây cối không thấy bóng dáng ngôi nhà nào. Lũ trẻ chăn trâu và người dân lao động vẫn sinh hoạt khá nhiều ở đây.
Ông Nguyễn Thế Thủy, trưởng ban văn hóa xã Đường Lâm, cho biết: “Đến giếng Chuông Sa xin sữa là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người dân Đường Lâm nói riêng và xứ Đoài nói chung.
Một đứa trẻ chăn trâu hay một người dân đi làm đồng về, khát đến mấy trước khi uống nước ở giếng cũng phải lễ trước đền Mẫu rồi mới uống. Vợ tôi hồi sinh cháu cũng bị mất sữa. Khi đến giếng xin nước về uống thì đã có sữa trở lại.
Về mặt khoa học, trước tôi học ngành sinh hóa nên tuy chưa nghiên cứu cụ thể nhưng cũng phỏng đoán rằng, trong nước giếng Chuông Sa có chứa những nguyên tố vi lượng giúp tác động tích cực đến việc hình thành sữa của sản phụ”.
Trên đường vào thôn Cam Lâm (làng cổ Đường Lâm), muốn đi đến “giếng sữa” phải đi qua đền thờ Phùng Hưng và đền thờ Ngô Quyền. Chúng tôi gặp cụ Dương Hữu Số (69 tuổi) - thủ từ đền Ngô Quyền, nơi cách “giếng sữa” không xa - để tìm hiểu về gốc tích chiếc giếng kỳ lạ này. Cụ Số cho biết: “Giếng cổ làng tôi không ai biết có từ bao giờ.
Nghe các cụ đời trước kể lại thì dễ tuổi của giếng phải đến hơn nghìn năm. Sống gần hết đời người rồi nhưng tôi chưa bao giờ thấy giếng bị cạn nước cả.
Có những năm hạn hán, những chiếc giếng khác trong làng cạn hết nhưng “giếng sữa” nước vẫn đầy ăm ắp. Cả làng lại rủ nhau ra gồng gánh nước về ăn. Mà kể cũng lạ, chiếc giếng sâu chưa đầy 1 mét mà hồi đó cấp nước đủ cho cả làng dùng”.
Nói về sự tích “giếng sữa”, cụ Số kể: “Từ đời vua Ngô Quyền lập đất, người ta có truyền tai nhau câu chuyện về sự hình thành “giếng sữa”.
Chuyện rằng, hồi đó loạn lạc, dân chúng đói khổ mưu sinh, có nhà bỏ con để chạy loạn. Một bà lão hành khất chống gậy lang thang qua đất này mới thấy đứa bé còn đỏ hỏn bị bỏ ngang đường. Thương tình, bà bế đứa nhỏ theo. Đến địa phận đất Chuông Sa thì đứa bé đói quá nên khóc ngằn ngặt không sao dỗ được.
|
Cụ Dương Hữu Số - thủ từ đền Ngô Quyền. |
Không có nhà dân nào xung quanh để xin cho đứa bé miếng nước, bà phải cố dỗ dành. Bỗng đâu chiếc gậy của bà cắm xuống mảnh đất mềm thì một dòng nước trào lên. Bà mừng quá lấy nước cho đứa bé uống thì đứa bé nín khóc và ngủ ngon lành. Sau này người ta kè đá ong ở xung quanh nơi bà lão chống gậy để làm thành giếng nước”.
Trải qua thời gian, lòng giếng có những sợi rễ cây đâm ngang rủ xuống trắng phau như những sợi vải. Giếng nằm bên cạnh sườn đồi và một tòa cổ miếu. Không biết từ bao đời nay, đây vẫn là nơi tìm đến của các người mẹ đang cho con bú. Người dân Đường Lâm cho rằng, nước giếng có công dụng mang dòng sữa trở lại cho những người bị tắc sữa hoặc mất sữa. Tiếng thơm của "giếng sữa" ngày một vang xa, nhiều người ở ngoại tỉnh nghe tin cũng đến để “xin sữa” về cho con. Với chút lễ mọn và lòng thành tâm, ai đến cũng đều được như ý cả.
Báu vật của làng
Mấy người già trong làng cổ Đường Lâm đang ngồi hóng mát dưới rặng Duối nghìn năm của vua Ngô Quyền. Thấy chúng tôi hỏi về "giếng sữa", một bà cụ cho biết: “Các cô đang có con nhỏ trong giai đoạn còn bú mẹ, nếu chẳng may bị tắc sữa hay ít sữa, thậm chí không có sữa, thì đều tìm về đây. Chỉ cần thành kính dâng vào miếu một mâm lễ vật nhỏ gồm hoa quả, bánh trái và một ít tiền lẻ, rồi chắp tay xưng rõ họ tên, quê quán cùng lời cầu nguyện xin thần ban cho dòng sữa ngọt lành.
|
"Giếng sữa" ở làng cổ Đường Lâm. |
Lễ vật này phải để lại miếu không được mang về. Sau khi xin âm dương, được phép rồi thì người xin sẽ đến bên giếng múc nước bằng cái gáo dừa rồi uống mấy ngụm. Người xin có thể dùng can lấy nước mang về nấu cơm hoặc đun lên làm nước uống. Như vậy là lời cầu nguyện sẽ được linh ứng”.
Những người già hơn thì bảo, nếu là người đi xin nước thay thì đàn ông phải để lại 9 đồng tiền lẻ, đàn bà 7 đồng tương đương với vía của mỗi người. Ngày trước người ta dùng tiền xu ném xuống giếng, còn bây giờ dùng tiền giấy để trên thành giếng. Sau khi người làm lễ đi khỏi, lũ trẻ chăn trâu gần đó sẽ mò đến miếu và đem lễ vật chia nhau.
Các cụ già bảo, chỉ sau khi lũ trẻ chia lộc thì lời xin sữa của các cô mới hiệu nghiệm. Có một bà kể lại rằng: “Con dâu nhà tôi nhờ người đi xin sữa ở giếng, gặp mấy hôm trời mưa, lũ trẻ không ra chia lộc nên không có sữa ngay. Phải 4 - 5 hôm sau, khi chúng nó ra giếng thụ lộc thì con bé mới có sữa cho con bú”.
Người dân Cam Lâm cho biết người nơi khác đến xin sữa thì được chứ thiếu phụ nào trong làng mất sữa mà đến xin thì cũng không hiệu quả gì. Lý giải cho hiện tượng “bụt chùa nhà không thiêng” này, nhiều người giải thích, vì làng Cam Lâm có giếng lạ khiến mọi người khắp nơi mang lộc đến thế nên người trong làng phải chịu thiệt thòi. Nhà nào chẳng may có sản phụ mất sữa, muốn xin được thì phải nhờ người làng khác đến giúp. Nghi lễ thì cũng tương tự, không cầu kỳ phức tạp.
Cứ mỗi lần có khách phương xa đến giếng xin sữa là người dân làng cổ Đường Lâm lại lấy làm tự hào lắm, vui nhất là lũ trẻ chăn trâu. Cụ Dương Hữu Số cho biết, nghe chuyện về chiếc giếng kỳ lạ của làng, năm 1965, có một đoàn các nhà khoa học đến thăm. Họ lấy mẫu nước về nghiên cứu. Tuy nhiên kết quả thế nào thì không được thông báo đến người dân.
Nhiều người chỉ hiểu mơ hồ là trong nước giếng có chất khoáng có thể kích thích sản sinh ra sữa ở sản phụ. Tuy nhiên, người dân Đường Lâm cũng không mấy quan tâm đến cách lý giải vấn đề đó lắm vì quan trọng nhất đối với họ, “giếng sữa” là một báu vật đáng tự hào.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.