Là loài cây mọc hoang, không ngờ chữa được bệnh dạ dày, người dân vào rừng hái về bán giá 80.000 đồng/kg

Ngọc Sang Thứ bảy, ngày 10/06/2023 18:29 PM (GMT+7)
Mọc nhiều ở các xã: Sơ Pai, Đak Rong, Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), cây chè dây không chỉ làm thức uống giải nhiệt hàng ngày mà còn có công dụng chữa một số bệnh nên được người dân xem như đặc sản.
Bình luận 0

Chè dây - loài cây mọc hoang trong rừng, có tác dụng chữa bệnh dạ dày

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, anh Nguyễn Thanh Thảo (thôn 2, xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vào khu vực rừng giáp ranh giữa xã Sơ Pai và Sơn Lang để thu hái chè dây. Anh cho hay: Khoảng 5 năm nay, anh thường vào rừng hái chè dây về sơ chế và bỏ mối cho khách ở TP. Pleiku và một số tỉnh phía Bắc. Để có nguồn hàng, anh thuê 1-2 người dân trong xã vào rừng thu hái, mỗi ngày có thể hái được cả tạ chè dây. 

“Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhu cầu khách hàng tăng lên, nhiều người cùng khai thác nên cây chè dây ngày một khan hiếm. Hiện tôi bán lẻ 80 ngàn đồng/kg, giá sỉ thì 70 ngàn đồng. Mỗi năm, tôi bán khoảng 8 tạ chè khô, đem lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình khoảng 50 triệu đồng/năm”-anh Thảo chia sẻ.

Là loài cây mọc hoang, không ngờ chữa được bệnh dạ dày, người dân vào rừng hái về bán giá 80.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thanh Thảo (thôn 2, xã Sơ Pai, huyện Kbang) phơi chè dây. Ảnh: N.S

Cũng theo anh Thảo, chè dây thuộc dạng cây leo mọc hoang trong rừng, dài khoảng 5-7 m, thường bám vào thân cây khác, tua cuốn mọc đối diện với lá và chia thành 2-3 nhánh. Hoa cây chè dây có màu trắng và kết thành từng chùm. Hoa nở vào tháng 6-7 và ra quả vào khoảng tháng 9.

Quả có màu đỏ và nhỏ như quả si. Cây chè dây được thu hoạch quanh năm, thường vào thời điểm chưa ra hoa. Do mọc hoàn toàn tự nhiên nên chè dây đến nay vẫn là thức uống được nhiều người tin dùng.

Qua câu chuyện với anh Thảo, được biết, cách sơ chế chè dây khá đơn giản. Sau khi cắt từ rừng về, loại bỏ những lá hỏng, lá sâu và thái nhỏ, phơi khô trực tiếp dưới ánh nắng. Sau đó, dùng lá và thân cây đã phơi khô để uống như trà. 

Trước khi hãm trà cần tráng hoặc rửa qua nước nhằm loại bỏ bụi bẩn. Mùa hè, nước chè bỏ trong tủ lạnh, bỏ đá uống rất đã khát, mùa đông thì uống nóng. Chè dây có công dụng trị bệnh dạ dày rất tốt. Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong có thu nhập ổn định từ cây chè dây.

Hơn 5 năm nay, sau mỗi cuộc điện thoại đặt hàng, chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) lại tất bật đóng gói chè dây cho khách. Trên mỗi gói chè, chị Hậu cẩn thận ghi tên, số điện thoại người gửi, người nhận và không quên ghi “chè dây rừng Kbang”. Sau đó, chị gửi nhà xe giao cho khách hàng ở TP. Pleiku, Bình Định, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.

“Theo nhiều người sử dụng cho biết, chè dây có tác dụng giải độc gan, chữa bệnh dạ dày, giảm mỡ máu. Bình quân mỗi tháng, tôi bán được trên 40 kg chè với giá 70 ngàn đồng/kg, nếu khách đặt số lượng nhiều thì 50 ngàn đồng/kg”-chị Hậu bộc bạch.

Là loài cây mọc hoang, không ngờ chữa được bệnh dạ dày, người dân vào rừng hái về bán giá 80.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Trên mỗi gói chè dây gửi cho khách, chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) không quên ghi “chè dây rừng Kbang”. Ảnh: Ngọc Sang

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Hdăn-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho biết: Trước đây, người dân thường dùng thân và lá chè dây phơi khô rồi cắt nhỏ pha nước nóng uống để trị bệnh dạ dày. Gần đây, thị trường tiêu thụ tương đối lớn. Riêng địa bàn xã Sơn Lang đã có khoảng chục hộ bán chè dây.

Cũng theo ông Hdăn, với việc hình thành các điểm du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng trong thời gian qua, du khách đến đây không chỉ trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên mà còn mua nhiều sản phẩm dược liệu của địa phương, trong đó có chè dây. 

Tuy nhiên, do khai thác nhiều để phục vụ nhu cầu thị trường nên trữ lượng còn thấp, hàng bán ra thị trường không ổn định. 

Bên cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản còn mang tính thủ công nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thị trường chưa được thực hiện, các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát.

“Trước mắt, xã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức, không nên tận diệt, đốn cây khi thu hái. Đồng thời, khuyến khích một số hộ dân trong quá trình bán sản phẩm chè dây nên đóng gói, dán nhãn mác nhằm nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm. 

Bên cạnh đó, xã mong muốn xây dựng đề án bảo tồn, phát triển cây chè dây, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời tạo thương hiệu cho loại thảo dược đặc sản của vùng núi rừng Kbang”-ông Hdăn thông tin thêm.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thanh Hương-Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh): Cây chè dây có nhiều tên gọi khác như: bạch liễm, trà dây, thau rả, khau rả, hồng huyết lon, điền bổ trà, ngưu khiên tỵ, chè hoàng gia, song nho Quảng Đông.

Chè dây có vị ngọt, tính mát, được người dân sử dụng như một vị thuốc dân gian trong điều trị viêm loét dạ dày-tá tràng. Ngoài ra, chè dây còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ, chữa tê thấp và phòng bệnh sốt rét, giải nhiệt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem